Nhà sản xuất đầu máy tàu hỏa giấu tên ở Chicago (Mỹ) đã tố cáo một kỹ sư phần mềm đánh cắp bí mật thương mại của công ty và chuyển cho doanh nghiệp khác ở Trung Quốc.
Cụ thể, nhà sản xuất Mỹ đã thuê kỹ sư Xudong William Yao (57 tuổi) từ năm 2014. Chỉ trong 2 tuần kể từ khi bắt đầu nhận việc, ông đã tải về hơn 3.000 tập tin chứa thông tin độc quyền và bí mật thương mại liên quan đến hệ thống vận hành đầu máy tàu lửa của công ty. Sáu tháng sau, người này lại tiếp tục tải xuống và đánh cắp thêm nhiều tập tin chứa tài sản trí tuệ, bao gồm 9 bản sao toàn bộ mã nguồn hệ thống kiểm soát của công ty và nhiều bản thiết kế kỹ thuật mô tả cách thức mã nguồn hoạt động.
Trong quãng thời gian này, Yao cũng hợp tác với một doanh nghiệp ở Trung Quốc chuyên cung cấp hệ thống định vị GPS cho xe hơi. Tháng 2/2015, ông bị sa thải vì một vài lý do không liên quan đến vụ trộm. Đến tháng 7/2015, Yao đã tạo ra nhiều bản sao của các tập tin đánh cắp, đi đến Trung Quốc và bắt đầu làm việc cho công ty mới. Bốn tháng sau ông trở về Chicago mà không rõ nguyên nhân.
Đến năm 2017 công ty đầu máy Mỹ mới phát hiện và báo cho cơ quan có thẩm quyền. Cáo trạng được đệ trình từ tháng 12/2017 nhưng mới được Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) tiết lộ gần đây. Theo đó, nhà sản xuất Mỹ cáo buộc ông Yao đã tiết lộ bí mật thương mại và nhiều tài sản trí tuệ khác của công ty cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Yao vi phạm đến 9 tội danh đánh cắp bí mật thương mại và có thể bị kết án lên đến 10 năm tù nếu bị bắt. Lệnh bắt giữ đã được ban hành từ năm 2017 nhưng đến nay Yao vẫn còn đang lẩn trốn. Cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ tin rằng Yao vẫn còn đang trong nước.
Những doanh nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực máy tính và hệ thống điện tử rất dễ có nguy cơ bị đánh cắp tài sản trí tuệ. Đây là vụ thứ hai trong tháng này liên quan đến rò rỉ bí mật thương mại từ Mỹ sang Trung Quốc. Hồi đầu tháng, một kỹ sư điện 64 tuổi sống tại Los Angeles (Mỹ) cũng vừa bị kết tội âm mưu buôn lậu chip bán dẫn quân sự sang Trung Quốc với mức án đến 219 năm tù.
Theo ZDNet