Khảo sát mới đây cho thấy lựa chọn theo sự ngẫu nhiên và thực hiện nó tới cùng đôi khi lại giúp con người cảm thấy thoải mái, thành công hơn so với khoảng thời gian lưỡng lự ban đầu.
Đây là thông điệp được đưa ra bởi Steven Levitt từ trường Đại học Chicago (đồng tác giả của cuốn sách Freakonomics – Kinh tế học hài hước) khi ông cho rằng nhiều người tỏ ra quá thận trọng về lợi ích của mình.
Và ý ông không phải là những quyết định nhỏ nhặt mà các nhà kinh tế học thường phân tích – đó là những lựa chọn lớn lao trong cuộc đời của mỗi người, như có nên bỏ việc hay chia tay ai đó hay không.
Để biết được người ta có hạnh phúc hơn khi thay đổi hiện trạng với những quyết định lớn hay không là một điều cực kỳ khó khăn. Levitt đã gặp phải vấn đề đó khi thực hiện cuộc thử nghiệm của mình bằng cách kêu gọi những người tham gia tự nguyện.
Ông lập một trang web và mong muốn những người vẫn nghe những bài nói chuyện của ông, rồi độc giả của Financial Times và Forbes, cũng như người dùng trên Reddit giúp ông bằng cách truy cập trang web này. Họ được yêu cầu kể về một quyết định lớn mà họ đang rất băn khoăn trăn trở, rồi chứng kiến một lần tung đồng xu để giúp họ đưa ra quyết định. Tiếp đó, Levitt liên hệ với họ 2 lần, một lần sau 2 tháng và một lần sau 6 tháng, để hỏi xem liệu họ đã đưa ra quyết định chưa và họ cảm thấy hạnh phúc ra sao.
Hai tháng sau, những người đã đưa ra quyết định quan trọng nói rằng họ cảm thấy hạnh phúc hơn so với những người vẫn còn lưỡng lự, dù cho đã tung đồng xu. Điều này cho thấy những người đã chọn con đường thay đổi đều thuyết phục chính mình rằng mình đã lựa chọn đúng.
Levitt muốn biết liệu những người này có quyết định đúng hay không (dù chỉ là chút ít). Nếu việc tung đồng xu thuyết phục được người ta đưa ra quyết định thì ông có thể sử dụng giả thuyết này để phân lập xem những người đã ra quyết định hạnh phúc đến mức độ nào. Và kết quả của Levitt cho rằng đúng như thế: sau 2 tháng, 63% những người tham gia cho biết họ làm theo phán quyết của đồng xu.
Ông nhận thấy với những quyết định lớn lao, “những người tung đồng xu đa phần đều quyết định làm theo, và nhìn chung, đều nói rằng sau đó họ cảm thấy hạnh phúc hơn trong các cuộc khảo sát sau này”.
Tuy nhiên lời khẳng định mạnh mẽ này đi kèm một số điều kiện khá thận trọng (mà Levitt đã thừa nhận). Thứ nhất, khung mẫu của Levitt có tính điển hình không cao và khó có thể đại diện cho toàn bộ dân số nói chung. Độc giả của Financial Times và Forbes hầu hết không phải những người bình dân.
Theo một nghiên cứu vào năm 2013, khoảng 6% những người trưởng thành trên Internet là người dùng Reddit, và họ chủ yếu là người trẻ, nam giới, là người ở thành phố hoặc là người có gốc Tây Ban Nha.
Khung mẫu này còn trở nên thiếu cân xứng hơn nữa khi Levitt kêu gọi tự nguyện tham gia. Một người tỏ ra quan tâm để đọc dòng thông báo về cuộc thử nghiệm, sau đó nhấn nút đăng ký và vui vẻ chờ hồi âm có thể không phải là một người bình thường như đa phần chúng ta.
Và có thể những người tham gia nghiên cứu thực sự hạnh phúc hơn nhờ tung xu và ra quyết định, nhưng cũng có thể (và gần như chắc chắn) họ không giống những người sẵn sàng tầm thường hóa một lựa chọn quan trọng trong cuộc đời mình dựa trên thử nghiệm quái gở của một nhà kinh tế học.
Nhưng dù cho có nhiều khiếm khuyết về phương pháp, kết quả của Levitt vẫn cho thấy một điều, đó là chúng ta rất e dè khi phải đổi mặt với những quyết định lớn. Chúng ta đã biết với những vấn đề nhỏ, việc “giữ nguyên hiện trạng” sẽ là quyết định chiếm ưu thế, vì thế sẽ không có gì ngạc nhiên nếu ta tỏ ra thận trọng và ngần ngừ khi phải đối mặt với những quyết định lớn lao.
Đối với các nhà làm luật, có một bài học cần rút ra ở đây: “nguyên trạng” là một khái niệm hết sức mạnh mẽ. Và với những ai đã mệt mỏi với việc phải nghe bạn mình than thở về việc liệu có nên chia tay với bạn trai hay không, họ có một thứ vũ khí mới hết sức đơn giản, và bạn biết rồi đấy, nó thường nằm trong ví.
Theo GenK