Một công ty Thụy Điển vừa tuyên bố tạo ra một hệ thống năng lượng mặt trời hiệu quả nhất thế giới dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ quân sự và ý tưởng của một tu sĩ Scotland sống ở thế kỷ XIX.
Hệ thống này có thể chuyển hóa đến 34% lượng ánh sáng mặt trời thu được thành điện năng, lớn hơn nhiều so với tấm panel năng lượng mặt trời tốt nhất (23%).
Tờ Guardian cho biết hệ thống trên đang được công ty RiPasso Energy thử nghiệm trên sa mạc Kalahari. Khác với hệ thống chuyển đổi điện từ ánh sáng mặt trời bằng đặt nhiều tấm pano năng lượng trên một diện tích rộng, hệ thống mới lại cần nhiệt năng.
Cụ thể hệ thống này gồm những chảo lớn có diện tích 100 mét vuông để tập trung ánh sáng mặt trời vào một điểm. Lượng nhiệt thu được sẽ dùng để hoạt động một động cơ Stirling, do Robert Stirling phát minh ra từ năm 1816. Động cơ Stirling sẽ liên tục được làm nóng rồi hóa lạnh một lượng gas được bên trong để chạy các pít-tông giúp tạo ra điện năng.
Thử nghiệm cho thấy mỗi tấm đĩa có thể tạo ra một lượng điện năng lên đến 75-85 MWh mỗi năm, lượng điện năng này nếu được tạo ra từ các hệ thống sử dụng than đá sẽ tạo ra đến 81 tấn CO2, gây tác động tiêu cực đến môi trường.
RiPasso Energy hiện vẫn giữ bí mật về nguồn vốn đầu tư để thực hiện dự án, tuy nhiên kết quả thử nghiệm đem lại là rất khả quan. Nếu được đem vào sử dụng trong thực tế, hệ thống năng lượng mặt trời này có thể thay thế hoàn toàn cho những hệ thống khác đang hoạt động.