Facebook chưa bao giờ coi trọng sự riêng tư của bạn. Đó là sự thật.

Hướng dẫn sử dụng Facebook một cách an toàn
Có rất nhiều thứ cần tìm hiểu và rất nhiều nút để bấm đấy. Bạn đã sẵn sàng chưa?

Dữ liệu cá nhân của bạn chính là nguồn năng lượng tiếp sức cho công việc kinh doanh của họ. Vụ việc gần đây khi công ty tên Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook từ năm 2015 lộ diện đã làm dấy lên lo ngại về khả năng tự quản lý thông tin cá nhân của mỗi người. Nếu bạn cần một hồi chuông cảnh tỉnh thì đây chính là thứ bạn đang tìm.

Dù liên tục dính bê bối về bảo vệ sự riêng tư của người dùng, Facebook cũng cung cấp cho bạn tương đối nhiều công cụ để tự giới hạn việc công khai những dữ liệu này. Tuy nhiên, những thứ này không phải lúc nào cũng dễ dùng và chưa chắc có đủ các mức bảo vệ cần thiết mà bạn mong muốn.

Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn tự bảo vệ khỏi quảng cáo, các ứng dụng của bên thứ ba, mấy người hay soi trộm Facebook…

Kiểm soát các ứng dụng mà bạn dùng

Trong suốt thời gian lướt Facebook, bạn gần như đã cho phép rất nhiều phần mềm quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân của mình. Các phần mềm này mang vẻ “vô hại”, đơn giản, chỉ để chia sẻ hình chụp hay tìm những người bạn đang cùng chơi trò chơi chung…

Việc đồng ý cấp quyền đã cho phép các nhà phát triển xem hết toàn bộ lý lịch của bạn. Và cho đến khi Facebook siết chặt các điều khoản về riêng tư vào năm 2015, có thể bạn đã để lộ rất nhiều thông tin, kể cả của bạn bè, người thân quen… Cambridge Analytica có được những dữ liệu đó không phải do họ đột nhập vào máy chủ của Facebook, mà lấy từ các ứng dụng đã được người dùng cấp quyền cho xem thông tin.

Giờ chính là lúc để rà soát lại hết những chương trình bạn đang dùng trên Facebook. Ứng dụng nào thấy không có nhiều lý do để dùng nữa thì nên thẳng tay gỡ bỏ. Trong nhiều trường hợp, số bị gỡ bỏ chiếm đa phần ứng dụng bạn đã cấp quyền sử dụng.

Bạn có thể làm thao tác này trên cả máy tính lẫn điện thoại. Nhưng làm trên máy tính vẫn dễ và nhanh nhất. Bạn hãy bấm vào mũi tên phía trên góc phải màn hình, chọn Privacy (Riêng tư) > Apps (Ứng dụng), và hãy nhìn vào danh sách các ứng dụng.

Hướng dẫn sử dụng Facebook một cách an toàn
Ở đây bạn sẽ thấy danh sách các ứng dụng được truy cập vào thông tin cá nhân của bạn

Để gỡ bỏ những quyền mà bạn đã cấp cho các ứng dụng, hãy bấm hình cây bút chì. Để dẹp luôn cả chương trình thì bấm X. Phần mềm sẽ hỏi bạn có chắc không trước khi xóa. Lời khuyên được đưa ra là nên gỡ toàn bộ cho an toàn.

Tuy nhiên, các ứng dụng đó vẫn có đủ dữ liệu của bạn cho tới thời điểm bị xoá đi. Bạn nên liên hệ với tác giả các ứng dụng đó để yêu cầu họ xóa dữ liệu cho mình bởi đó là quyền của người dùng. Nếu bạn có bị hỏi User ID thì quay lại trang Apps, kéo xuống dưới để tìm User ID.

Tới đây, công việc vẫn chưa hoàn tất. Cũng từ trang Apps, bạn xuống phần Apps > Websites và Plugins. Nếu không muốn thông tin của mình bị rò rỉ ra bên ngoài qua tính năng này, hãy bấm Disable Platform. Làm như thế có thể gây ra một chút hậu quả nho nhỏ, nếu như bạn có dùng Facebook để đăng nhập vào đâu đó thì giờ sẽ không được nữa nhé.

