Nhiều nhà sản xuất điện thoại Android từng bị phát hiện gian lận điểm đánh giá hiệu năng, và lần này là Huawei với chiếc P20 Pro.

Huawei giải thích về việc gian lận điểm đánh giá hiệu năng 3DMark

Gian lận của Huawei được phát hiện lần đầu bởi AnandTech, sau đó trang báo này đã nói với hãng tại hội nghị IFA 2018. Huawei thừa nhận và cho biết họ làm vậy để cạnh tranh với các đối thủ cũng đang có hành vi tương tự tại Trung Quốc.

Theo bình luận của Huawei với Android Authority, công ty ưu tiên trải nghiệm người dùng hơn là tập trung vào số điểm đánh giá hiệu năng, đặc biệt là khi điểm kiểm tra không liên quan đến việc trải nghiệm thực tế. Smartphone của Huawei sử dụng những công nghệ cao như trí thông minh nhân tạo để tối ưu hiệu năng phần cứng bao gồm CPU, GPU và NPU.

Ngoài ra, khi khởi chạy ứng dụng chụp ảnh hoặc trò chơi với cấu hình cao, phần mềm giúp ổn định trải nghiệm người dùng bằng cách sử dụng hết tài nguyên phần cứng, đồng thời quản lý nhiệt độ và hiệu suất năng lượng của thiết bị. Đối với những công việc nhẹ hơn như duyệt web, ứng dụng sẽ phần bổ lượng tài nguyên cần thiết để sử dụng.

Trong thử nghiệm benchmark thông thường, nếu nhận thấy ứng dụng kiểm tra, phần mềm của Huawei sẽ chuyển sang chế độ “Performance Mode” tối ưu hiệu năng. Huawei dự định cung cấp cho người dùng truy cập vào chế độ này để họ có thể sử dụng tối đa thiết bị của mình.

Những người tạo ra ứng dụng kiểm tra 3DMark đã trình bày nghiên cứu và đưa ra kết quả 4 thiết bị của Huawei gian lận, bao gồm P20, P20 Pro, Nova 3, Honor Play.

Huawei giải thích về việc gian lận điểm đánh giá hiệu năng 3DMark

Nhóm nghiên cứu kiểm tra tất cả điện thoại bằng cả ứng dụng trên Google Play và nội bộ, sau đó cho biết: “Điểm kiểm tra benchmark công khai cao hơn 47% so với trên ứng dụng nội bộ”.

Kết quả cho thấy phần mềm của Huawei tăng hiệu năng thiết bị lên tối đa khi dò ra ứng dụng kiểm tra benchmark. Tuy nhiên, AI của Huawei không phải lúc nào cũng hoạt động vì tính năng đã thất bại khi điện thoại được kiểm tra trong bản nội bộ.

Huawei vừa tiết lộ bộ vi xử lý Kirin trên tiến trình 7nm nhằm cạnh tranh với chip A12 và Snapdragon 855. Việc gian lận điểm có thể ảnh hưởng đến những thông tin đánh giá hiệu năng khi mà công ty đã dùng benchmark để làm nổi bật chip Kirin hơn so với Snapdragon 845 hiện tại. Thiết bị Mate 20 ra mắt vào tháng tới có thể sẽ được kiểm tra nhiều lần để tìm dấu hiệu gian lận.

Vài tuần trước, Huawei đã bị phát hiện sử dụng camera DSLR cho quảng cáo nhưng lại ám chỉ rằng những hình ảnh được chụp bởi thiết bị cầm tay mới của hãng.

Trong cuộc thảo luận với UL – đội ngũ đã tạo ra 3DMark, Huawei cho biết thiết bị của mình sử dụng cơ chế phân bổ tài nguyên bằng trí thông minh nhân tạo. Vì nhiều tình huống cần sử dụng tài nguyên phần cứng khác nhau, nên điện thoại của hãng đã sử dụng công nghệ này để hoạt động với hiệu năng tối đa.

UL hiểu được mục đích của Huawei nhưng phản đối việc sử dụng chế độ “Performance Mode” khi kiểm tra. Ứng dụng benchmark phải được thiết bị khởi chạy như những ứng dụng thông thường. Huawei cho biết sẽ cung cấp chế độ này cho người dùng để họ sử dụng tối đa thiết bị của mình.

Cả UL và Huawei đều muốn tham gia vào việc phát triển tiêu chuẩn điểm benchmark để phục vụ nhu cầu các nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Dù điểm đánh giá hiệu năng không ảnh hưởng đến trải nghiệm thực tế nhưng sẽ gây hiểu nhầm cho người dùng khi chọn mua điện thoại. Đây không phải là hướng đi đúng, đặc biệt là khi Huawei đang muốn trở thành công ty sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.

Theo BGR

Góc quảng cáo