Nếu bạn đang muốn tìm một máy in phun màu của Epson thì một số kinh nghiệm sau có thể hữu dụng cho người mới làm quen với thiết bị này.
Bơm mực
Trong mỗi cartridge mực của máy in phun Epson có một IC đếm số mực đã phun ra. Khi phun gần hết mực thì IC đó báo là hết, không dùng cartridge này nữa. Driver của máy in này trong Windows luôn luôn hiện lượng mực còn trong cartridge để người dùng biết mà chuẩn bị mua cartridge mới. Giá một cartridge mực đen T038 vào khoảng 8USD và một cartridge mực 3 màu T039 là 12USD.
Để tiết kiệm, bạn có thể không mua cartridge mới mà hãy dùng một dụng cụ do Trung Quốc làm để reset IC của cartridge đó, in tiếp cho đến khi không ra chữ (được chừng 10-20 trang), rồi mua mực của TIK (ĐT 08-4305050, 08-9242847) bơm vào. Thế là có một cartridge đầy mực để in tiếp.
TIK bán một ống 20ml mực giá 20.000₫ (có sẵn kim tiêm, đen hay màu cũng đồng giá). Mỗi lần bơm 10ml mực vào cartridge. In thử file PDF 150 trang chữ xong, driver báo đã xài hết nửa cartridge mực đen. Tính ra tốn hết 5.000₫ mực và chừng 6.000₫ giấy! Thứ hao nhất là thời gian đứng xếp giấy vào máy in và lấy giấy từ máy in ra! Nếu mua mực trong lọ 150ml thì rẻ hơn nữa.
Nghe (Epson) đồn rằng dùng mực bơm như vậy thì máy in sẽ mau hư. Cartridge mực tôi đang xài được bơm nhiều lần rồi, vẫn chưa thấy dấu hiệu chất lượng in bị kém, in ảnh vẫn đẹp như ảnh rọi ở tiệm.
Một số hướng dẫn của Epson
- Nên tắt máy bằng nút tắt trên máy, đừng tắt bằng cách ngắt nguồn điện. Vì khi tắt bằng nút của máy cụm đầu in sẽ được đưa về chỗ bảo quản cho mực trong đầu in lâu khô; vậy thì đỡ phải làm sạch đầu in.
- Khi không dùng thì nên tắt máy. Máy in ở trạng thái bật sẽ thường xuyên tự làm sạch đầu in nên sẽ hao mực.
- Chiến lược bán hàng của các hãng sản xuất máy in phun là bán một số dòng máy với giá thật rẻ, giá máy mới chỉ hơi hơn giá của bộ các cartridge mực gắn trong đó một chút. Do giá máy rẻ như vậy nên máy không bền lắm, mỗi khi có trục trặc thì tiền sửa máy cao gần bằng tiền mua máy mới. Nghĩ lại thấy việc quyết định mua máy multifunction in-scan này không phải là quyết định tối ưu, vì máy in thì không bền mà máy scan thì có thể bền hơn. Máy multifunction này chỉ có ưu điểm là gọn và có thể photocopy mà không cần máy tính.
Rửa đầu phun
Máy in phun để lâu không dùng sẽ khô mực ở đầu phun, in không ra đủ nét nữa. Epson khuyên nên in đều đặn mỗi tháng ít nhất một trang.
Có lần tôi để lâu không in nên đầu phun màu đen bị nghẹt 2 điểm, dùng chức năng làm sạch đầu phun của máy in vài lần cũng không hết nghẹt. Tìm trong Internet thấy có người chỉ cách dùng nước lau kính để làm sạch. Họ dùng nước lau kính hiệu Windex của Mỹ, tôi dùng nước lau kính Việt Nam cũng tốt.
Cách dùng:
- Dùng nút bấm chức năng thay cartridge để cụm đầu in chạy ra giữa máy
- Tắt máy in bằng cách rút dây điện để cụm đầu in không chạy về gốc
- Tháo các cartridge mực ra khỏi đầu in
- Lót nhiều giấy thấm dưới cụm đầu in
- Dùng ống chích bơm 2ml nước lau kính vào vòi hút mực ngay chỗ cartridge vừa rút ra, mỗi màu mực có một vòi hút, màu mực nào bị nghẹt thì bơm vào vòi hút của màu đó, kê đầu ống chích không gắn kim vào ngay vòi hút và bơm từ từ, đừng đè quá mạnh, có thể làm gãy vòi hút, nhưng nếu để không sát thì nước lau kính chảy ra ngoài, không vào vòi hút.
- Sau khi bơm vào thì kéo đầu in qua một bên để lấy giấy vệ sinh ở dưới ra và lau sạch mực lẫn nước lau kính ở phía dưới
- Gắn cartridge lại, để yên khoảng 1 giờ
Nếu làm một lần mà vẫn chưa hết nghẹt thì làm lại lần nữa. Nếu làm hai lần mà vẫn còn nghẹt thì kể như bỏ máy này.
Nên nhớ in đều đặn để tránh bị khô đầu phun mực. Mỗi lần dùng đến chức năng lau đầu phun của máy in rất hao mực, chỉ cần lau chừng 10 lần là cạn 1 cartridge mực.
Mới đây máy in của tôi không chịu in nữa mà báo một câu rất nghiêm trọng là “Parts inside your printer are at the end of their service life. See your printer documentation.” Lần đầu tiên thấy câu đó tôi tìm trong soft document của máy in chẳng thấy ghi gì cả, hard document thì không có kèm theo máy in.
Tìm trong Google thì thấy đã có nhiều người bị như vậy. Nguyên nhân là Epson đếm số lần lau đầu phun gọi là Protection Counter, đến một con số nào đó thì nó coi như miếng mút hút mực thải ra đã đầy, cần phải thay. Mà tiền công thay mấy miếng mút đó gần bằng tiền mua máy mới.
Trong Internet có người chỉ là phải dùng software đặc biệt để xoá Protection Counter. Tải phần mềm đó về thử thì nó không biết máy Stylus CX1500. Tìm tiếp thì thấy có một người làm cho Epson Mỹ đã thông cảm với nỗi khó khăn của đồng loại mà gửi software bí mật của Epson ra cho bên ngoài dùng. Dùng thử software của Epson, nó báo máy của tôi đã đếm đến 4020 sau 2 năm dùng.
Sau khi xoá Protection Counter về số không, còn phải mở máy in ra, tháo miếng mút đó ra khỏi máy để rửa sạch, phơi khô.
Tôi đã cố tháo cái máy in-scan Epson Stylus CX1500. Vì không có hướng dẫn nên tháo ra rất khó khăn, không thể tháo rời hết được, chỉ có thể lấy được miếng mút hút mực thải ra rồi ráp lại (bị gãy mất vài móc nhựa). Trong Internet có vài chỗ bán tài liệu Service Manual cho máy in này với giá khoảng 10USD, trong đó có chỉ cách tháo máy. Vậy là ngoài việc hao mực khi lau đầu phun, còn một rắc rối khác nữa. Tốt hơn là hãy in mỗi tuần hoặc mỗi ngày một vài trang, mực bơm quá rẻ mà!
Sưu tầm