Rồi kéo thêm xuống chút nữa tới phần Apps Others Use, nơi bạn sẽ thấy hàng tá thông tin của mình. Hãy bỏ tích tất cả những thứ mà bạn không muốn lộ ra bên ngoài.

Giờ đã xong phần dành cho ứng dụng.

Chặn quảng cáo

Quay lại phần Settings, nhưng lần này chọn đến phần Ads ngay dưới Apps.

Bạn nên hiểu rằng Facebook cùng Google và rất nhiều mạng lưới quảng cáo khác, đều dò theo từng bước của bạn khi trực tuyến, dù có tài khoản Facebook hay Google hay không. Đó chính là Internet mà chúng ta đang dùng, và chẳng có thiết lập nào có thể bảo vệ ta hoàn toàn được. Tất cả những gì bạn có thể làm là có thêm chút quyền kiểm soát với những gì Facebook làm với thông tin mà thôi.

Facebook vẫn còn gạ mua thuốc trị hói dù bạn đã mua và uống hết tất cả loại thuốc trị hói trên đời? Thôi tốt nhất là tắt quảng cáo kiểu này đi cho đỡ đau lòng. Bạn hãy tắt phần Ads based on my use of websites and apps (Quảng cáo dựa trên ứng dụng và website tôi truy cập) đi là xong.

Hướng dẫn sử dụng Facebook một cách an toàn
“Online interest-based ads” là kiểu quảng cáo dựa vào việc bạn duyệt web ra sao

Và nhớ hãy nói không với các Ads on apps and websites off the Facebook companies (Quảng cáo trên ứng dụng và website không thuộc Facebook). Số này chiếm số lượng rất lớn. Sau đó xuống phần Ads with your social actions (Quảng cáo với các hoạt động xã hội), bạn cũng nên dẹp phần này luôn đi. Bạn chỉ nên để nó khi bạn muốn chia sẻ với cả thế giới này là bạn vừa lỡ tay bấm nút thích trên một trang phim truyện hành động không lời Nhật Bản nào đó thôi nhé!

Bạn nên xem luôn cả những thứ mà Facebook sẽ nghĩ rằng bạn sẽ thích. Hãy bấm vào phần Your Interest, bạn sẽ thấy những mục mà Facebook sẽ dùng câu “thích”. Nút có biểu tượng dấu X, đây sẽ là thứ bạn cần để xoá mấy thứ phiền toái này. Chắc chắn bạn sẽ tìm thấy mấy cái khá thú vị ở đây đấy. Ví dụ Facebook nghĩ tôi thích du lịch, trong khi cả năm vừa rồi tôi chỉ đi có một lần và lỡ tay đăng hơi nhiều ảnh “sống ảo” một chút.

Nhưng hãy nhớ rằng làm những điều này không làm giảm số lượng quảng cáo mà bạn phải xem trên Facebook hay khi lướt web. Để chặn tận gốc thì bạn phải cần một chương trình chặn quảng cáo.

Dọn dẹp danh sách bạn bè

Sau cả chục năm dùng Facebook, bạn hẳn đã kết bạn với rất nhiều người. Có những người mà giờ có khi bạn không còn nhận ra nổi tên, hình đại diện hay gặp họ khi nào. Mấy người này là ai nhỉ? Sao nó thích ảnh “gấu” của tôi vậy? Sao nó lại không thích ảnh gấu của tui? Chắc hẳn bạn sẽ có những thắc mắc kiểu như vậy.

Để quản lý xem ai sẽ xem bài đăng của bạn, bạn hãy vào Setting > Privacy.

Bắt đầu với Who can see my posts (Ai có thể nhìn thấy bài đăng của tôi), rồi bấm vào Who can see my future posts (Ai có thể thấy bài đăng của tôi sau này) để quản lý thiết lập mặc định. Bạn sẽ có vài lựa chọn ở đây: công khai toàn bộ hoặc giới hạn theo địa lý, cơ quan, trường họ, nhóm…, tuỳ lựa chọn. Bạn chọn một cái rồi nó sẽ thành mặc định từ giờ trở đi.

