Dư luận Trung Quốc phản ứng dữ dội, kêu gọi tẩy chay Huawei sau khi phát hiện một cựu nhân viên của công ty bị bắt và kết án oan vì bị chính Huawei vu khống.

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang, Huawei trở thành thương hiệu tượng trưng cho chủ nghĩa yêu nước ở Trung Quốc. Doanh số smartphone của hãng thời gian gần đây tăng trưởng phần lớn nhờ người dùng bản địa, trong khi tình hình kinh doanh ở những thị trường khác đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, công chúng Trung Quốc đang khá bất bình và muốn tẩy chay Huawei sau khi tài liệu về vụ kiện của Li Hongyuan được công bố trên phương tiện truyền thông xã hội. Trong đó tiết lộ ông Li được chính phủ bồi thường 107.522 nhân dân tệ (khoảng 15.000 USD) vì bị bắt giam sai từ tháng 12/2018 đến tháng 8/2019. Tài liệu này phát hành từ văn phòng một công tố viên cấp huyện tại Thâm Quyến, trong đó cũng trình bày chi tiết trường hợp của Li chống lại Huawei.

Làn sóng tẩy chay Huawei tại Trung Quốc

Hiện chưa thể xác minh tính xác thực của tài liệu đó, tuy nhiên luật sư đại diện cho Li đã khẳng định việc bồi thường là chính xác. Ngoài ra, tháng 8 vừa qua, văn phòng công tố viên cũng đăng tải thêm một tài liệu nữa, trong đó có thông báo quyết định không truy tố Li và nhiều thông tin khác, gồm cả nguyên nhân vì sao ông ta rời khỏi Huawei.

Trong hồ sơ, công tố viên cho biết Li rời Huawei từ tháng 1/2018 và yêu cầu được nhận trợ cấp sau nghỉ việc vì hợp đồng không gia hạn. Hai tháng sau, nhân viên Huawei chuyển vào tài khoản của ông 304.742 nhân dân tệ (43.000 USD). Tuy nhiên, một thời gian sau đó, Huawei tố cáo với cảnh sát rằng Li có hành vi tống tiền công ty và giải thích việc chuyển tiền vào tài khoản của ông ta chỉ vì bị ép buộc.

Li đã bị cảnh sát giam giữ từ tháng 12/2018 và chính thức bị bắt vào tháng sau cho đến khi được trả tự do hồi tháng 8/2019.

Các điều tra viên kết luận rằng Li “đe dọa phơi bày hoạt động kinh doanh bất hợp pháp của người đứng đầu bộ phận của ông khi còn làm việc tại công ty” cho các kiểm toán viên và thanh tra chính phủ, đồng thời dùng những thông tin này để tống tiền Huawei. Trong khi đó, luật sư của Li khẳng định ông ta “không đe dọa hoặc ép buộc bất cứ ai”.

Làn sóng tẩy chay Huawei tại Trung Quốc

“Kết luận của cảnh sát Thâm Quyến về vụ việc là không rõ ràng, chưa đủ bằng chứng và không thỏa mãn các điều kiện truy tố”, tài liệu của công tố viên nêu rõ.

Trong tuyên bố gửi tới CNN Business, nhóm luật sư biện hộ cho Li xác nhận rằng thân chủ của họ không bị truy tố và đã được chính phủ bồi thường thiệt hại. Trong đó nhấn mạnh về mặt pháp lý Li không hề phạm tội, đồng thời tuyên dương “thái độ khách quan và công bằng” của công tố viên trong quá trình xét xử.

Li Hongyuan đã được trả tự do hồi tháng 8 do không đủ bằng chứng buộc tội. Tuy nhiên trường hợp của ông đã khiến dư luận nước này phản ứng dữ dội, kêu gọi tẩy chay Huawei. Nếu không có biện pháp xoa dịu công chúng, hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc sẽ thực sự phải “sống trong ác mộng” vì hiện tại doanh số của công ty đang tập trung chủ yếu ở thị trường nội địa.

Về phía Huawei, hãng tuyên bố không làm gì sai, đồng thời thách thức Li chứng minh việc ông đã bị đối xử bất công. Trong tuyên bố với CNN Business, đại diện công ty nói rằng họ “có quyền, và thực tế là nghĩa vụ báo cáo sự thật về bất kỳ hành vi bất hợp pháp nào bị nghi ngờ cho chính quyền”.

