Huawei vừa tổ chức buổi họp báo tại Thẩm Quyến (Trung Quốc), yêu cầu tòa án Mỹ bãi bỏ lệnh cấm các cơ quan chính phủ liên bang mua sản phẩm của công ty.

Huawei tổ chức họp báo, yêu cầu Mỹ bãi bỏ lệnh cấm

Song Liuping, Giám đốc pháp lý của Huawei, cho rằng các chính trị gia Mỹ đang sử dụng sức mạnh cường quốc để chống lại một công ty tư nhân.

“Họ đang tận dụng mọi công cụ hiện có, bao gồm các kênh lập pháp, hành chính và ngoại giao. Họ muốn cấm đoán việc kinh doanh của chúng tôi. Điều này thực sự bất bình thường, là một tiền lệ chưa từng thấy trong lịch sử”, Liuping cho biết.

Trên thực tế, cho đến nay chính phủ Mỹ chưa hề đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Huawei gây ra rủi ro bảo mật. Tất cả chỉ dừng ở những phỏng đoán. Thế nhưng, quốc hội nước này lại thông qua Điều 889 của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019 – cho phép tuyên bố một cá nhân hoặc nhóm cụ thể có hành vi phạm tội và trừng phạt họ mà không qua xét xử.

Đạo luật này không cho Huawei cơ hội bác bỏ các cáo buộc, hoặc đưa ra bằng chứng để tự bào chữa nhằm đảm bảo tìm kiếm sự thật một cách công bằng. “Đây là sự chuyên chế của ‘phiên tòa xét xử bởi các cơ quan lập pháp’ và hoàn toàn đi ngược với hiến pháp Mỹ, vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật và thủ tục tố tụng hợp pháp”, Liuping nói.

Ngày 6/3 vừa qua, Huawei đã nộp đơn kiện chính phủ Mỹ, yêu cầu Tòa án dỡ bỏ Điều 889 và tuyên bố luật đi ngược lại với hiến pháp. Mới đây, hãng đã tiếp tục nộp Đơn kiến nghị yêu cầu xét xử giản lược, yêu cầu tòa án:

  • Ra phán quyết một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
  • Tuyên bố lệnh cấm với Huawei là hành vi vi hiến.
  • Ngừng thực thi các phần liên quan.

Theo đại diện Huawei, mục đích của vụ kiện này là để bảo vệ những điều đúng đắn. NDAA đúng là có gây bất lợi cho Huawei, nhưng cũng lấy đi quyền tự do lựa chọn của các nhà mạng và người tiêu dùng tại Mỹ.

Song ông Liuping nói rằng mọi cố gắng hợp tác của Huawei đều vì muốn mang đến “mạng băng thông rộng với mức giá phải chăng” cho người dùng Mỹ ở nông thôn, đảm bảo “tất cả người Mỹ đều có quyền truy cập như nhau”.

Hai tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa hãng công nghệ Trung Quốc vào “tầm ngắm”, dẫn đến quyết định cấm giao thương có nguy cơ ảnh hưởng đến khách hàng của Huawei tại hơn 170 quốc gia, bao gồm hơn 3 tỷ người đang sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của hãng trên toàn cầu.

Liuping cáo buộc chính phủ Mỹ đang đặt quyền được kết nối của mọi người vào sự may rủi, đặc biệt là người dân ở các nước kém phát triển, nơi có sự phân chia rõ rệt về kỹ thuật số. Ông cho rằng nếu ngăn cản các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh với Huawei, chính phủ sẽ trực tiếp tác động xấu đến hơn 1.200 công ty Mỹ. Điều này lại tiếp tục ảnh hưởng đến hàng chục nghìn việc làm của người dân tại đây.

“Thật đáng tiếc là chính phủ Mỹ đang giành quá nhiều thời gian, tài nguyên và cả lực lượng chính trị chỉ để tấn công một công ty tư nhân. Chúng tôi tin rằng điều này đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Hôm nay là mảng viễn thông và công ty Huawei. Ngày mai có thể là lĩnh vực của bạn, công ty và khách hàng của bạn”, vị giám đốc pháp lý nhấn mạnh.

Đại diện Huawei cho rằng chính trị gia Mỹ đang sử dụng an ninh mạng như một cái cớ để nhận sự ủng hộ của công chúng cho các hành động vốn được tạo ra nhằm đạt được các mục tiêu khác. Những động thái này chắc chắn không thể giúp hệ thống mạng trở nên an toàn hơn.

“Hệ thống tư pháp là tuyến phòng thủ cuối cùng của công lý. Huawei đặt niềm tin vào sự độc lập và toàn vẹn của hệ thống tư pháp Mỹ. Chúng tôi hy vọng những sai lầm trong NDAA có thể được tòa án sửa chữa, đồng thời muốn nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh mạng đến nay vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của Huawei. Công ty luôn nỗ lực để tiếp tục cung cấp các sản phẩm an toàn, tiên tiến với sự hỗ trợ của nhiều nhà cung cấp và khách hàng trên toàn cầu”, đại diện Huawei cho biết thêm.

Cuối cùng, ông Song Liuping mong chờ chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp trung thực, hiệu quả hơn để tăng cường an ninh mạng. Phiên điều trần về vụ kiện này sẽ được tổ chức vào ngày 19/9 tới.

Theo: HuaweiBBC

Góc quảng cáo