Venezuela nổi tiếng trên thế giới thời gian qua với siêu lạm phát hàng nghìn %. Đây là khi sức mạnh của bitcoin được thể hiện. Người dân nước này bắt đầu đã chuyển sang nắm giữ, đào bitcoin
Venezuela hiện rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong lịch sử khi siêu lạm phát có lúc lên tới hơn 1000% và Chính phủ chìm trong nợ nần. Niềm tin của người dân đặt vào đồng tiền Bolivar gần như đã cạn kiệt. Chính vì lẽ đó, nhiều người đã chuyển sang đào Bitcoin và trữ tiền Bitcoin để bảo đảm cho tài sản của mình, cũng như để tồn tại.
Cần nhớ rằng, Bitcoin được tạo ra bởi Satoshi Nakamoto với mục tiêu gỡ bỏ sự kiểm soát của các Chính phủ đối với tiền tệ (ông cho rằng chính phủ Mỹ đã lạm dụng tiền ngân sách – tiền của chính dân – để cứu các ngân hàng Mỹ hồi 2008). Vì thế, Bitcoin được áp dụng tại Venezuela được ví giống như việc đồng tiền ảo này đã thực hiện được sứ mệnh của mình.
Thảm kịch siêu lạm phát tại Venezuela và sự lên ngôi của Bitcoin
Mới đây, hãng tin Bloomberg đã từng đưa tin, đồng tiền Bolivar của Venezuela đã tuột giá đến mức mỗi lần mua hàng, người dân phải dùng lượng lớn tờ tiền. Và thay vì phải đếm một số tiền quá khủng như thế, nhiều cửa hàng của Venezuela đã chuyến sang cân tiền.
Theo giới chuyên gia nhận định, lạm phát tại Venezuela trong năm 2016 dao động trong con số lên đến 200-1500%. Tổng thống Maduro đã quyết định đóng cửa biên giới Colombia để ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn. Điều này đồng nghĩa với việc người dân đất nước này không thể nhận các thực phẩm, vật tư nhập khẩu từ đất nước Colombia.
Và, khi tình trạng lạm phát càng ngày càng tăng, việc in tiền trở nên vô hạn, vốn bị kiểm soát còn biên giới thì đóng cửa, Bitcoin được coi như là giải pháp hàng đầu. Trong chỉ số Bitcoin Market Potential Index (BMPI), Venezuela đứng ở vị trí số 2 và là tiềm năng lớn cho việc đưa Bitcoin sử dụng trên toàn đất nước.
Cần nhớ rằng, với những ưu điểm của mình (không biên giới, không phải chịu kiểm soát của nhà nước chính phủ, chống lạm phát, nguồn cung hữu hạn, chống kiểm duyệt, có sự phân cấp) Bitcoin có khả năng trở thành giải pháp tối ưu nhất khi tiền tệ truyền thống không thể thể hiện được giá trị vốn có của nó.
Và như thế, tình hình siêu lạm phát ở Venezuela chính là điển hình. Một số chuyên gia cũng cho rằng, Bitcoin có thể mang lại nguồn cung vào đất nước Venezuela, trong khi các chính sách khác gần như đã đóng băng.
Trung Quốc có thể có mỏ đào Bitcoin lớn nhất, nhưng Venezuela có nhiều mỏ đào Bitcoin nhất
Một lý do làm Bitcoin thịnh hành ở Venezuela là hoạt động đào Bitcoin (mining) cũng đang diễn ra phổ biến ở nước này như một trào lưu. Khác với nhiều mỏ đào Bitcoin khác trên thế giới, những mỏ đào ở đất nước Nam Mỹ không phải chịu quá nhiều gánh nặng về tiền điện.
Theo CNBC, ở đất nước đang rơi vào tình trạng khủng hoảng này, giá điện đang trở nên rẻ hơn hầu hết hàng hóa cơ bản. Điều này là vì dưới thời Tổng thống Nicolás Maduro, điện được tài trợ đến mức gần như miễn phí.
Từ đó đào bitcoin trở nên dễ tiếp cận. Hoạt động đào Bitcoin diễn ra như sau: Các thợ đào sẽ sử dụng phần mềm máy tính để giải quyết các bài toán phức tạp, qua đó tạo ra một liên kết mới trong Blockchain – một cuốn sổ cái công nghệ khổng lồ, và là nền tảng củng cố đồng Bitcoin. Đổi lại, họ sẽ được tưởng thưởng bằng Bitcoin. Một trong những yêu cầu để đào Bitcoin là có nguồn cung cấp điện lớn.
Tờ The Atlantic lý giải rằng người sử dụng ở Venezuela – người có thể điều hành nhiều thiết bị đào Bitcoin – có thể kiếm được khoảng 500 USD mỗi tháng, một khoản tiền tuy nhỏ nhưng cũng đủ để mua các hàng hóa cần thiết như tã lót cho trẻ sơ sinh hoặc isulin từ nước ngoài.
Theo nhiều quan sát, những mỏ đào Bitcoin cỡ nhỏ như vậy đang xuất hiện ‘nhan nhản’ khắp đất nước Venezuela, vì lý do rằng người dân đã chẳng còn tin vào giá trị của đồng nội tệ. Tuy nhiên, các cơ quan chức trách ở Venezuela đã bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động đào Bitcoin, theo nguồn tin từ The Atlantic.
Nguồn: CafeBiz