“Chúng tôi tôn trọng các quyết định của chính quyền. Nếu Li Hongyuan tin rằng mình bị thiệt hại hoặc quyền lợi bị xâm phạm, chúng tôi ủng hộ ông ta tìm kiếm sự hài lòng bằng các biện pháp pháp lý, gồm cả việc khởi kiện Huawei. Điều này tuân thủ nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật”, đại diện Huawei tuyên bố.

Lan Rui, một trong những luật sư đại diện của Li cho biết ông không có kế hoạch kiện Huawei. Theo cô, vụ việc này đã gây ra quá nhiều gánh nặng về thể chất và cả tinh thần cho Li, tác động mạnh nhất là sự chú ý của truyền thông.

Vụ việc của Li lần đầu được công bố rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội vào ngay trước mốc một năm Meng Wanzhou – Giám đốc tài chính và là con gái CEO Ren Zhengfei của Huawei – bị bắt tại Canada.

Làn sóng tẩy chay Huawei tại Trung Quốc

Bà Meng bị cảnh sát Canada bắt giữ vào ngày 1/12/2018 vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, dù cả bà và Huawei đều phủ nhận. Bà bị cấm rời khỏi Vancouver trong thời gian chờ hoàn tất quá trình điều trần dẫn độ.

Từ đó đến nay, truyền thông Trung Quốc và nhiều người dùng mạng xã hội vẫn luôn ủng hộ bà Meng, công kích những điều gọi là “âm mưu của chính phủ Mỹ và Canada”. Họ cho rằng bà Meng chỉ là con tốt mà Mỹ dùng để ngăn chặn sự phát triển của Huawei trên toàn cầu.

Sau khi vụ án của Li được công khai, có nhiều người Trung Quốc lên tiếng đòi tẩy chay Huawei. Trường hợp của ông trở thành chủ đề trên nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc những ngày gần đây.

Trang tin The Paper viết: “Nếu vô tình giẫm vào chân ai đó trên phố, bạn phải xin lỗi. Trong khi hành động của Huawei khiến một công dân mất tự do cá nhân trong suốt 251 ngày mà công ty vẫn cảm thấy mình không cần phải xin lỗi? Hãng đã mất một lượng lớn khách hàng trung thành bởi vì họ đã thấy một Huawei rất khác: một con quái vật không có sự đồng cảm và chuyên bắt nạt kẻ khác”.

Ngay cả việc bà Meng đang bị giam giữ, vốn được nhiều người ủng hộ và cảm thông, cũng nhanh chóng biến thành đề tài bàn tán tiêu cực trên mạng xã hội Trung Quốc.

Chủ Nhật tuần trước, Meng đã đăng tải một bức thư nêu chi tiết về sự hỗ trợ mà bà ấy nhận được trong “những giây phút tăm tối nhất”, gồm nhiều bình luận ủng hộ bà và cả Huawei, sau đó kết luận “sự ấm áp này sẽ là ngọn hải đăng dẫn lối tôi tiến về phía trước”.

Sau khi bức thư được đăng tải, nhiều người dùng đã quay lưng với bà Meng.

“Có một người đàn ông, tương đương tuổi của cô, cũng là một công dân Trung Quốc, làm việc tại cùng một công ty với cô – nhưng ông ta bị đưa vào sau song sắt và chẳng có ngọn hải đăng nào cho ông ta cả”, người dùng tên Laonanchai viết trên mạng xã hội Zihu.

“Bây giờ hãy nghĩ về sự cố của bà Meng một lần nữa, đó thực sự là nghiệp chướng”, người dùng khác tên Haiyan Gongzhu bình luận.

Bên cạnh đó, một số ý kiến ủng hộ Huawei đã cố gắng thuyết phục dư luận rằng trường hợp của bà Meng và ông Li là hai vụ việc hoàn toàn tách biệt, không liên quan gì đến nhau.

“Phán xét đạo đức Huawei chỉ dựa trên một trường hợp là không hợp lý. Ai cũng đều có lúc phạm sai lầm, kể cả những công ty vĩ đại nhất”, Global Times cho biết.

Góc quảng cáo