Nếu bạn đã bán lại chiếc smartphone Android của mình, nhiều khả năng những dữ liệu quan trọng như nội dung tin nhắn, email, hình ảnh hay mật khẩu Facebook vẫn còn ở trong đó, cho dù bạn đã thực hiện thao tác xóa sạch dữ liệu trong bộ nhớ.

Hãy cẩn thận khi bán lại chiếc điện thoại Android của bạn!

Một nghiên cứu mới từ Đại học Cambridge (Anh) chỉ ra rằng thao tác “reset” máy trên thực tế không xóa hẳn tất cả mọi dữ liệu, ít nhất là trên các smartphone Android. Đây là một thông tin không hề tốt cho những ai từng bán lại chiếc điện thoại của mình.

Thị trường mua bán những smartphone đã qua sử dụng trên toàn cầu là rất lớn, với khoảng 630 triệu chiếc điện thoại. Nhiều nhà phân tích còn kỳ vọng thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng cho đến tận năm 2018. Điều đó khiến cho kết quả của việc nghiên cứu trở nên rất nhạy cảm.

Những nhà nghiên cứu đã kiểm tra 21 chiếc điện thoại được sản xuất bởi các hãng Google, HTC, LG, Motorola và Samsung. Trong mọi trường hợp, họ đều có thể khôi phục tin nhắn text, tài khoản Google và cả những đoạn hội thoại trong những ứng dụng nhắn tin. Ngoài ra, một vài email cũng có thể được tìm thấy.

Thêm vào đó, ứng dụng đặc biệt cho phép bạn truy cập đến tài khoản Facebook và các mạng xã hội khác vẫn còn lại trong thiết bị.

Và thỉnh thoảng, các thiết bị không thể xóa hết những dữ liệu hình ảnh và video.

Những mẫu điện thoại được kiểm tra trong nghiên cứu này bao gồm HTC One, HTC Sensation XE, Motorola Razr I, Samsung Galaxy S, Samsung Galaxy S2, Samsung Galaxy S Plus và một số thiết bị khác.

Những nhà nghiên cứu nói rằng Google Nexus 4 là mẫu hoạt động tốt nhất, nhưng nó vẫn có một vài hạn chế.

Vấn đề của từng mẫu điện thoại là khá khác nhau. Chẳng hạn với HTC One bạn sẽ không thể xóa hoàn toàn những hình ảnh ở bộ nhớ thông qua phần Settings (Cài đặt) trong máy, dù nhà sản xuất cũng khuyến nghị bạn làm vậy. Thay vào đó, bạn phải sử dụng tính năng Recovery (Phục hồi nguyên gốc).

Các nhà nghiên cứu cho rằng một phần lỗi nằm ở Google, nhà phát triển hệ điều hành Android. Nhưng lỗi cũng thuộc về những nhà sản xuất với những thiết kế tệ hại và sự chậm chạp trong việc nâng cấp nền tảng và phần mềm.

Nếu bạn quyết định bán đi chiếc điện thoại của mình, sẽ không có gì đảm bảo rằng bạn không bán đi theo những dự liệu của mình trong đó.

Việc xóa thủ công từng hình ảnh, tin nhắn… trong điện thoại không phải là cách thức hoàn hảo. Những bộ nhớ dạng flash trong các smartphone nổi tiếng với việc là rất khó để có thể xóa bỏ dữ liệu hoàn toàn.

Một cách làm khả dĩ là mã hóa dữ liệu trong điện thoại bằng một passcode. Nhưng liệu sau đó sẽ còn ai muốn mua lại chiếc điện thoại của bạn?

Google chưa có câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Họ chỉ có một khuyến nghị đơn giản với người dùng là sử dụng tính năng xóa dữ liệu từ xa khi điện thoại bị mất, sử dụng tính năng “factory reset” và nâng cấp lên các phiên bản Android mới hơn cho phép mã hóa dữ liệu bằng passcode.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cách thức này không thể đảm bảo hiệu quả 100%.

Một điều may mắn là Google đã đưa ra một tùy chọn cho phép người dùng bảo vệ những dữ liệu cá nhân trên các ứng dụng như Gmail, Google Drive hay Google Maps. Bạn có thể đăng nhập Gmail, vào phần “Google dashboard” và tiến hành “revoke” (thu hồi) quyền truy cập của các thiết bị đối với tài khoản Google của bạn.

Nguồn: CNN Money

 

Góc quảng cáo