Bộ trưởng Thương mại Mỹ vừa tuyên bố sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp Mỹ hợp tác với Huawei khi không còn mối đe dọa nào đến tình hình an ninh quốc gia.
Số phận Huawei trên đất Mỹ vừa được đề cập trong tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Thương mại – Mỹ Wilbur L. Ross tại Hội nghị thường niên về kiểm soát và an ninh xuất khẩu của Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS). Ông L. Ross đã nói rõ về kế hoạch giảm bớt hạn chế thương mại với Huawei, khẳng định hãng công nghệ này vẫn còn nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, nhưng giấy phép giao dịch sẽ được cấp trong một số trường hợp nhất định.
Ông Ross khẳng định cấp giấy phép khi không còn mối đe dọa nào đến an ninh quốc gia Mỹ. Trong sự kiện riêng, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc Gia Mỹ – Larry Kudlow cho biết Mỹ đã “nới lỏng” các yêu cầu cấp phép của Bộ Thương mại. Tuy nhiên, ông Kudlow khẳng định Mỹ sẽ không mua các thiết bị của Huawei, và linh kiện quan trọng có vấn đề về bảo mật sẽ không được cấp phép. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo thêm quyết định này chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian giới hạn, tức nếu đàm phán thương mại Mỹ – Trung không thành công, có khả năng các hạn chế sẽ được áp lại.
Tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ chính thức đưa Huawei vào “danh sách đen”, cấm các doanh nghiệp Mỹ hợp tác với hãng công nghệ này khi chưa được chính phủ cho phép. Những phát biểu trên đã làm rõ về tuyên bố của Tổng thống Trump sau Hội nghị G20 tại Nhật Bản tháng trước, cho biết hai nước sẽ nối lại các đàm phán thương mại và việc triển khai thuế quan bổ sung sẽ được tạm dừng. Thông báo này đã tạo ra hàm ý không mong muốn rằng lệnh cấm Huawei được thúc đẩy do tranh chấp thương mại nhiều hơn là lo ngại an ninh.
Vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề liệu các thiết bị và công nghệ của Huawei có thực sự gây ra mối nguy an ninh, hay việc cấp phép sử dụng hệ điều hành Android có vấn đề gì không. Google là một trong những hãng công nghệ đầu tiên tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei. Việc mất quyền sử dụng hệ điều hành Android đã giáng một đòn nặng vào tham vọng mở rộng thị trường của Huawei bên ngoài Trung Quốc. Cùng với Google, nhà thiết kế chip ARM đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với nhà sản xuất Trung Quốc, chưa rõ liệu mối quan hệ này có được khôi phục sau tuyên bố mới của Tổng thống Trump hay không.
Nhiều hãng công nghệ Mỹ như Intel và Qualcomm đã âm thầm vận động chính phủ giảm bớt hạn chế để được tiếp tục bán công nghệ cho Huawei. Những doanh nghiệp này tuyên bố rằng các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại thông minh và máy tính không thể thực hiện được các vấn đề bảo mật giống như những cơ sở hạ tầng thiết bị quan trọng khác. Theo Reuters, Huawei đã chi đến 11 tỷ USD cho các nhà cung cấp linh kiện Mỹ trong năm 2018.
Theo The Verge