Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng loài kiến bạc Sahara (có tên khoa học là Cataglyphis bombycina) đã sử dụng bộ tóc đặc biệt của chúng để chống chọi với nhiệt độ khắc nghiệt của vùng sa mạc Bắc Phi.
Đây là một ví dụ điển hình về quá trình tiến hóa đã gây ra sự thích ứng với các yếu tố vật lý bên ngoài để đảm bảo khả năng tồn tại và phát triển của các loài động vật.
Bộ tóc đặc biệt có màu ánh kim, bao phủ toàn bộ phần đầu và mặt trước của loài kiến bạc Sahara. Cấu tạo này đem lại khả năng phản chiếu ánh sáng và tản nhiệt hiệu quả, giúp những con kiến có thể chịu đựng được nhiệt độ bên ngoài lên đến 70 độ C. Tuy nhiên, điều này cũng có giới hạn nhất định. Các nhà khoa học cho biết loài kiến chỉ có thể di chuyển liên tục tối đa 10 phút dưới ánh sáng mặt trời, sau đó chúng sẽ phải tìm ẩn nấp để không bị thiêu đốt bởi sức nóng dữ dội của sa mạc.
Việc phát hiện ra khả năng đặc biệt của loài kiến bạc Sahara có thể sẽ trở thành cơ sở để các nhà nghiên cứu phát triển công nghệ tản nhiệt và làm mát cho các phương tiện giao thông, tòa nhà cao tầng, dụng cụ ngoài trời hay thậm chí là quần áo.
Mạc Vũ
Nguồn: Dispatch Times