Bắt đầu từ tuần này, các biện pháp pháp lý bảo vệ công bằng nội dung trên Internet sẽ bị gỡ bỏ. Đối với FCC, tính trung lập của Internet (Net Neutrality) là một khái niệm thuộc về quá khứ.

Không còn Net Neutrality, người dùng phải làm gì?

Số phận của chính sách này đã được định đoạt vào tháng 12/2017, khi Lệnh Khôi phục Tự do Internet (Restoring Internet Freedom Order – RIFO) của Chủ tịch FCC Ajit Pai được chấp thuận. Lệnh của Pai, có hiệu lực tính từ tuần này, loại bỏ sự bảo vệ người dùng của Net Neutrality được đưa ra bởi cựu chủ tịch FCC Tom Wheeler.

Họ hứa hẹn – ít nhất là trên danh nghĩa – khả năng truy cập không giới hạn vào nội dung trực tuyến mà không phải lo tới gánh nặng của các quy định. Nhưng trên thực tế, phán quyết mới mở đường cho các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) lớn làm bất cứ điều gì họ thích – bao gồm ưu tiên những tài khoản trả tiền, bóp đường truyền và thay đổi lưu lượng dữ liệu khi di chuyển trên Internet.

Phải mất một thời gian dài mới thấy rõ được những hậu quả thực tế của các quy tắc mới, nhưng đừng nhầm lẫn: đây là một vấn đề lớn, và là bước đầu trong một quá trình dài để định hình lại Internet theo những cách rất xấu.

Điều gì vừa thay đổi?

Về cơ bản, tính trung lập của Internet có nghĩa là tất cả lưu lượng truy cập trực tuyến được đối xử giống nhau. Các quy tắc được đưa ra bởi Lệnh mở cửa (Open Internet Order) năm 2015 của Wheeler đã ngăn các nhà cung cấp dịch vụ Internet điều chỉnh hoặc chặn lưu lượng truy cập, cung cấp các băng thông có trả tiền.

Điều này được thực hiện bằng cách phân loại các ISP dưới dạng các nhà mạng Tiêu đề II (Tittle II) theo Đạo luật Viễn thông năm 1934 (và 1996). Sự phân loại của Wheeler hỗ trợ mạnh mẽ về mặt pháp lý để Internet hoạt động như một tiện ích công cộng, giống như các dịch vụ như điện thoại, điện và nước.

Lệnh của Pai hủy bỏ phân loại này để quay trở về một “khung pháp lý nhẹ nhàng và có hiệu quả“. RIFO xếp Internet vào nhóm dịch vụ Tiêu đề I (Title I) thay vì là một nhà mạng thông thường.

Không còn Net Neutrality, người dùng phải làm gì?

Điều đó có nghĩa là các nhà quản lý không có cơ sở pháp lý nào để chặn việc ưu tiên cho các khách hàng trả tiền, bóp đường  truyền hay các vi phạm khác về tính trung lập của Internet. Về bản chất, nhà mạng được tự do làm những gì họ muốn, và bất kỳ vấn đề nào xảy ra sẽ để thị trường tự xử lý.

Internet bây giờ sẽ thế nào?

Tin tốt lành là không có gì sẽ thay đổi trong tương lai gần. Các trang web sẽ tiếp tục được tải với tốc độ cũ và nội dung yêu thích của người dùng sẽ không tự nhiên thông báo lỗi 404 (không tìm thấy trang đích).

Các ISP sẽ không ngay lập tức bóp nghẽn đường truyền, nhưng họ sẽ tiếp tục sử dụng quyền kiểm soát Internet để quảng bá các dịch vụ và sản phẩm do nhà mạng sở hữu.

Trong nhiều năm qua, nhà cung cấp dịch vụ đã bắt tay với dịch vụ video và streaming như Netflix, cho phép phân phối dữ liệu đáng tin cậy hơn (còn được gọi là trả tiền ngang hàng – paid peering) hoặc miễn phí dữ liệu di động (zero-rating).

Nếu người dùng là khách hàng của AT&T (Mỹ), họ có thể xem chương trình cáp trên điện thoại của mình mà không mất tiền dữ liệu di động, miễn là mua chương trình đó từ chi nhánh DirecTV của hãng.

Cho đến nay, phần lớn nội dung đã trở thành miễn phí, vì vậy không ai phải lo lắng về điều này. Các quy tắc của Wheeler đã tạo điều kiện cho nhiều hợp đồng paid peering và zero-rating, và rõ ràng FCC sẽ can thiệp nếu nhà mạng bắt đầu có dấu hiệu vi phạm.