Dù bạn đã chọn gì đi nữa thì hãy ngay lập tức vào phần Limit the audience for posts you’ve shared with friends of friends or public (Giới bạn người xem với các bài đăng được chia sẻ cho bạn bè hoặc công khai) để áp dụng thiết lập đó cho các bài đã đăng từ trước. Nói cách khác, nếu bạn từ trước giờ bạn công khai toàn bộ các bài đã đăng, thay đổi thiết lập sẽ không tự động chuyển các bài đã đăng cũ sang chế độ riêng tư. Mà bạn sẽ phải tốn thêm vài bấm nữa nếu muốn như vậy.

Hướng dẫn sử dụng Facebook một cách an toàn
Không phải ai bạn quen cũng nên được xem hết mọi thứ bạn đăng

Bạn kéo xuống dưới, phần How People Find and Contact You (Cách người khác tìm và liên hệ với bạn). Rất may là phần này cực dễ hiểu. Bạn chỉ cần đọc và chỉnh sửa thiết lập theo ý muốn là được.

Có một chú ý: đừng bao giờ chia sẻ số điện thoại hay địa chỉ thư điện tử (email), trừ khi bạn bắt buộc phải làm, và nếu bạn phải làm, hãy cố gắng chia sẻ trong giới hạn ít nhất có thể.

Giờ khi đã gần xong với phần này cũng là lúc nên nghĩ đến việc bị gắn thẻ (tag). Nếu ai đó muốn gắn bạn vào một tấm hình nào đó, gần như bạn chẳng thể làm gì được. Rất tiếc! Nhưng bạn ít nhất vẫn có thể chặn những bức hình đó xuất hiện trên dòng thời gian của mình.

Bạn chỉ cần bật tùy chọn Review posts you’re tagged in before the post appears on your timeline (Xem xét bài đăng có gắn thẻ bạn trước khi xuất hiện trên dòng thời gian) lên là xong. Từ nay ai gắn thẻ bạn nó sẽ không hiện ngay lên cho đến khi bạn duyệt đồng ý.

Sau đó, bạn đến phần Timeline and Tagging (Dòng thời gian và gắn thẻ) ở danh sách bên tay trái. Ở đây bạn có thể giới hạn những ai được xem dòng thời gian, ai được xem post nào, ai không được, ai được xem những hình bạn bị gắn thẻ và vài tùy chọn nữa. Bạn có thể lựa chọn tùy xem danh sách bạn bè của mình có những ai, hay loại ra một vài cá nhân không được xem bài đăng của bạn như sếp, bồ cũ hay… chủ nợ chẳng hạn.

Để kiểm tra xem mấy thiết lập này có hiệu lực chưa, bạn vào phần Review (Xem xét) để xem ai đó sẽ nhìn thấy dòng thời gian của bạn như thế nào.

Điều cuối cùng: bạn sẽ thấy tùy chọn Face Recognition (Nhận diện khuôn mặt) ở menu bên trái, có rất nhiều công dụng hay. Ví dụ thông báo cho bạn nếu như ai đó sử dụng hình của bạn để chế nhạo hay mạo danh. Nhưng nếu bạn sợ cái thuật toán ghê gớm của Facebook này sẽ dò ra bạn ở khắp nơi hơn là mấy trò đùa của con người thì tốt nhất là tắt nó đi.

Facebook có nghe trộm những gì tôi nói không?

Chắc hẳn có lúc bạn đã gặp trường hợp vừa nói chuyện với đứa bạn về việc bạn bị hói, vài tiếng sau bạn vào Facebook và thấy hàng tá quảng cáo thuốc trị hói đập vào mặt? Vậy là Facebook có nghe lén bạn nói chuyện hay sao?

