Mục lục bài viết
Được giới thiệu cùng 7X, Honor 9 Lite dù có mức giá thấp hơn (khoảng 4,3 triệu đồng) nhưng vẫn gây chú ý bởi thiết kế bóng bẩy.
Có thể nói Honor 9 Lite là một chiếc điện thoại mà khi cầm cân so về cấu hình và tính năng thì sẽ được lòng khá nhiều bạn trẻ. Cụ thể là máy sở hữu đến 4 camera (2 trước, 2 sau), camera sau lồi không đáng kể, song song đó là mặt trước và sau đều bằng kính, phiên bản mình có dịp trải nghiệm có màu xanh Sapphire nổi bật.
Thiết kế
Honor 9 Lite dùng màn hình Full HD 5.65 inch (tỉ lệ 18:9) tràn viền với viền cạnh bên mỏng ấn tượng. Cụm camera kép mặt trước bố trí ở cạnh trên phía trái loa, không hỗ trợ đèn Flash LED riêng, thay vào đó dùng ánh sáng từ màn hình để chụp ảnh selfie trong điều kiện thiếu sáng.
Mặt sau máy với góc trên phía trái là khu vực camera kép hơi lồi một chút, trong khi đèn LED Flash nằm dưới mặt kính, cảm biến vân tay đặt ở phía chính giữa hơi lõm vào trong, giúp dễ dàng định vị trí bằng ngón tay để xác thực. Vì mặt lưng hoàn toàn bằng kính nên việc bám vân tay là điều tất yếu, Honor có tặng kèm một ốp nhựa cứng trong suốt, nhưng song song với việc cầm nắm chắc thì nó cũng làm cho máy bị mất đi vẻ đẹp.
Về mặt bố trí các phím và cổng kết nối, Honor 9 Lite đặt nút tăng giảm âm lượng và nút nguồn bên cạnh phải, khe cắm sim và thẻ nhớ ở cạnh trái (tuỳ chọn 2 SIM hoặc 1 SIM 1 thẻ nhớ). Cạnh dưới bố trí loa ngoài, cổng sạc micro USB và lỗ cắm tai nghe 3.5mm.
Ảnh thực tế Honor 9 Lite
Trải nghiệm
Có thể nói nhờ màn hình chỉ dừng ở mức gần 5,7 inch và tỉ lệ 18:9 đã giúp cho chiếc Honor 9 Lite trở nên dễ cầm nắm và gọn gàng trong lòng bàn tay. Điểm hay là máy cho phép thay đổi phân giải từ FHD+ sang HD+, điều này có phần làm cho hình ảnh không giữ được độ sắc nét, nhưng nó lại giúp tiết kiệm pin hơn khi sử dụng.
Quá trình cài đặt vân tay (Fingerprint ID) trên Honor 9 Lite mình thực hiện khá nhanh và đơn giản. Sau khi thiết lập xong, máy thực hiện mở khoá vân tay với tốc độ rất ấn tượng, mình đã thử thách với cảm biến này bằng cách chạm và lấy ngón tay ra thật nhanh, chạm nhẹ một phần của ngón tay đã đăng ký vào khu vực cảm biến thì máy đều mở khoá gần như ngay lập tức, và dĩ nhiên điều này không xuất hiện với các ngón tay chưa đăng ký vào máy trước đó.
Về cấu hình, Honor 9 Lite dùng chip Kirin 659, RAM 3GB và bộ nhớ trong 32GB, chạy hệ điều hành EMUI 8.0 (tuỳ biến trên Android 8.0), trải nghiệm thực tế sử dụng thì máy cho phản hồi rất ổn, tuy vậy với các tựa game đòi hỏi đồ hoạ ở mức khá cao như Asphalt 8 thì máy tỏ ra khá đuối.
Đối với máy ảnh, bộ đôi camera sau có độ phân giải lần lượt là 13MP và 2MP, có khả năng chụp xóa phông cùng một số chế độ chụp nổi bật khác như phơi sáng, live photo…
Một số ảnh chụp từ camera sau của Honor 9 Lite:
Trải nghiệm sử dụng thông thường, mình nhận thấy máy bắt nét nhanh và dễ dàng chụp ảnh trong mọi tình huống và ánh sáng khác nhau, ở môi trường tối máy cho độ nhiễu hạt không quá nhiều, phần màn hình của máy cho màu sắc rực nên ảnh chụp ra xem trên thực tế thiếu độ bão hoà màu một chút, điều có thể dễ dàng bù lại bằng các hiệu ứng và ứng dụng xử lý ảnh.
Đối với phần pin, Honor 9 Lite sử dụng viên pin 3.000mAh, đủ cho việc sử dụng trong một ngày dài. Trong chuyến đi ngắn ngày lên Đà Lạt, mình đã sử dụng máy để chụp ảnh từ sáng đến chiều, truy cập Facebook, lướt web đọc báo, sử dụng các phần mềm hiệu chỉnh màu sắc… và viên pin của máy đáp ứng được hơn một ngày cho các thao tác nhẹ nhàng này, phải đến sáng hôm sau thì máy mới cảnh báo cần sạc pin.
Lời kết:
Honor 9 Lite tuy không có mức giá quá cao, nhưng máy vẫn sở hữu những thiết kế và tính năng thời thượng hiện nay. Máy là lựa chọn hợp lý, đặc biệt khi bạn muốn chiếc smartphone vừa đẹp, vừa chụp ảnh khá và giá tiền không vượt ngoài mức chi tiêu của mình.