Chiếc laptop có chứa 6 loại virus nguy hiểm nhất từ trước đến nay đang được mang ra bán đấu giá, hiện đã lên đến gần 620.000 USD.
Sản phẩm được mang ra đấu giá là NetBook Samsung NC10-14G 10,2 inch màu xanh. Những người dùng PC vào đầu những năm 2000 hẳn sẽ nhớ tất cả các loại phần mềm độc hại như virus, worm và trojan… Chiếc laptop này có chứa 6 loại mã độc nguy hiểm nhất, từng gây thiệt hại lên đến 95 tỷ USD trên toàn cầu trong nhiều năm qua. Chúng bao gồm:
1. WannaCry: Đây là một loại mã độc tống tiền (ransomware) xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 5/2017. WannaCry đã nhanh chóng lây lan trên toàn thế giới, yêu cầu thanh toán tiền chuộc bằng Bitcoin, ảnh hưởng đến hơn 200.000 máy tính tại 150 nước.
2. BlackEnergy: xuất hiện từ năm 2007. Mã độc này sẽ tạo nhiều “bot” để thực hiện các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) thông qua những email spam, sau đó phát triển thành một tập tin DLL nhiễm trực tiếp vào thư mục dữ liệu ứng dụng cục bộ. Tháng 12/2015, mã độc này đã tấn công Ukraine gây ra sự cố mất điện lớn ở nước này.
3. ILOVEYOU: xuất hiện lần đầu vào tháng 5/2000 và lây lan bằng cách gửi các email spam đính kèm tập tin LOVE-LETTER-FOR-YOU.txt.vbs. Khi người dùng vô tình mở file này, phần mềm độc hại sẽ bắt đầu tạo tập tin thay thế, ghi đè lên các file ngẫu nhiên trong máy như Office, hình ảnh, âm thanh…
4. Mydoom: Đây là một worm (sâu máy tính) ra đời vào tháng 1/2004, phát tán qua email, chủ yếu thông qua các máy đã bị nhiễm nhưng lại xuất hiện dưới dạng lỗi đường truyền. Đây là phần mềm độc hại lây lan nhanh nhất từ trước tới nay, hơn cả ILOVEYOU.
5. Sobig: Là sản phẩm kết hợp worm và trojan, lần đầu tiên lây nhiễm trên máy tính là tháng 8/2013 qua email. Sobig tự vô hiệu hóa vào ngày 10/8/2013. Tính đến năm 2018 đây là worm lây nhiễm nhanh thứ hai. Người phát tán mã độc này hiện vẫn chưa bị bắt.
6. DarkTequila: xuất hiện từ năm 2013, lây nhiễm chủ yếu ở Mỹ Latin. Phần mềm này đánh cắp thông tin ngân hàng, dữ liệu công ty và thông tin cá nhân từ máy tính bằng kỹ thuật spear phishing và thông qua các USB bị nhiễm. Ngoài ra, mã độc này còn có thể phát hiện môi trường hoạt động đang được người dùng sử dụng thật hay đang bị kiểm soát bởi các nhà nghiên cứu.
Buôn bán phần mềm độc hại bị cấm tại Mỹ, vì vậy người bán chiếc laptop trên sẽ “lách luật” bằng cách biến thiết bị này thành một tác phẩm nghệ thuật. Máy được đặt tên là The Persistence of Chaos, được tạo ra bởi nghệ sĩ Gu O Dong và công ty bảo mật Deep Instinct.
Dong cho biết ông tạo ra tác phẩm này vì đánh giá cao tác động của các loại phần mềm độc hại và muốn xem thế giới phản ứng như thế nào.
Chiếc laptop đang mang đấu giá là tác phẩm công nghệ đáng sợ nhất từng tồn tại vì chứa tới 6 loại mã độc. Tại thời điểm viết, giá của sản phẩm đã lên đến 615.000 USD.
Ngoài ra, người mua phải cam kết “mua sản phẩm vì nghệ thuật hoặc lý do học thuật” và không lưu hành phần mềm độc hại trên đó.
Theo: PC Gamer