Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đang muốn được biết đến với vị thế cao cấp hơn, tuy nhiên đây là thách thức không dễ gì vượt qua.

Huawei: định vị thương hiệu cao cấp không phải dễ dàng

Trở nên hấp dẫn hơn là một trong những thử thách lớn nhất của Huawei trong quá trình thúc đẩy mảng kinh doanh smartphone nhằm len chân vào thế lưỡng quyền của Apple và Samsung. Huawei gây dựng thành công ba thập kỷ nay từ việc bán thiết bị viễn thông như bộ định tuyến cho nhà mạng, hiện đang là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới.

Để xây dựng hình ảnh sành điệu cao cấp hơn, Huawei hợp tác với các thương hiệu thời trang xa xỉ và các nhà thiết kế. Năm nay, hãng kết đôi với Swarovski (Áo) giới thiệu điện thoại và đồng hồ thông minh vỏ trang sức. Tháng 9/2015, Huawei tài trợ cho lễ kỷ niệm 10 năm của tạp chí Vouge Trung Quốc bên trong cung điện hoàng gia tại Milan (Ý), nơi quan chức Huawei gặp gỡ nhà thiết kế Giorgio Armani và siêu mẫu Karlie Kloss.

Huawei: định vị thương hiệu cao cấp không phải dễ dàng
Ông Richard Yu, phụ trách mảng Điện tử tiêu dùng Huawei, cùng siêu mẫu Karlie Kloss tại sự kiện Vouge Trung Quốc năm 2015.

Theo Anita Chang, nhà xuất bản Vogue Trung Quốc “trong quá khứ, Huawei tập trung quá nhiều vào công nghệ, song bây giờ họ đã cởi mở để học thêm từ ngành thời trang”.

Khi Daniele De Grandis gia nhập Huawei với vị trí Giám đốc Tiếp thị và Bán hàng tại Ý năm 2011, công ty gần như vô danh với người tiêu dùng. Trong khảo sát do nhóm tiếp thị thực hiện, chỉ 15% người Ý cho biết từng nghe đến Huawei. Thậm chí, một người còn tưởng rằng đây là tên của hãng may mặc. “Với nhiều người, Huawei không phải là một thương hiệu (điện thoại)”, ông De Grandis hồi tưởng.

Kể từ đó, hãng viễn thông Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại châu Âu thông qua tài trợ cho những đội bóng như AC Milan (Ý), Atletico Madrid (Tây Ban Nha). Năm 2015, Huawei tăng gấp đôi ngân sách tiếp thị tại Ý, lần đầu tiên chiếu quảng cáo trên truyền hình. Đến nay, hãng gặt hái được một số thành quả, được xem là lựa chọn phải chăng thay thế Apple và Samsung tại Ý và Tây Ban Nha, nơi thị phần tăng tương ứng lên 11% và 12% quý IV/2015, trong khi cùng kỳ 3 năm trước chỉ là gần 3%.

Dù vậy, bất chấp tăng trưởng nhanh, Huawei vẫn gặp khó khăn khi muốn trở thành một thương hiệu cao cấp hơn. Giá bán trung bình smartphone của hãng năm 2015 là 204 USD, thấp hơn so với 343 USD của Samsung và 714 USD của Apple, theo IDC. Với Huawei, một công ty thành công nhờ đối tác nhà mạng, xây dựng thương hiệu tiêu dùng là ván bài hoàn toàn mới, giống như việc để các vận động viên tập gym vậy, ông Richard Yu, phụ trách mảng Điện tử tiêu dùng ví von.

Tại triển lãm IFA diễn ra tháng 10/2014 tại Đức, Huawei có bài thuyết trình mang màu sắc sang trọng, nơi ông Yu trong bộ vest đen, tay trong tay với hai người mẫu nước ngoài duyên dáng như một chương trình thời trang thực sự.

Ông Yu, một kỹ sư tỉ mỉ đến từng chi tiết và yêu thích dữ liệu, đã trở về chỗ ngồi ngay khi trình diễn xong. Ông không muốn phải làm điều này song thừa nhận, để trở thành nhãn hàng tiêu dùng, Huawei cần thay đổi. “Điều khó nhất là thay đổi tư duy của mọi người. Chúng tôi phải thay đổi tư duy của chính mình”.

Theo ICTnews

Góc quảng cáo