Với RIFO, ISP được tự do sử dụng bất kỳ chiến lược kinh doanh nào họ muốn. Các giao dịch ưu tiên trả tiền có thể cho phép nhà cung cấp dịch vụ đẩy mạnh công ty và sản phẩm cụ thể, tùy thuộc vào cái gì tạo ra nhiều tiền nhất.

Họ có thể chủ động bóp đường truyền đối với các công ty không hợp tác. Kết quả sẽ khiến dịch vụ phát trực tuyến và video nhỏ khó khăn hơn khi tham gia vào thị trường.

Về lý thuyết, sự cạnh tranh giữa nhà mạng sẽ ngăn điều này xảy ra, nhưng nhiều nơi ở Mỹ, điều đó không tồn tại. Điều này giúp nhà cung cấp thoải mái hạn chế quyền truy cập và tính phí nhiều hơn cho bất kỳ dịch vụ nào họ muốn.

Họ cũng sẽ được tự do thu thập và chia sẻ nhiều dữ liệu hơn, phân phối quảng cáo phù hợp từng người dùng. Vào tháng 4/2017, Tổng thống Trump đã ký nghị quyết đảo ngược phán quyết về quyền riêng tư của người tiền nhiệm Obama, cho phép các nhà cung cấp chia sẻ lịch sử web và tìm kiếm của khách hàng.

Với quyết định này, các ISP không còn cần sự cho phép khi xem, chia sẻ hoặc sử dụng dữ liệu của người dùng – một chiêu “tất sát” để thu về những đồng tiền quảng cáo quý giá. Sau khi Net Neutrality không còn nữa, ISP giờ đây sẽ còn có thể sử dụng dữ liệu để tạo ra những quảng cáo cụ thể hơn.

YouTube video

Các nhóm vận động Net Neutrality đang phản kháng

Nhiều nhóm hoạt động cho sự trung lập của Internet đang tìm cách để chặn RIFO, thông qua luật pháp cấp tiểu bang hoặc của tòa án liên bang. Tiểu bang Washington và Oregon đã thông qua một bộ luật tương tự quy tắc Net Neutrality của Wheeler.

Thượng viện tiểu bang California đã thông qua một dự luật vào tháng trước, tái thiết lập tính trung lập của Internet và cấm các chương trình zero-rating ở địa phương. Đó chỉ là ba trong số 29 tiểu bang và đã có trên 65 dự luật đưa ra từ khi các quy tắc của Pai được trình bày vào tháng 12.

Thống đốc tại sáu bang – trong đó có Hawaii, Rhode Island và Vermont – đã ký sắc lệnh cấm bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ nào hoạt động tại địa phương đó nếu họ từ chối tuân thủ quy tắc năm 2015.

Nhiều lệnh cấp tiểu bang đang dựa trên khung pháp lý lỏng lẻo. RIFO bao gồm điều khoản cấm các bang ban hành quy định Net Neutrality của riêng họ. Chỉ mới hai tháng từ sau Washington, địa phương đầu tiên ban hành luật trung lập Internet của mình, một vụ kiện từ ủy ban có thể sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia tin rằng nhiều hãng không hẳn sẽ trực tiếp vi phạm quy tắc của tiểu bang vì sợ những vụ kiện trong tương lai. “Nếu tôi là ISP, tôi có thể nghĩ kỹ trước khi thách thức luật pháp của nhiều tiểu bang vì có khả năng ít nhất một tòa án sẽ không đồng ý”, luật sư viễn thông Pantelis Michalopoulos nói.

Người dùng có thể làm gì?

Không còn Net Neutrality, người dùng phải làm gì?

Net Neutrality chưa hoàn toàn biến mất. Đang có kiến nghị trong Quốc hội Mỹ yêu cầu thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện bỏ phiếu hủy bỏ RIFO và phục hồi lại bộ quy tắc năm 2015.

Kiến nghị này đã được Thượng viện phê duyệt, và chỉ cần chữ ký của gần 50 thành viên để đạt đa số cần thiết, bắt buộc phải bỏ phiếu và thông qua dự luật.

Kiến nghị này sẽ gặp rất nhiều trở ngại tại Hạ viện và còn gặp nhiều khó khăn hơn trước khi tới được bàn làm việc của Tổng thống. Nhưng đây cũng là cơ hội cho cử tri buộc các nhà lập pháp tham gia vào một vấn đề đang gây tranh cãi.

Về lâu dài, số phận của Net Neutrality vẫn chưa rõ ràng. Tất cả phụ thuộc vào những gì sẽ diễn ra từ thời điểm này.

Theo The Verge

Góc quảng cáo