Giới chuyên môn cảnh báo khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, các hoạt động của Apple tại quốc gia đông dân nhất thế giới, gồm hàng triệu khách hàng và phần lớn hoạt động sản xuất, có thể gặp rủi ro.
Theo The Information dự đoán trong thời gian tới Trung Quốc sẽ nhắm vào Apple để trả đũa giữa bối cảnh Tổng thống Trump tấn công TikTok và WeChat ở Mỹ. Hiện tại một số dịch vụ của Nhà Táo tại thị trường Trung Quốc đang hoạt động mà chưa được chính phủ và đối tác địa phương cấp phép. Chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ “đóng chặt những kẽ hở” mà Apple từ lâu đã lợi dụng khai thác trong những năm gần đây. Điều này sẽ gây rắc rối cho hoạt động của “gã khổng lồ công nghệ Mỹ” trong thời gian tới tại Trung Quốc.
Theo báo cáo của AppInChina, đầu tháng Tám, Apple xóa hơn 47.000 ứng dụng khỏi cửa hàng ứng dụng App Store Trung Quốc. Động thái này không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, vì Táo Khuyết vừa thay đổi chính sách mới nhằm loại bỏ lỗ hổng trước đây. Giờ đây, những game trả phí hoặc có tính năng mua trong ứng dụng sẽ không được phép thực hiện giao dịch nếu chưa được cơ quan quản lý Trung Quốc phê duyệt.
Đây không phải là lần đầu tiên Apple phải thay đổi dịch vụ tại Trung Quốc. Năm 2016, chính quyền Bắc Kinh từng buộc Apple phải xóa dịch vụ iBookstore và iTunes Movies, chỉ sáu tháng sau khi hãng chính thức phát hành hai tiện ích này tại thị trường bản địa.
Phần lớn hoạt động của App Store tại Trung Quốc lại phụ thuộc vào một “kẽ hở”. Theo báo cáo, các cửa hàng ứng dụng nước ngoài ở quốc gia tỷ dân thường bị yêu cầu liên doanh với một đối tác, chủ sở hữu hoặc nhà điều hành tại địa phương. Tuy nhiên Apple lại tự vận hành App Store. Nhà Táo đến nay vẫn tránh né chia sẻ mã nguồn iOS với Trung Quốc, hãng đã thương lượng với chính quyền Bắc Kinh từ trước để không phải làm điều này.
Gần đây, Nhà Trắng liên tục có những hành động chống lại các hãng công nghệ Trung Quốc, khiến một số công ty khó kinh doanh ở Mỹ. Hồi đầu tháng, Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm TikTok và WeChat – những dịch vụ phổ biến thuộc sở hữu của ByteDance và Tencent, hai “gã khổng lồ công nghệ” hàng đầu Trung Quốc. Washington cũng đồng thời thắt chặt hạn chế với nhà sản xuất điện thoại Huawei thuộc Trung Quốc.
Giới chuyên môn dự đoán trong thời gian tới phía Bắc Kinh sẽ có những động thái trả đũa nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ. Nếu vậy, Apple sẽ là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng của Táo Khuyết.
Năm 2017, Apple đã tung ra một loạt dự án với hy vọng sẽ được các quan chức Trung Quốc thông qua. Cụ thể, hãng công bố ba trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại nước này, đồng thời nhượng quyền kiểm soát dữ liệu người dùng Trung Quốc cho một đối tác địa phương. Tuy nhiên, đáp lại thiện chí của Nhà Táo, các quan chức Bắc Kinh lại đưa ra thông điệp thẳng thừng rằng Apple không phải là một cái gì đó mà không thể động tới. Nhà sản xuất iPhone phải tuân thủ tốt pháp luật Trung Quốc nếu muốn hoạt động tại đây.