CEO Kaspersky cho rằng Microsoft đã vi phạm luật cạnh tranh khi hệ điều hành Windows 10 quá ưu ái “gà nhà” Defender và phớt lờ phần mềm diệt virus bên thứ ba.
Windows 10 được Microsoft tích hợp sẵn công cụ bảo mật Defender, đây là một chương trình antivirus cơ bản. Nó rất hữu ích với những người dùng phổ thông vốn không sành sỏi về công nghệ, bởi người dùng không phải mất công tìm kiếm trình diệt virus bên thứ ba để cài vào.
Thế nhưng, sẽ ra sao nếu bạn thích sử dụng các chương trình khác hơn, ví dụ như Kaspersky? Thông thường khi bạn khởi chạy trình diệt virus bên thứ ba, Defender sẽ “nhường chỗ” cho các công cụ này. Tuy nhiên, Eugene Kaspersky – CEO của hãng phần mềm diệt virus Kaspersky – cho rằng như thế vẫn là cách chơi không công bằng. Ông vừa đâm đơn kiện Microsoft cả ở liên minh châu Âu EU và ở Nga vì cho rằng cách Windows 10 “xử lý” với các công cụ diệt virus bên thứ ba là cạnh tranh không lành mạnh.
Kaspersky chỉ ra rằng Windows 10 tự động gỡ các phần mềm diệt virus không được hỗ trợ khi bạn nâng cấp lên hệ điều hành này. Điều này xảy ra bất chấp bạn thiết lập như thế nào trong phần cài đặt (settings). Ngoài ra, nếu chương trình diệt virus bên thứ ba có tương thích thì bạn vẫn thấy một khuyến cáo rằng Defender đang bị tắt cùng nút bấm cực lớn khuyến nghị bạn bật nó lên.
Theo Kaspersky, mọi việc cũng chưa phải là quá tệ nếu Microsoft nới lỏng hơn cho các nhà phát triển độc lập. Trước mỗi phiên bản Windows mới, nhà phát triển bên thứ ba không có nhiều thời gian (thường là chỉ 1 tuần) để chỉnh sửa ứng dụng của họ sao cho tương thích.
Cuối cùng, Eugene Kaspersky phàn nàn rằng, cách xử lý thông báo của Windows 10 đối với bản quyền phần mềm diệt virus bị hết hạn gây khó cho người dùng. Thông báo này được “giấu” tận ở mục Notification Security Center trong 3 ngày trước khi người dùng nhận được một khuyến cáo rõ ràng hơn. Bạn có thể không nhận thấy phần mềm diệt virus mình ưa thích bị vô hiệu hoá cho tới khi Defender tự động chạy.
Nếu thắng trong các vụ kiện Microsoft, vị CEO của Kaspersky có thể sẽ buộc được Microsoft phải thông báo rõ ràng với người dùng về các vấn đề tương thích của phần mềm trước khi họ nâng cấp hệ điều hành. Microsoft cũng phải hỏi để nhận được sự chấp thuận của người dùng bất kỳ khi nào hãng muốn kích hoạt Defender, đồng thời cho nhà phát triển bên thứ ba nhiều thời gian hơn để khắc phục các vấn đề về tương thích – thay vì chỉ có 1 tuần như trước đây.
Theo ICTnews