Xem nhanh
Việc luôn tồn tại khoảng cách thế hệ trong cách nhìn đối với công nghệ và những vấn đề riêng tư, có lẽ giữa các nhóm tuổi sẽ có nhiều điểm chung hơn so với chúng ta nghĩ.
Dưới đây là bài viết bởi ông Maxim Frolov, phó chủ tịch kinh doanh toàn cầu Kaspersky Lab chia sẻ về việc công ty công nghệ nên làm gì để rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ trong cách nhìn đối với an ninh mạng.
Sự khác biệt giữa các thế hệ
Những tiến bộ về công nghệ khiến thế giới trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết, trong khi khoảng cách giữa các thế hệ vẫn tiếp tục gia tăng. Không chỉ trong lối sống, thói quen, mà sự khác nhau về nhận thức đối với công nghệ và an ninh mạng giữa các nhóm tuổi cũng trở nên ngày càng lớn.
Thế hệ X (những người sinh năm 1961 – 1981) đã lớn lên với không nhiều dấu ấn của công nghệ nên có phần thận trọng và chậm hơn trong việc thích ứng công nghệ mới. Do đó, họ sẽ theo dõi chặt chẽ những dữ liệu và tài chính trực tuyến.
Ngược lại, thế hệ Y (sinh trong khoảng 1984 -1996) thường ít cẩn trọng trong bảo mật công nghệ. Với bốn trên năm bạn trẻ (80%) cho biết rất tin tưởng khi giao phó sự an toàn dữ liệu cho các tổ chức họ đang giao dịch.
Được sinh ra trong thời đại bùng nổ internet, thế hệ Z được thẩm thấu trong công nghệ từ sớm. Từ đó biết cách để tách biệt cuộc sống xã hội và riêng tư cá nhân. Vì vậy, dù dành đến 25% thời gian chỉ để chia sẻ ảnh lên mạng xã hội, 81% thế hệ Z cài đặt quyền riêng tư nhằm hạn chế những người nhìn thấy cập nhật của họ.
Với khoảng cách thế hệ trong cách ứng xử công nghệ và quyền riêng tư, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, thiết bị và an ninh mạng nên làm gì để xóa tan những nỗi sợ hãi trực tuyến. Từ đó chứng minh giá trị doanh nghiệp và xây dựng dịch vụ của mình đúng cách?
Ba cấp độ bảo mật
Tuy nhiên, vẫn có điểm tương đồng khi nói về hành vi của người dùng qua các thế hệ. Cho dù là thế hệ X, Y hay Z, đều có ba cấp độ bảo mật mạng cơ bản như sau:
Đầu tiên là bảo mật thiết bị, điều này đã trở nên quen thuộc trong thế kỷ 21. Trong khi thế hệ Z có thể tự trang bị kiến thức cơ bản để bảo vệ mình khỏi mối đe dọa bảo mật, nhóm lớn hơn chuộng sử dụng các giải pháp chống vi-rút có sẵn trên PC, Mac, và hệ điều hành di động.
Kế đến là bảo mật trong quản lý tiền bạc. Phương thức thanh toán đa dạng khiến việc bảo mật trở nên khó khăn hơn. Giai đoạn thanh toán bằng tiền mặt mọi lúc đã qua. Ngày nay, sử dụng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng là phương pháp phổ biến nhất – với bốn trên năm người (81%) sử dụng thẻ để hoàn tất giao dịch mua hàng trực tuyến. Ví điện tử (như PayPal) và tiền điện tử cũng đang trở nên phổ biến.
Cuối cùng là tính bảo mật của dữ liệu. Với các vi phạm tinh vi diễn ra đều đặn và dữ liệu trở thành mục tiêu mua bán, nỗi lo lắng về bảo mật dữ liệu không có dấu hiệu giảm đi. Chẳng hạn, Facebook sau các vụ bê bối về an toàn dữ liệu phải thừa nhận rằng kẻ tấn công đã khai thác lỗ hổng bảo mật. Từ đó có quyền truy cập vào 50 triệu tài khoản người dùng.
Nghiên cứu cho thấy giá trị của dữ liệu bị đánh cắp được giao dịch trên dark web tăng mạnh trong năm nay: thông tin thẻ ghi nợ có giá trị nhất, được bán với giá trung bình 250 USD. Trong khi thông tin đăng nhập trên Amazon là hơn 30 USD.
