Nhà thiết kế người Anh Gavin Munro đã dành ra hơn 10 năm qua để tìm cách bắt cây xanh phải mọc lên theo hình dạng của món đồ nội thất mong muốn. Bạn chỉ cần trồng một cái cây như bình thường, dùng bộ khung để ép nó mọc theo hình dạng mong muốn và sau khi trưởng thành dưới hình dạng của chiếc bàn, chiếc ghế, cuối cùng chỉ cần thu hoạch là đã có thể sử dụng được ngay. Ông cho rằng cách làm này không chỉ tạo ra được những món đồ độc đáo, bền đẹp hơn rất nhiều so với cách làm mộc truyền thống.
Rất nhiều món đồ nội thất trong nhà đều được làm từ gỗ. Quy trình sản xuất cơ bản bao gồm trồng cây, chặt cây, xẻ gỗ thành nhiều mảnh nhỏ, ghép chúng lại với nhau bằng đinh ốc, keo dán và hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Vậy tại sao không giao toàn bộ các bước làm phức tạp như trên cho Mẹ thiên nhiên và chúng ta chỉ đơn giản là “trồng một cái bàn hoặc cái ghế…?”. Nhà thiết kế Gavin Munro đã đề xuất ý tưởng như vậy và ông cho rằng, những món đồ gỗ vốn đã bền nhưng sẽ còn bền hơn, đẹp hơn nếu đảm bảo tính liền lạc, nguyên bản từ thiên nhiên.
Quá trình cây gỗ “biến hình” thành chiếc ghế
Trên thực tế, đây là quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và tập trung cao độ. Munro đã dành ra khoảng thời gian từ 4 đến 8 năm, bắt những cây thân gỗ phải phát triển theo bộ khung bằng nhựa do ông thiết kế sẵn. Trong suốt thời gian đó, ông phải liên tục đan cành cây vào nhau để tạo thành cấu trúc phức tạp, vững chắc của món đồ. Khi đó, mỗi cành cây sẽ từ từ đan khít vào nhau, tạo thành chân, tay vịn, lưng dựa, bàn ngồi,… của một chiếc ghế hoàn thiện. Tất nhiên, chiếc ghế chỉ là thí dụ trong số nhiều món đồ nội thất mà Munro đã tạo ra trong nhiều năm qua như những chiếc khung gương mọc nhanh, chụp đèn,…
Ý tưởng này không chỉ mất nhiều thời gian mà còn phải bỏ ra nhiều công sức, sự cẩn thận đề thực hiện. Ông cho biết rằng nếu bạn trồng 100 cái cây tương ứng với 100 món đồ thì cần phải được tạo thành từ 1000 cành cây. Chúng sẽ liên tục mọc ra, đòi hỏi cần phải được định hình, uốn, chăm sóc và lần lượt cắt tỉa chính xác hơn 10.000 lần tại những thời điểm chính xác để duy trì sức khỏe của cây nhưng vẫn duy trì được hình dạng mong muốn. Chưa dừng lại ở đó, khi cái cây đã cơ bản có được hình dạng mong muốn thì Munro phải tiếp tục nuôi dưỡng để chúng trưởng thành, to ra nhằm đảm bảo đủ kích thước và độ vững chắc của món đồ.
Các cành cây sẽ được uốn theo bộ khung dựng sẵn
Cuối cùng khi món đồ đã đạt tới tiêu chuẩn mong muốn, nó sẽ được thu hoạch trong mùa đông hoặc vài tháng tiếp theo, miễn là nó đủ độ khô để dễ bào, phai bề mặt nhằm hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Ban đầu Munro đã dùng cây liễu để trồng đồ nội thất, sau này ông mở rộng ra thêm các loại cây khác bao gồm tần bì, sung dâu, phỉ, táo dại, sồi không cuống, sồi đỏ. Bằng cách đa dạng hóa các giống cây, ông sẽ tạo ra được những loại đồ nội thất với các độ cứng, cấu trúc, ngoại hình và hoàn thiện khác nhau.
Trên thực tế thì ý tưởng tạo ra món đồ nội thất trực tiếp từ quá trình trồng cây không phải là mới. Nhiều quốc gia tại châu Á đã có truyền thống trồng những loại cây và uốn chúng theo những hình dạng định trước. Một người Anh trước đây cũng đã áp dụng kỹ thuật này trong quá trình trồng vườn. Tuy nhiên, quy trình của Munro là “trồng đồ nội thất” trên quy mô công nghiệp hơn là dừng lại ở mức độ gia đình, hoặc nghệ thuật đơn lẻ. Hơn nữa, cách làm của Munro có thể tiết kiệm đáng kể nguyên liệu và năng lượng trong ngành công nghiệp gỗ, lại hạn chế cắt xẻ, phân mảnh gỗ.
Mạc Vũ
Nguồn: Tinh Tế