Akhan, một công ty start-up về mặt kính màn hình smartphone vừa tố cáo Huawei có hành vi đánh cắp công nghệ và vi phạm tiêu chuẩn của ITAR.

Huawei lại bị cáo buộc đánh cắp công nghệ của công ty Mỹ

Theo đó, start-up Akhan Semiconductor Inc. có trụ sở tại Chicago đã nghiên cứu ra kính cường lực Miraj Diamond Glass phủ một lớp kim cương nhân tạo siêu mỏng. Theo đại diện hãng, cấu trúc của mặt kính này bền hơn gấp 6 lần và có khả năng chống trầy gấp 10 lần so với Gorilla Glass, mẫu kính cường lực công nghiệp đang mang về doanh thu 3 tỷ USD mỗi năm cho Corning Inc.

Adam Khan – nhà sáng lập Akhan Semiconductor Inc – đã bắt đầu nghiên cứu về kính kim cương từ khi còn học tại trường Đại học Illinois ở Chicago. Sau khi tốt nghiệp, anh đã thực hiện thử nghiệm tại cơ sở sản xuất nano ở đại học Stanford và hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne thuộc Bộ Năng lượng Mỹ.

Cuối cùng công ty này đã sáng chế ra cách phủ kim cương lên vật liệu thủy tinh. Năm 2014, Khan được cấp bằng sáng chế liên quan đến kính kim cương từ phòng thí nghiệm Argonne. Một năm sau, anh đủ tự tin để bắt đầu quảng bá cho công nghệ mới của mình. Sau khi hợp tác cùng Carl Shurboff, người có kinh nghiệm 25 năm trong những vai trò khác nhau tại Motorola Inc, Adam Khan tự tin có thể phát triển sản phẩm kính kim cương vào thị trường.

Huawei lại bị cáo buộc đánh cắp công nghệ của công ty Mỹ

Trong điện thoại thông minh, kính màn hình siêu bền là một lợi thế cạnh tranh, như bộ xử lý nhanh hoặc camera tốt. Đó là nguyên nhân Steve Jobs chọn Corning để cung cấp màn hình cho iPhone đầu tiên cách đây hơn một thập kỷ. Điều khá bất ngờ là kính Miraj được nhét vào túi đầy chìa khóa và tiền xu mà vẫn bình thường, không có dấu hiệu trầy xước.

Để đảm nhiệm vị trí tương tự Corning, Khan cần phải thuyết phục các nhà sản xuất điện thoại thông minh trên thế giới như Apple, Samsung và Huawei rằng kính phủ kim cương của công ty cứng hơn Gorilla Glass. Năm 2016, Shurboff bắt đầu gửi mẫu kính đầu tiên của Akhan đến Samsung và mẫu kế tiếp đến Huawei.

Huawei lại bị cáo buộc đánh cắp công nghệ của công ty Mỹ

Mẫu thử nghiệm được gửi đến đến một phòng thí nghiệm ở San Diego thuộc sở hữu của Huawei Technologies Co. Khan cho biết khi đóng gói, mẫu kính hình vuông trong suốt, giống như mặt kính thông thường, 4 inch, được gói cẩn thận bằng giấy sáp, trên một khay nhựa có lót gel silicon, đựng trong một hộp nhựa, bao quanh bởi các túi khí và niêm phong cẩn thận trong hộp các tông. Tuy nhiên khi nhận lại mẫu vào tháng 8/2018 (muộn nhiều tháng so với quy định) thì mặt kính bị hư hỏng khá nặng và anh nghi ngờ công ty Trung Quốc này đã đánh cắp công nghệ của mình.

Adam Khan và Carl Shurboff – hiện là COO của Akhan Semiconductor – đã liên lạc với Cục Điều tra Liên bang, đề nghị hợp tác điều tra về Huawei. FBI yêu cầu hai người đến Las Vegas và tham gia một cuộc gặp với đại diện Huawei tại Triển lãm CES vào tháng trước với sự giám sát và theo dõi từ FBI.

