Xem nhanh
Bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách tắt tính năng theo dõi từ các dịch vụ của Google sau khi hãng đã quyết định bỏ việc theo dõi ẩn danh người dùng.
Vừa qua Google đã âm thầm cho phép website theo dõi theo người dùng cụ thể. Động thái này đánh dấu việc Google đã chính thức đi theo cách Facebook hay các mạng xã hội khác đang làm.
Nếu là một người quan tâm đến sự riêng tư, điều này hẳn là một tin không vui đối với bạn. May mắn là bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn sau để loại bỏ nó.
Tắt tính năng theo dõi trên các tài khoản Google
Với chính sách quyền riêng tư mới, Google đã cho phép các quảng cáo từ dịch vụ DoubleClick thoe dõi người dùng theo tên. Techsign.in sẽ giúp bạn tắt chức năng này. Sau khi đăng nhập tài khoản Google, bạn vào địa chỉ:
https://myaccount.google.com/activitycontrols
để đến trang kiểm soát những gì Google lưu giữ về bạn.
- Ở mục đầu tiên, bạn có thể bỏ chọn dòng: “Include Chrome browsing history and activity from websites and apps that use Google services” để ngăn Chrome theo dõi các hoạt động của bạn. Bạn cũng có thể bấm vào Manage Activity để xem và xóa những gì Google đã lưu về bạn.
- Ở mục “Location History“, bạn có thể tắt đi nếu không muốn Google bí mật lưu lại những địa điểm bạn đã đi qua. Chức năng “Manage Activity” sẽ cung cấp danh sách các điểm bạn đã đến theo ngày. Bạn cũng có thể xóa lịch sử địa điểm.
- Đối với mục “Device Information“, Google cung cấp cho bạn quyền kiểm soát các thiết bị như điện thoại hay máy tính bảng. Bạn có thể tắt mục này đi nếu không muốn Google lưu trữ danh bạ, lịch làm việc và một số thông tin khác trên thiết bị của bạn. Mục Manage Activity cũng cho phép bạn xóa những gì Google biết.
- Tại phần “Voice & Audio Activity“, Google vốn sẽ lưu các đoạn âm thanh hay giọng nói của bạn khi bạn sử dụng tính năng OK, Google. Mục đích của việc này là để giúp Google nhận diện giọng nói của bạn tốt hơn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tắt đi. Chức năng Manage Activity cho phép bạn quản lý thông tin Google lưu lại theo ngày.
- Ở 2 tùy chọn cuối cùng là những tính năng có liên quan đến YouTube. Nếu không muốn Google lưu lại những gì bạn đã xem hoặc tìm kiếm trên YouTube, hãy tắt tùy chọn này. Và đương nhiên, Manage Activity cũng cho bạn cái nhìn cụ thể và trao cho bạn quyền xóa chúng đi.
Đó là tất cả những gì Google cho phép bạn kiểm soát về thông tin cá nhân. Cũng cần lưu ý: việc không đăng nhập tài khoản Google khi xem YouTube không giúp bạn nhiều. Nếu như bạn đăng nhập Google sau khi đã ngừng xem YouTube, lịch sử Youtube bạn vừa xem hay tìm kiếm vẫn được liên kết với tài khoản vừa đăng nhập.
Tắt tính năng theo dõi trên Facebook
Có thể bạn chưa biết, Google chỉ bắt đầu theo dõi người dùng theo tên cụ thể thời gian gần đây. Việc theo dõi này chỉ được mở mặc định cho người dùng mới. Người dùng cũ đều nhận được thông báo để cho phép làm việc này hay không.
Đối với Facebook, việc theo dõi này được bật mặc định cho các tài khoản của họ. May mắn thay, bạn cũng có thể kiểm soát chúng theo 4 mục đơn giản tại liên kết sau:
https://www.facebook.com/settings?tab=ads
- Tùy chọn đầu tiên cho phép bạn kiểm soát các quảng cáo cung cấp bởi Facebook. Nếu bạn tắt nó, Facebook sẽ không hiển thị các quảng cáo dựa trên lịch sử duyệt web của bạn nữa. Song Facebook vẫn lưu trữ thông tin lướt web của bạn mà họ thu thập từ thanh công cụ thích và chia sẻ.
- Ở mục tiếp theo, bạn có thể quản lý việc Facebook có chia sẻ sở thích của bạn cho những ứng dụng và website khác hay không. Nếu tắt chức năng này, các website và app không thuộc Facebook sẽ không thể sử dụng các thông tin mà Facebook biết về bạn.
- Nếu bạn từng thấy trên News Feed của mình thông tin như: “Nguyễn Văn A vừa thích trang này” và ở dưới tên của trang đó có dòng chữ “Sponsored” hay “Được tài trợ”. Mục thứ ba này sẽ cho phép bạn giới hạn những người thấy thông tin bạn vừa like trang “được tài trợ”. Nếu bạn vừa like 1 trang của thẩm mĩ viện và không muốn ai biết chuyện này thì đây chính là tùy chọn bạn cần quan tâm.
- Mục cuối cùng có liên quan tới tùy chọn thứ hai. Tại đây, Facebook cung cấp cho bạn 1 danh sách các sở thích của bạn mà Facebook đã xây dựng dựa trên những gì bạn xem, tìm kiếm, thích và chia sẻ không chỉ trên Facebook mà bất cứ trang web nào có thanh công cụ chia sẻ của Facebook. Bạn có thể xóa thông tin sở thích Facebook đã biết về bạn tại đây.
Rất tiếc là những lựa chọn trên chỉ cho bạn quyền kiểm soát quảng cáo nào xuất hiện trên Facebook của bạn hoặc trên 1 số trang web khác. Facebook không cho phép bạn trực tiếp thoát khỏi sự theo dõi của họ như Google.
Một số lựa chọn chống theo dõi khác
Một số trình duyệt hiện nay đã cung cấp tính năng lướt web ẩn danh kèm theo khả năng “chống theo dõi”. Đây là một lựa chọn hay nếu bạn cần vào một trang web nào đó mà không muốn bị Google, Facebook,… theo dõi. Tính năng này có thể bật nhanh bằng tổ hợp phím Ctrl+Shift+P trên Firefox.
Một công cụ khác có thể được xem là giải pháp tối thượng. Trang web của hiệp hội quảng cáo số (http://www.aboutads.info/choices/) sẽ cung cấp cho bạn danh sách các dịch vụ quảng cáo trực tuyến đang theo dõi sở thích của bạn.
Bạn có thể tiếp cận thông tin đầy đủ về từng dịch vụ quảng cáo sử dụng thông tin cá nhân của bạn như thế nào. Và hay hơn nữa, bạn được lựa chọn loại tên mình ra khỏi danh sách đối với một số công ty hoặc tất cả.
Đương nhiên, các quảng cáo là cần thiết để duy trì các dịch vụ miễn phí mà bạn đang sử dụng hằng ngày. Và dù bạn có lựa chọn như thế nào thì quảng cáo vẫn xuất hiện trên các dịch vụ này. Các hướng dẫn vừa rồi sẽ có ích đối với những người không thích các công ty trực tuyến biết quá nhiều về mình.
Nếu bạn cảm thấy hài lòng khi Facebook hay Google đưa ra quảng cáo phù hợp thì có thể bỏ qua bài hướng dẫn này. Nhưng hãy cẩn thận, có thể một ngày đẹp trời, Facebook hiện ra một quảng cáo nhạy cảm theo lịch sử lướt web mà bạn không muốn ai biết.