Theo thống kê từ công ty phân tích dữ liệu Patent Result, trong năm 2018 Huawei là hãng công nghệ có số lượng bằng sáng chế nhiều nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ hơn thì tỷ lệ bằng sáng chế chất lượng của hãng vẫn chưa thể vượt qua các doanh nghiệp Mỹ như Intel và Qualcomm.
Huawei Technologies được xem là biểu tượng cạnh tranh về công nghệ giữa của Trung Quốc với thị trường Mỹ. Thế nhưng hiện tại chỉ có 21% bằng sáng chế của hãng được phân loại “chất lượng cao”, rất sáng tạo. Mặt khác, tốc độ Huawei mua bằng sáng chế và tuyển dụng kỹ sư từ các doanh nghiệp Mỹ để nâng cao chất lượng và độ sáng tạo khiến cho Nhà Trắng phải dè chừng.
Danh sách những cái tên hàng đầu trong bảng xếp hạng bằng sáng chế đã thay đổi đáng kể từ năm 2005. Khi đó, Philips (Hà Lan), Panasonic (Nhật Bản) và Siemens (Đức) là những thương hiệu có nhiều bằng sáng chế nhất, Huawei thậm chí không nằm trong danh sách 20 thương hiệu hàng đầu. Tuy nhiên hãng đã vươn lên vị trí số một trong 4-5 năm gần đây.
Năm 2018, Huawei đã có 5.405 ứng dụng bằng sáng chế quốc tế, gấp đôi so với Mitsubishi Electric của Nhật Bản ở vị trí số 2 và nhà sản xuất chip Intel của Hoa Kỳ ở vị trí thứ ba. Dù vậy, số liệu này lại không đi đôi với chất lượng.
Công ty phân tích Patent Result (Tokyo, Nhật Bản) đã đưa ra bảng so sánh chất lượng bằng sáng chế của Huawei với các đối thủ dựa trên những tiêu chí như nguồn gốc, ứng dụng thực tế và độ linh hoạt. Sau khi phân tích, các bằng sáng chế được nhóm lại dựa trên điểm số chất lượng và so với thang điểm chuẩn.
Nếu số điểm chênh lệch từ 55 trở lên được xem là “chất lượng cao”, phát minh thực sự sáng tạo. Theo thống kê, danh mục này chiếm 21% trên tổng số bằng sáng chế của Huawei, thấp hơn nhiều so với 32% của Intel và 44% của Qualcomm.
Những năm gần đây, Huawei đã mua lại rất nhiều bằng sáng chế để tăng số lượng tổng thể và củng cố thêm một số công nghệ quan trọng.
Cụ thể, Huawei đã mua khoảng 500 bằng sáng chế từ các công ty nước ngoài, trong đó có 250 từ doanh nghiệp Mỹ. Hãng cũng mua lại nhiều bằng sáng chế về công nghệ, liên quan đến truyền tín hiệu số và kiểm soát chuyển mạng. Có đến 67% bằng sáng chế chất lượng nằm trong số này.
Mua bằng sáng chế là cách phổ biến để một công ty tiến lên trên bậc thang công nghệ. So với những doanh nghiệp tiếng tăm khác ở Trung Quốc, Huawei chi mạnh tay nhất trong vấn đề này. Theo thống kê, hãng thương mại điện tử Alibaba Group đã mua 43 bằng sáng chế từ các doanh nghiệp lớn của Mỹ, trong khi công ty Internet Tencent chỉ mua 1 bằng.
Ngoài ra, Huawei cũng tìm cách chiêu mộ nhiều nhân tài trong ngành công nghệ Mỹ. Một số kỹ sư và chuyên gia của Mỹ được hãng thuê hiện đã trở thành nhân viên chủ lực trong các nhóm nghiên cứu và phát triển của công ty.
Trong danh sách 30 kỹ sư giỏi nhất của Huawei đã có 17 người được tuyển dụng từ những doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là Bắc Mỹ. Nhiều trong số đó từng làm việc tại các công ty hàng đầu của Mỹ như Motorola và một số nhóm nghiên cứu công nghệ thông tin khác. 17 kỹ sư này đã tạo ra khoảng 370 ứng dụng bằng sáng chế chất lượng cao, đang đóng vai trò nòng cốt trong sự tiến bộ công nghệ của Huawei.
Những nỗ lực toàn diện nhằm thu hút nguồn nhân lực Mỹ của hãng công nghệ Trung Quốc đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Washington phải cảnh giác.
Nhà Trắng đang có một số biện pháp ngăn chặn rò rỉ công nghệ bất hợp pháp, nổi bật trong đó là việc đưa Huawei vào danh sách thực thể, cấm các doanh nghiệp trong nước bán linh kiện cho hãng công nghệ này.
Tháng 8 vừa qua, Washington đã mở rộng phạm vi của lệnh cấm, bao gồm cả các tổ chức nghiên cứu. Thượng viện Mỹ đang soạn thảo dự luật cấp cho chính phủ liên bang quyền ngăn chặn việc mua lại bằng sáng chế của Huawei. Một tháng trước đó, một số Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã trình dự luật ngăn chặn Huawei mua hoặc bán bằng sáng chế của Mỹ.
Về phía Huawei, hãng đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài bằng cách phát triển chipset riêng cho mạng 5G.
Theo Nikkei