Cuộc điều tra này tách biệt với những bản cáo trạng gần đây chống lại Huawei. Vào ngày 28/1, các công tố viên liên bang ở Brooklyn đã buộc tội giám đốc tài chính của Huawei, bà Wanzhong Meng, với nhiều tội danh lừa đảo và vi phạm luật thương mại Mỹ. Gần đây, các công tố viên ở Seattle cũng đã buộc tội Huawei đánh cắp bí mật thương mại, cản trở thực thi pháp luật, cáo buộc nhân viên của công ty này lấy trộm một phần robot Tappy của T-Mobile.

“Những vi phạm này cho thấy sự coi thường trắng trợn của Huawei đối với luật pháp Mỹ và các hoạt động kinh doanh tiêu chuẩn toàn cầu. Chúng tôi sẽ không dung thứ cho những doanh nghiệp vi phạm luật pháp, cản trở công lý hoặc gây nguy hiểm cho lợi ích kinh tế quốc gia.” – Ông Christopher Wray, giám đốc FBI cho biết trong một thông cáo báo chí đi kèm với cáo trạng vào ngày 28/1 vừa qua.

Nếu cuộc điều tra có kết quả, cùng với các cáo trạng có liên quan, sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc Mỹ ngăn chặn Huawei bán những thiết bị 5G, mạng không dây ở Mỹ và các quốc gia đồng minh. Chính quyền của tổng thống Trump tin rằng Huawei đang đe dọa an ninh quốc gia, bởi công ty này có thể xây dựng các backdoor phần cứng và phần mềm 5G không thể phát hiện, cho phép Trung Quốc theo dõi thông tin liên lạc của công dân Mỹ và tiến hành tấn công mạng.

Đáp lại, Huawei nói đây là một mưu đồ chính trị nhằm làm tổn hại cho một công ty đến từ Trung Quốc, dẫn chứng vụ việc liên quan đến T-Mobile chỉ được giải quyết tại tòa án dân sự và có liên quan đến các sự kiện diễn ra cách đây hơn nửa thập kỷ.

Cùng ngày tuyên bố của ông Wray được đưa ra, chính phủ đã điều tra phòng thí nghiệm Huawei ở San Diego, nơi gửi mẫu kính của Akhan. Cả Khan và Shurboff đều được thông báo thường xuyên về tiến trình điều tra thông qua luật sư của mình. Bước đầu họ đã thành công trong việc khiến đại diện Huawei thừa nhận đã vi phạm hợp đồng với Akhan, đồng thời vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Huawei nhiều lần không phản hồi những yêu cầu bình luận. Vụ việc này dựa trên các tài liệu, gồm có email và tin nhắn văn bản trao đổi giữa Huawei, Akhan và FBI, cùng với báo cáo hoạt động ở Las Vegas và những cuộc phỏng vấn với Khan và Shurboff.

Businessweek đã chia sẻ chi tiết về cuộc điều tra với Văn phòng U.S. Attorney’s cho quận Đông New York. Hiện tại chưa có cơ quan nào bình luận về vấn đề này.

Trước cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và bản cáo trạng, cái tên Huawei được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Năm 2002, Cisco Systems Inc. đã cáo buộc công ty đánh cắp mã nguồn cho các bộ định tuyến của mình. Năm 2010, Motorola kiện Huawei đã biến một số nhân viên gốc Trung Quốc thành gián điệp cung cấp thông tin cho họ.

Vào năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã gán Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia, kêu gọi chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ không mua sản phẩm của họ. Huawei phủ nhận tất cả các tuyên bố. Vụ kiện của Cisco và Motorola đã kết thúc bằng những thỏa thuận riêng.

Kể từ năm 2012, dưới áp lực của chính phủ, các công ty viễn thông lớn của Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen, từ chối sử dụng điện thoại thông minh hoặc những thiết bị khác của công ty này. Nhưng nhiều nơi trên thế giới vẫn tiếp tục mua thiết bị của Huawei, chọn không tin (hoặc bỏ qua) những cáo buộc mà phía công ty đã liên tục phủ nhận. Đồng thời, các doanh nghiệp công nghệ Mỹ vẫn tự do bán linh kiện cho Huawei. Điển hình như Qualcomm Inc, là một trong những nhà cung cấp lớn của Huawei.