Rất may là không phải. Thật ra Facebook không hề nghe lén những gì bạn nói. Việc nghe lén người dùng rất phi thực tế, bởi gần như không thể có chỗ chứa chừng đó dữ liệu, chưa tính đến việc sắp sếp, rồi còn phân tích từng từ trong đoạn hội thoại đó nữa.

Hơn nữa, việc lo lắng Facebook nghe trộm sẽ làm bạn quên đi điều khác đáng quan tâm hơn rất nhiều. Đó là việc bạn làm gì trực tuyến, bạn đang những điều đó ở đâu, làm khi nào, bằng cách nào và từ vị trí địa lý nào. Chừng đó thứ là đủ để phân tích, dự đoán bạn đang muốn gì rồi.

Facebook không phải là nghe trộm bạn nói, mà nó đang nghe trộm suy nghĩ của bạn. Thế nên đừng lo lắng về nghe trộm, mà hãy lo lắng về việc quản lý thông tin cá nhân của bạn.

Chơi tới cùng

Nếu làm hết chừng đó thứ khiến bạn quá mệt mói, bạn sẽ vẫn còn một lựa chọn nữa rất mạnh. Đó là nghỉ chơi với Facebook.

Nhưng trước khi bạn làm thì xin lưu ý, làm như vậy không thể giải quyết triệt để mọi vấn đề. Bạn sẽ vẫn bị dõi theo khi trực tuyến, bị “ném quảng cáo vào mặt” ở bất cứ đâu bạn đến bởi cả Facebook lẫn các mạng lưới quảng cáo khác. Họ chẳng qua là sẽ có ít dữ liệu hơn để phân tích thôi.

Nếu bạn có định xóa tài khoản Facebook thật thì nhớ tải dữ liệu về đã nhé. Chẳng có lý do gì để bạn phải mất hết hình ảnh, video hay những bài đã đăng cả. Để tải hết dữ liệu về, bạn vào Settings > General Account Settings > Download a copy of your Facebook data và bấm vào Start my archive. Sau đó Facebook sẽ gửi cho bạn đường dẫn qua email để tải khi mạng xã hội này chuẩn bị xong. Bạn nên nhớ tải sớm, trước khi đường dẫn đó hết hiệu lực.

Bạn đã xong chưa? Ok, giờ quay lại phần Setting > General. Bấm vào Manage Account, kéo đến phần “What happens to my social media presence when I die” và bấm vào Deactivate my account. Bạn sẽ phải nhập mật khẩu vào, xem bức hình của mấy người bạn sẽ “nhớ” bạn nếu bạn không dùng Facebook nữa, làm một bài khảo sát nhỏ và bấm Deactive thêm lần nữa.

Hướng dẫn sử dụng Facebook một cách an toàn
Có nhiều bước để xóa tài khoản lắm. Nhớ hoàn tất mọi bước nhé

Nên lưu ý rằng như vậy bạn vẫn chưa thực sự xóa xong tài khoản của mình đâu. Tài khoản của bạn chỉ được chuyển vào chế độ “ẩn”, đề phòng bạn muốn quay trở lại. Nếu bạn muốn thực sự xóa 100% thì bạn phải vào đường dẫn này.

Nhập vào mật khẩu và CAPTCHA là xong. Bạn cũng sẽ vẫn phải chờ vài ngày để thao tác xóa này có hiệu lực, và trong thời gian này nếu bạn đăng nhập lại thì Facebook sẽ hủy yêu cầu xóa tài khoản. Thế nên nếu đã quyết thì phải làm triệt để, xóa luôn cả ứng dụng Facebook trên điện thoại đi cho chắc cú nhé.

Giờ thì là bạn đã đỡ lo hơn rồi. Ít nhất là cho đến khi Facebook thay đổi điều khoản về quyền riêng tư một lần nữa. Dù cho bạn muốn dùng hay bỏ, thì điều quan trọng là bạn phải kiểm soát được dữ liệu cá nhân của mình bị sử dụng ra sao. Đôi lúc bạn chỉ bị khai thác một chút dữ liệu thôi, nhưng nó có khi lại có giá trị.

Theo WIRED

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo