Nền kinh tế đứng đầu Đông Nam Á vừa công bố vào thứ Sáu cho biết đã thêm nhiều công ty công nghệ có nghĩa vụ áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT 10%) đối với khách hàng Indonesia, bao gồm Facebook, Disney và TikTok.
Indonesia cũng là quốc gia lớn nhất Đông Nam Á với dân số gần 270 triệu người. Vào tháng trước đất nước vạn đảo này đã công bố thuế VAT 10% đối với doanh số bán hàng của các công ty công nghệ bao gồm Amazon, Netflix, Spotify và Google, khi các mô hình chi tiêu thay đổi với việc tăng cường làm việc từ xa trong thời điểm đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tài chính của chính phủ.
Các công ty bổ sung được công bố vào thứ Sáu bao gồm ba đơn vị của Facebook, Tiktok Pte Ltd, Apple Distribution International Ltd, Công ty Walt Disney (Đông Nam Á) Pte Ltd và nhiều công ty con khác của Amazon, bao gồm đơn vị sách nói Audible và trợ lý giọng nói Alexa. Về phần mình, Facebook cho biết công ty sẽ tuân thủ quy định mới. Người phát ngôn Facebook cho biết: “Tại Indonesia, chúng tôi sẽ bắt đầu thu thuế VAT kể từ ngày 1/9/2020, theo quy định của chính phủ”. Các công ty còn lại vẫn chưa có phản hồi chính thức.
Theo quy định, các doanh nghiệp nước ngoài (không cư trú) có bán các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số ở Indonesia trị giá ít nhất 600 triệu rupiah (41.040 USD) một năm hoặc tạo ra lưu lượng truy cập hàng năm từ ít nhất 12.000 người dùng phải trả 10% thuế VAT.
Các gã khổng lồ công nghệ đang ngày càng phải đối mặt với các chế độ tài chính khó khăn hơn ở Đông Nam Á, bao gồm cả ở Thái Lan và Philippines, những nơi đang chờ phê duyệt đề xuất thuế VAT lần lượt là 7% và 12%.
Trong tuyên bố, cơ quan thuế Indonesia cho biết họ tiếp tục xác định các công ty công nghệ khác để thông báo cho họ về các quy tắc thuế kỹ thuật số, vì vậy số lượng các công ty chịu thuế VAT có thể sẽ tăng lên.
Các quy định về thuế giá trị gia tăng nhằm mục đích tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các công ty nước ngoài và địa phương, cũng như giữa các doanh nghiệp thông thường và kỹ thuật số.
Indonesia dự kiến doanh thu hàng năm sẽ giảm 13% trong năm nay do đại dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.