Câu hỏi đặt ra về niềm tin
Dù ở đâu, để công nghệ thực sự tạo ra biến chuyển, doanh nghiệp thông qua sản phẩm công nghệ của mình, cần mang đến trải nghiệm giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dùng. Tuy nhiên, khi các thế hệ đòi hỏi tính an toàn dữ liệu cao hơn, niềm tin từ đó cũng trở nên cực kỳ quan trọng. Ngày nay, hành vi của người tiêu dùng được xác định bởi việc liệu thương hiệu công nghệ mà họ tin có mang lại lợi ích nhiều nhất hay không.
Niềm tin ở các thế hệ trong sản phẩm công nghệ vẫn là điều bắt buộc đối với bất kỳ dịch vụ hoặc sự đổi mới nào, và đó là căn cứ xác định sự thành công của công nghệ. Những tổ chức đã đạt được thành công này cũng đã liên tục cải thiện sự lựa chọn, giao dịch hoặc đổi mới trong dịch vụ của mình.
Cách tiếp cận chi tiết và duy trì sự cân bằng
Với sự thật rằng có rất nhiều sự khác nhau giữa cá nhân trong từng thế hệ, các tổ chức có nên điều chỉnh dịch vụ cho từng đối tượng phù hợp? Câu trả lời là Có và Không. Sự thật là chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp không nên chỉ dựa vào tuổi tác.
Một cách tiếp cận chi tiết hơn luôn được khuyến nghị và có thể được thực hiện thông qua việc tạo ra các cơ sở dữ liệu theo hành vi người dùng. Ví dụ, những cá nhân trong thế hệ Z sẽ không giống nhau. Họ có thể đang độc thân và là quản lý cấp trung trong một công ty kế toán, hoặc đã lập gia đình và có hai bé, đang chơi trong một dàn nhạc giao hưởng.
Hãy tưởng tượng một công ty có năm đối tượng mục tiêu bao gồm nhân viên kỹ thuật số hay thiếu niên đang đi học. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm; mỗi nhóm trong năm nhóm này gồm khoảng mười đối tượng có thông tin chi tiết hơn.
Sau khi thu hẹp, những đối tượng này có thể chứa từ 10 đến 15 mô tả khác nhau. Đó có thể là một thiếu niên từ một gia đình giàu có, với quyền truy cập vào các tiện ích tiên tiến nhất hoặc một người trẻ đam mê công nghệ, và là người duy nhất trong gia đình am hiểu về IT. Do đó, các tổ chức cần xem xét hàng trăm chủ thể khác nhau khi lập kế hoạch truyền thông.
Khi giao tiếp với khách hàng, điều quan trọng là doanh nghiệp cần chú ý đến các nhóm khác nhau và cho thấy sản phẩm của mình có thể đáp ứng thói quen và nhu cầu của họ như thế nào. Các tổ chức nên chú ý đến thói quen của người dùng để giao tiếp thật hiệu quả.
Hành trình tiếp cận khách hàng thông qua hình thức bán hàng truyền thống không sử dụng được cách tiếp cận chi tiết vì nó cần phải qua hàng trăm lớp. Tuy nhiên, các kênh truyền thông kỹ thuật số, như ứng dụng nhắn tin và công cụ tiếp thị mới nổi có thể hỗ trợ việc này.
Cách tiếp cận dựa trên kỹ thuật số để bán hàng đòi hỏi đầu tư và tổ chức lại các quy trình. Nhưng sẽ cho phép doanh nghiệp phát triển trong những thị trường đòi hỏi cạnh tranh.
Ngoài ra, cách tiếp cận giống nhau áp dụng cho tất cả đối tượng hiếm khi có kết quả vì cách nhìn của người dùng sẽ khác nhau đối với những vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, thật sai lầm khi chỉ đơn giản căn cứ vào năm sinh để chỉ ra những khác biệt. Tổ chức sản xuất và buôn bán sản phẩm công nghệ trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng nên duy trì sự cân bằng giữa các giá trị rộng như trải nghiệm người dùng và giá trị riêng cho từng đối tượng mục tiêu.
Theo Kaspersky