Nhiều scandal liên tục gần đây liệu có đẩy Huawei khỏi cuộc đua của những nhà cung cấp thiết bị công nghệ mạng hàng đầu thế giới hay không?

Huawei sẽ đối diện với hàng loạt rắc rối như thế nào?

Thời gian gần đây, Huawei liên tục vướng vào hàng loạt cáo buộc nghiêm trọng: gián điệp, gian lận thương mại, đánh cắp công nghệ… Giữa tháng 1, Đài Loan đã ban hành lệnh cấm toàn bộ thiết bị mạng và điện thoại của Huawei trong tất cả các cơ quan, tổ chức chính phủ vì lo ngại rủi ro bảo mật. Năm ngoái, Úc đã thông báo cấm nhà mạng mua thiết bị 5G thế hệ mới từ những tập đoàn công nghệ Trung Quốc, trong đó có Huawei.

Bên cạnh đó, hãng còn phải hứng chịu sự tẩy chay từ nhiều nhà mạng lớn ở Anh, Canada, Séc, Na Uy và Nhật Bản. Trước đó, New Zealand và Australia đã ngăn các công ty viễn thông sử dụng thiết bị Huawei cho mạng di động 5G. Công ty gần như không còn hoạt động kinh doanh gì tại Mỹ giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang ngày càng căng thẳng.

Nhà phân tích công nghiệp viễn thông, Jeff Kagan, cho rằng những vấn đề của Huawei đã có từ lâu, nhưng nó đang trở nên sôi sục nhanh chóng vì không còn có thể che giấu được nữa. Ông cũng dự đoán tình hình này sẽ còn tồi tệ hơn nữa trong thời gian tới.

Tháng trước, người sáng lập Huawei, ông Ren Zhengfei đã nêu quan điểm trong một cuộc họp báo: “Tôi ủng hộ Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng không gây hại cho bất kỳ quốc gia nào”. Liệu đây có phải chỉ là khủng hoảng tạm thời hay sẽ góp phần đánh bật Huawei khỏi vị trí số 1 trên thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu?

Vấn đề của Huawei xuất phát từ cáo buộc bán thiết bị cho Iran, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Tháng 12/2018, CFO Huawei, bà Meng Wanzhou bị bắt ở Canada với hành vi lừa gạt tổ chức tài chính, sử dụng công ty con là SkyCom Tech để bán thiết bị cho Iran.

Đây là một vi phạm nghiêm trọng. Năm ngoái, ZTE đã phải ngừng hoạt động sau khi Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh cấm vì công ty này đã vi phạm thỏa thuận và vận chuyển trái phép linh kiện từ Mỹ tới Iran. Mỹ sau đó đã bãi bỏ lệnh cấm nhưng ZTE vẫn phải nộp phạt 900 triệu USD, đồng thời phải thay thế toàn bộ hệ thống lãnh đạo cấp cao và cho phép Mỹ giám sát việc tuân thủ luật thương mại.

Mỹ đang có một động thái cứng rắn hơn với Huawei: bắt giữ CFO của công ty. Dù các nhà phân tích cho rằng tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc sẽ không dễ bị làm lung lay bởi sự ổn định tài chính và ít phụ thuộc vào những nhà cung cấp Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ chính là nơi thiết kế và cho ra đời những con chip tốt nhất thế giới. Dù Trung Quốc lắp ráp rất nhiều thiết bị điện tử, nhưng nếu thiếu công nghệ đầu vào quan trọng của Mỹ, sản phẩm của các doanh nghiệp như Huawei sẽ có chất lượng thấp hơn nhiều và công ty sẽ khó tồn tại được lâu.

Nhiều quốc gia đang có ý định cấm thiết bị Huawei, nếu mất những thị trường lớn như Đức hoặc Ấn Độ thì tình hình sẽ rất tồi tệ. Hiện tại, tin tốt duy nhất có vẻ là: dù cho đang có nhiều nước không cho phép Huawei xây dựng hệ thống mạng 5G thì những nước nào còn hợp đồng 4G với công ty vẫn phải tuân thủ hợp đồng, tiếp tục sử dụng mạng 4G của hãng trong nhiều năm tới.

Huawei sẽ rất rất khó sửa chữa được hình ảnh xấu của mình ở nước ngoài, và tương lai của doanh nghiệp này hiện giờ đang nằm trong tay chính phủ Trung Quốc. “Nếu không thể tiếp tục hoạt động ở một số thị trường, chúng tôi sẽ thu hẹp quy mô một chút. Ngày nào còn có thể tồn tại và trả đủ lương cho nhân viên, ngày đó chúng tôi vẫn còn hy vọng”, ông Ren Zhengfei cho biết.

Huawei đã dành nhiều năm để xây dựng hình ảnh và phủ sóng ở hàng loạt quốc gia trên thế giới. Tất nhiên sẽ còn nhiều thị trường ưa chuộng sản phẩm của công ty, lựa chọn bỏ qua những scandal bê bối, rủi ro anh ninh vì mức giá hợp lý và tính năng vượt trội.

Theo:  WIRED

Góc quảng cáo