Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mọi người có xu hướng sử dụng khẩu trang y tế và bao tay cao su nhiều hơn để phòng tránh lây lan dịch bệnh. Các nhà khoa học cảnh báo thói quen này sẽ làm tăng tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải y tế, đe dọa đại dương và sinh vật biển.
Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã ban hành quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra đường để tránh lây lan dịch bệnh, nhất là từ những người bị nhiễm nhưng không có triệu chứng rõ ràng. Nhìn chung, đây là cách hiệu quả để đề phòng virus Corona, nhưng việc sử dụng quá nhiều bao tay cao su và khẩu trang y tế lại tác động xấu đến môi trường.
Hiện nay, lượng rác thải do khẩu trang y tế tràn ngập trên đường phố, nơi công cộng từ bãi đậu xe, lề đường, siêu thị, ngay cả những bãi biển và công viên. Các nhân viên vệ sinh phải liên tục quét dọn và thu gom hàng ngày. Nhiều trường hợp khẩu trang bẩn bị gió thổi hoặc nước mưa cuốn, gây nghẹt cống, hoặc trôi ra sông biển.
Ngoài ra, mỗi năm đều có một lượng lớn rác thải khó phân hủy sinh học và không thể tái chế trôi dạt ra đại dương, trong đó có khẩu trang phẫu thuật từ vải không dệt (được làm từ nhựa polypropylene).
Nhựa tàn phá hệ sinh thái biển rất nghiêm trọng. Khi tồn tại lâu trong nước sẽ biến thành vi nhựa. Theo các Tổ Chức Bảo Tồn Biển, có nhiều loại động vật biển vô tình ăn phải nhựa vì nhầm lẫn nó với thức ăn. Ước tính có ít nhất 600 loài động vật hoang dã đang bị đe dọa do ô nhiễm môi trường biển. Ngoài ra, sức khỏe hàng tỷ người có nguy cơ bị ảnh hưởng do nhựa xâm nhập vào chuỗi thức ăn thông qua hải sản. Các loài sinh vật biển có thể đã tiêu thụ rất nhiều vi nhựa trước khi làm nguồn thức ăn cho con người.
Theo các tổ chức bảo tồn thiên nhiên, khẩu trang y tế và găng tay sử dụng 1 lần đã gây ra một vấn đề nghiêm trọng: ít nhất 8 triệu tấn nhựa thải ra đại dương mỗi năm, chiếm đến 80% các mảnh vụn trên biển.
Màu sắc của găng tay cao su rất dễ bị chim, rùa và một số động vật khác tưởng nhầm là thức ăn. Sau khi ăn phải chúng sẽ bị thương nặng, có thể dẫn đến tử vong. Năm ngoái, người ta phát hiện xác một con cá nhà táng chết trên bãi biển thuộc đảo Harris ở Scotland. Trong bụng cá có đến 100 kg nhựa, gồm dây thừng, bao tay, túi ni lông và cốc sử dụng một lần.
Theo Maria Algarra, một chuyên gia yêu môi trường, chìa khóa để bảo vệ môi trường là giáo dục, nâng cao ý thức trong cộng đồng. Bà là người thành lập phong trào Clean This Beach Up tại Miami, Florida (Mỹ) hồi năm ngoái. Trước đại dịch, phong trào đã kêu gọi được 1.600 người hưởng ứng, từ học sinh đến người lớn tuổi, họ tình nguyên đi nhặt rác khắp các bãi biển để dọn sạch môi trường.
“Chúng ta không thể mong mọi người thay đổi thói quen nếu họ không biết mình đã làm gì sai”, Algarra chia sẻ.
Hôm 23/3, Algarra đã phát động chiến dịch hashtag #TheGloveChallenge, kêu gọi mọi người gửi ảnh bao tay cao su bẩn trên đường phố để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Chiến dịch đã nhận được 1.200 bức ảnh bao tay nhựa bị vứt bừa bãi trên đường phố, không riêng Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia khác như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và New Zealand.
Theo Algarra, khẩu trang y tế và bao tay nhựa không chỉ tác động xấu đến đại dương mà còn phá hủy môi trường đất. Bên cạnh đó, sức khỏe của nhân viên vệ sinh cũng bị ảnh hưởng xấu vì mỗi ngày phải thu gom quá nhiều bao tay chứa mầm bệnh.
Nhựa chia thành nhiều loại, từ các mảnh nhỏ, vi nhựa đến siêu vi nhựa, và có mặt ở khắp nơi, kể cả trong thức ăn và nước chúng ta uống mỗi ngày. Hiện tại, các nhà khoa học cho biết chưa có cách làm sạch vi nhựa, khi chúng rơi vào đại dương và phân hủy thành từng mảnh nhỏ thì không có cách nào thu gom lại được. Hiện tại, cách tốt nhất để bảo vệ môi trường là mỗi người cần tự giác hạn chế sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là nhựa không tái chế.