Mục lục bài viết
Hẳn ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần lỡ tay xóa mất những bức ảnh yêu thích trong lúc dọn dẹp dữ liệu trên điện thoại. Đừng lo lắng vì có rất nhiều cách tìm lại được chúng, bài viết này sẽ giới thiệu một số phương pháp khôi phục ảnh đã xóa trên điện thoại Android.
Khôi phục ảnh đã xóa khỏi thư viện
Điện thoại Android nào cũng đều có ứng dụng Thư viện mặc định cho phép bạn xem và duyệt hình ảnh trên thiết bị. Nếu lỡ tay xóa mất những bức ảnh yêu thích, đừng quá lo lắng vì bạn có thể khôi phục chúng dễ dàng ở giai đoạn này.
Đầu tiên hãy thử vào thư mục Đã xóa gần đây hoặc thư mục tương tự để tìm lại. Tại đây, nếu đã tìm được những hình ảnh bạn muốn khôi phục, chọn chúng và nhấn Khôi phục (Recover).
Phương pháp này hữu ích với những người người không sử dụng hoặc không bật tính năng tự động sao lưu vào ứng dụng Google Photos.
Khôi phục ảnh đã xóa khỏi Google Photos
Nếu bạn vô tình xóa một số ảnh khỏi ứng dụng Google Photos và muốn khôi phục lại, hãy làm theo các bước sau:
- Mở ứng dụng Google Photos trên điện thoại.
- Ở cuối màn hình, nhấn vào Library (Thư viện).
- Chọn Trash (Thùng rác).
- Tìm và nhấn vào ảnh bạn cần khôi phục.
- Chọn Restore (Khôi phục).
Sau đó, ảnh của bạn sẽ quay trở lại trong Google Photos. Lưu ý, tùy vào thời điểm bạn chụp, có thể bức ảnh sẽ không hiển thị đầu tiên lúc mở ứng dụng.
Lưu ý: Khi bạn phát hiện mình đã bấm nhầm nút xóa ảnh, hãy ngưng mọi thao tác đang làm trên điện thoại, tắt Wi-Fi và kết nối dữ liệu. Bởi vì khi bạn xóa ảnh hoặc video, dữ liệu không thực sự bị xóa cho đến khi bị dữ liệu khác ghi đè lên bộ nhớ máy. Để tránh bị ghi đè, hãy tắt quyền truy cập Internet.
Khôi phục ảnh đã xóa bằng ứng dụng bên thứ ba
Rất nhiều dịch vụ bên thứ ba có khả năng giúp bạn khôi phục ảnh đã xóa trên thiết bị Android. Tuy nhiên, hầu hết các tùy chọn đều phải trả phí hoặc yêu cầu bạn root điện thoại.
Root có thể hiểu là thao tác mở khóa thiết bị Android để bạn có thể truy cập sâu hơn vào phần mềm cốt lõi mà nhà sản xuất đã chặn. Nói cách khác, root là giành quyền kiểm soát hệ thống thiết bị Android, giúp bạn tùy chỉnh cài đặt vượt qua hàng rào bảo mật của nhà sản xuất. Cần lưu ý, root điện thoại thường đi kèm một số rủi ro, vì vậy bạn phải suy nghĩ kỹ xem có nên root hay không.
Nên root điện thoại hay không?
Nếu bạn quyết định tiếp tục, Dr. Fone của Wondershare là dịch vụ hữu ích có thể hỗ trợ bạn khôi phục các tập tin, bao gồm cả hình ảnh và video trên điện thoại. Ứng dụng yêu cầu thiết bị đã root và phải đăng ký trả phí để lấy lại tập tin.
Một giải pháp thay thế khác có thể được cài đặt trực tiếp trên điện thoại Android là DiskDigger. Ứng dụng này cũng yêu cầu thiết bị đã root để quét toàn bộ máy. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn root máy thì cũng có thể thử tính năng Basic Scan, ứng dụng sẽ tìm thấy một số ảnh đã xóa dù không đầy đủ. Sau khi quét, ứng dụng sẽ hiển thị danh sách một số hình ảnh vẫn còn lưu trên thiết bị.
Trong phiên bản miễn phí của ứng dụng, ngay cả với thiết bị chưa root, bạn vẫn có thể nhấn nút khôi phục để truy xuất những hình ảnh đó. Hệ thống sẽ đưa ra hai tùy chọn lưu ảnh vào đám mây hay trên thiết bị.
Lưu ý, nếu không nâng cấp lên bản PRO, ứng dụng sẽ chỉ khôi phục bản sao chất lượng thấp của ảnh. Để có chất lượng ảnh cao, bạn phải bỏ ra 4 USD.
Làm thế nào để tránh mất ảnh
Để đảm bảo không bị mất ảnh trong tương lai, bạn cần sao lưu ảnh thường xuyên. Dịch vụ phổ biến nhất hiện nay là Google Drive. Nếu vẫn chưa bật tính năng tự động sao lưu trên thiết bị, bạn hãy làm theo các bước sau:
- Tải và mở ứng dụng Google Photos trên thiết bị.
- Nhấn vào ảnh hồ sơ ở góc trên cùng bên phải màn hình.
- Nhấn tùy chọn Photo Settings (Cài đặt Ảnh).
- Chọn Back up & sync (Sao lưu và đồng bộ hóa).
- Nhất Bật tùy chọn Back up & sync (Sao lưu và đồng bộ hóa).
Kích thước hình ảnh tải lên được đặt thành High Quality (Chất lượng cao) theo mặc định, nghĩa là hình ảnh sẽ được nén thành 16MP.
Google hỗ trợ bộ nhớ không giới hạn miễn phí để lưu trữ những hình ảnh ở chế độ này đến ngày 1/6/2021. Sau đó bạn sẽ bị tính phí dịch vụ nếu bạn sử dụng vượt quá 15 GB. Ngoài ra, bạn có thể sao lưu hình ảnh của mình bằng một số dịch vụ khác như OneDrive, Dropbox…