Vì vậy, không có gì bất thường khi Akhan nhận được email từ Angel Han, một kỹ sư của Huawei ở San Diego gửi đến Akhan vào ngày 8/8/2016. Trong những cuộc trao đổi email và nhiều cuộc gọi sau đó, phía Huawei cho biết họ đang tích cực tìm kiếm các công nghệ mới cho sản phẩm sáng tạo trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng.

Huawei lại bị cáo buộc đánh cắp công nghệ của công ty Mỹ

Đến tháng 2/2017, hai công ty đã thỏa thuận: Akhan sẽ gửi hai mẫu Miraj cho Huawei ở San Diego. Theo một lá thư có chữ ký của cả hai bên, Huawei hứa sẽ trả lại cả hai mẫu trong vòng 60 ngày và hạn chế mọi thử nghiệm có thể gây thiệt hại cho mẫu kính. (Điều thứ hai là tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp và được thiết kế để giảm thiểu việc cố tình đánh cắp sở hữu trí tuệ.) Shurboff ghi trong tài liệu gửi cho Angel Han, yêu cầu Huawei phải tuân thủ luật xuất khẩu của Mỹ, trong đó có quy định của ITAR về việc cấm xuất khẩu vật liệu và ứng dụng quốc phòng. Lớp phủ kim cương nằm trong danh sách vì tiềm năng sử dụng trong vũ khí laser.

Cả Khan và Shurboff đều đã sớm quyết định Akhan sẽ cấp phép thế hệ kính Miraj đầu tiên cho một nhà sản xuất điện thoại duy nhất, với hy vọng lời hứa về tính độc quyền sẽ mang lại cho họ sự khởi đầu tốt đẹp. Khan nói “Chúng tôi rất lạc quan vì có một trong top ba nhà sản xuất smartphone hàng đầu quan tâm đến sản phẩm của mình, dù là trên giấy tờ thì cũng thực sự rất hấp dẫn.” Ngày 26/3/2018 Akhan rất háo hức gửi một mẫu kính đã được cả tiến cho Huawei.

Dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện hai tháng sau đó, khi Huawei trễ hẹn trả lại mẫu. Shurboff cho biết các email gửi cho Han yêu cầu việc gửi trả mẫu đã bị bỏ qua. Vào tháng 6, Han trả lời là Huawei đang thực hiện những kiểm tra tiêu chuẩn người dùng và có một bức ảnh gửi kèm cho thấy có vết xước lớn trên bề mặt kính. Cuối cùng, tháng 8/2018, trễ 3 tháng so với cam kết, phía Akhan mới nhận được bưu kiện từ Huawei.

Thoạt nhìn bưu kiện trông như gói mà Akhan đã gửi vào tháng 3, bên trong hộp vẫn là bao bì bảo vệ thông thường với túi khí, vỏ nhựa, chèn gel và giấy sáp. Nhưng mẫu Miraj đã bị vỡ làm hai và ba mảnh kính bị mất tích.

Huawei lại bị cáo buộc đánh cắp công nghệ của công ty Mỹ

Shurboff nói mẫu không thể bị hư hại trong việc vận chuyển, vì nếu thế thì tất cả các mảnh vỡ phải còn ở đó. Rõ ràng Huawei đã cố gắng cắt mẫu để đo độ dày màng kim cương và tìm ra cách sáng chế của Akhan. Gần như ngay lập tức, ông đã liên hệ với FBI, cơ quan đang xây dựng các mối quan hệ với các công ty công nghệ Mỹ để điều tra các vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.

Tám tháng trước, vào tháng 1/2018, một nam đặc vụ FBI ở Chicago đã tìm đến Akhan ở Gurnee. Theo ông Shurboff, người đại diện nói rằng Cục đang hy vọng các công ty khởi nghiệp địa phương lưu ý các lỗ hổng bảo mật và khuyến khích họ để ý các hoạt động đáng ngờ. FBI đang cố gắng thu thập thông tin tình báo về những nỗ lực của Trung Quốc để có được công nghệ Mỹ.

Hai tuần sau khi nhận được kính vỡ từ Huawei, ông đã liên hệ với văn phòng thực địa của FBI ở Chicago và trình bày chi tiết sự việc xảy ra. Đồng thời đề cập đến việc lớp phủ kim cương là một vật liệu do ITAR điều chỉnh với các ứng dụng quốc phòng và đưa ra khả năng rằng mẫu đã nằm trong tay kẻ xấu. Ngoài ứng dụng trên kính điện thoại thông minh, mẫu có thể được điều chỉnh thành chất bán dẫn và quân đội.

Sau đó hai đặc vụ FBI nhặt mẫu bị hỏng và giao nó cho trung tâm nghiên cứu của FBI ở Quantico. Kết quả phân tích cho thấy Huawei đã thổi mẫu thủy tinh kim cương bằng tia laser 100 kilowatt.

Các nhân viên FBI đã yêu cầu Khan và Shurboff cho họ xem xét email, bản sao thỏa thuận không tiết lộ, thư dự định, hồ sơ vận chuyển, thậm chí cả hộp Huawei đã sử dụng để trả lại mẫu. FBI cũng có một yêu cầu khác: phía Akhan cần thiết lập lại liên lạc với Angel Han, kỹ sư của Huawei.

Vào ngày 10/12/2018, khi được hỏi về mẫu kính kim cương vỡ, Angel Han đã trả lời qua điện thoại rằng cô không biết, vì mẫu đã ở Trung Quốc và được chuyển trực tiếp đến Akhan. Điều này đã vi phạm các quy định của ITAR nhưng dường như cô không biết hoặc không quan tâm.

Sau đó cô cho biết Huawei muốn bàn tiếp về việc trở thành khách hàng đầu tiên của Akhan và đề xuất một cuộc gặp trực tiếp vài tuần sau Triển lãm CES 2019 cùng với một vài đại diện cao cấp của Huawei. Tất cả mọi việc xảy ra dưới sự giám sát của FBI.

Cuộc hẹn diễn ra lúc 3h3o ngày 9/1/2019, Angel Han đến cùng với một người phụ nữ tự giới thiệu là Jennifer Lo, giám đốc cung ứng cao cấp của Huawei ở Santa Clara, California. Giám đốc điều hành Huawei có trụ sở tại Thâm Quyến đã không đến, họ giải thích, vì công ty không cho phép các giám đốc điều hành cấp cao của Trung Quốc đến Mỹ.

Cả hai người đại diện phía Huawei đều tuyên bố không biết gì về việc mẫu kính bị hỏng. Bà Lo thừa nhận mẫu kính đã được chuyển đến Trung Quốc nhưng phủ nhận việc này vi phạm ITAR. Đồng thời, bà vẫn bày tỏ thành ý trở thành công ty đầu tiên đặt kính kim cương của Akhan.

Huawei lại bị cáo buộc đánh cắp công nghệ của công ty Mỹ

Cả Khan và Shurboff đều rất kiên quyết hợp tác với FBI để tìm một giải pháp phù hợp cho vấn đề này. “Akhan nghiêm túc với các hành vi sử dụng bất hợp pháp công nghệ của hãng. Việc đánh cắp bất cứ tài sản nào của Akhan, dù chỉ là cố gắng hay đã thành công, cũng không được bỏ qua. Akhan sẽ tiếp tục làm việc và hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để nhanh chóng giải quyết vấn đề”, ông Shurboff cho biết.

Chưa biết câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Hiện tại phía Akhan được yêu cầu không liên hệ với Huawei nữa. Có thể chính phủ sẽ kết luận không có căn cứ nào để đưa ra cáo trạng chống lại Huawei. Hoặc công tố viên sẽ cho rằng những gì xảy ra với Akhan không đủ nghiêm trọng để cáo buộc Huawei.

Nhưng nếu thực sự một công ty start-up nhỏ bé không có doanh thu và khách hàng ở Chicago bị đánh cắp công nghệ thì rõ ràng Huawei đã bỏ rất nhiều công sức để đánh cắp bí mật thương mại Mỹ. Ông Khan nói: “Tôi nghĩ rằng Huawei đã xác định công nghệ là bản đồ chỉ đường và công ty này quyết định tấn công bất chấp quy mô hay tình trạng doanh nghiệp.”

Theo: Bloomberg

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo