Xem nhanh
Từ một dự án tốt đẹp, các hacker đang thụ án đã tận dụng các máy tính trong nhà tù để hack khắp nơi, thậm chí lập ra một chợ đen.
Bên dưới đây là một câu chuyện có thật, xảy ra trong một nhà tù ở bang Ohio, Mỹ. Trong đó nhân vật chính đều là những tù nhân đang thụ án từ vài chục năm tới chung thân. Họ làm việc trong một dự án tái chế rác thải làm xanh hóa nhà tù, dần dần tìm ra những kẻ hở, vận dụng những kỹ năng công nghệ thông tin – chủ yếu là tự học – để xâm nhập vào hệ thống mạng của nhà tù, tự cấp quyền đi khắp mọi nơi, tạo ra cả một chợ đen kinh doanh phim khiêu dâm, game trong nhà tù, đồng thời còn dùng máy tính “tự chế” để xâm nhập, đánh cắp tiền ở những ngân hàng, tổ chức bên ngoài. Tất cả đều bắt đầu từ một dự án tái chế rác thải tốt lành…
Khởi nguồn cho một câu chuyện khó tin
Mùa hè năm 2015, Stan Transkiy bị kết án từ 16 năm tới chung thân cho tội giết người. Khi thụ án tại nhà tù Marion nằm tại miền quê hẻo lánh bang Ohio, Transkiy đã nảy ra sáng kiến chạy một chương trình tái chế phân loại rác. Từ đó, người ta gọi Transkiy là “The Garbage Man” – một người đàn ông được mô tả là hói, để râu, đôi khi làm việc liên tục 14 tiếng. Transkiy ước tính bản thân đã phân loại hàng chục ngàn ký rác thải trong nhiều năm. Người ta đánh giá Transkiy đã làm tốt công việc của mình, bất kể là đôi khi giải quyết vấn đề hơi cảm tính.
Các thanh tra liên bang thậm chí còn khen ngợi nhà tù Marion vì “có tư duy sáng tạo” và “thân thiện với môi trường”. Transkiy đã giúp nhà tù Marion được cải thiện hơn so với những nơi khác mà ông từng thụ án.
Bên cạnh chương trình tái chế, nhà tù này còn có những chương trình giáo dục, thể thao, tin tức và cả làm vườn. Tuy nhiên, những ngày tháng đáng tự hào nhanh chóng chấm dứt vào một ngày tháng 8, khi Transkiy nghe tiếng loa gọi từng người trong nhóm tái chế của ông lên điều tra, trong số đó bao gồm cả Randy Canterbury, một nhân viên tổ chức phi lợi nhuận mang tên RET3 nằm ngoài nhà tù. Rõ ràng đang có một cuộc điều tra về những sai phạm trong chương trình tái chế.
Và không lâu sau đó, chính Transkiy cũng bị kêu lên thẩm vấn. Ông được đưa vào một căn phòng, đối diện với điều tra viên liên bang để hỏi về những câu như “Có biết mật khẩu máy tính của Canterbury không? Có hiểu tường lửa là gì không? Canterbury có máy polygraph không?” Sau đó, các nhân viên đưa Transkiy tới một nhà giam tách biệt gọi là O Block, 9 ngày sau ông tiếp tục bị kêu lên thẩm vấn thêm lần nữa bởi một điều tra viên khác.
Transkiy bị tra hỏi về một vụ chuyển đồ trái phép vào tù với quy mô lớn. Ai đó thậm chí còn giấu cả những chiếc máy tính tân trang tại trần nhà giam và bằng cách nào đó, họ đã đăng nhập được vào mạng của nhà tù, có được quyền truy cập vào các hoạt động nội bộ tại đây, bao gồm cơ sở dữ liệu về các tù nhân và công cụ cấp quyền để đi vào những khu vực cấm.
Những chiếc máy tính này còn có được cả quyền truy cập vào thế giới bên ngoài và ai đó còn dùng nó để sử dụng thẻ tín dụng bằng thông tin nhận dạng đánh cắp từ những tù nhân. Kế hoạch này được thực hiện không chỉ trong nhà tù mà lan ra cả cộng đồng phi lợi nhuận và ngân hàng bên ngoài,… tất cả đều được thực hiện mà quản lý không hề biết.
Khi các điều tra viên bày ra hết các manh mối tìm được, Transkiy một mực khẳng định rằng ông không thể tin được điều này. Transkiy lắp bắp: “Điều đó… điều đó… điều đó nhảm nhí thật. Đây là thứ… thứ… thứ… thứ không có thật.”
Khi toàn bộ vụ việc được điều tra và công bố hồi tháng 4 năm nay, các điều tra viên cho rằng một trong những nguyên nhân là do năng lực quản lý yếu kém của những nhân viên nhà tù. Đồng thời, từ những cuộc phỏng vấn với các tù nhân, điều tra viên, các nhân viên cũng như các văn bản trong số hàng ngàn trang hồ sơ vụ án, dù chỉ là một phần của sự thật nhưng cũng đủ để nói lên rằng, quá trình phạm tội diễn ra một cách phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết đáng kể về mặt kỹ thuật mới thực hiện được.
Chung quy lại, đó là cả một câu chuyện về việc một nhà tù với đầy đủ công nghệ tiên tiến, bảo mật vô tình lại là cơ hội cho các tù nhân học tập và “nghịch phá”. Thậm chí, chính các điều tra viên đã phải thừa nhận rằng: “Những tù nhân thông minh hơn đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi.”
Mọi thứ dần sáng tỏ
Trong chương trình tái chế rác thải trong nhà tù, Transkiy đã làm việc cùng với 2 đồng nghiệp tài năng là Scott Spriggs và Adam Johnston, vốn đã là những người bạn thân từ khi còn ở nhà tù tại Lebanon. Spriggs và Johnston là bạn thân với nhau, bởi đều bị bắt giam từ năm 18 tuổi vào đầu những năm 2000 do tội giết người. Với tội danh này, họ sẽ ngồi tù từ ít nhất là vài chục năm cho tới chung thân. Spriggs cho biết cả 2 người đều rất thích máy tính.
Transkiy dùng từ “Zen” để diễn tả Johnson như một người rất tĩnh tâm, khó bị làm phiền bởi những thứ khác. Johnson có vóc dáng cơ bản, tóc đen, bị kết án do giết người liên quan tới ma túy, thích đọc sách và sở thích cá nhân lệch lạc do gen.
Trong những bức thư trao đổi với một người bạn online, Johnson cho biết hắn thích đọc sách khoa học viễn tưởng và giả tưởng, đặc biệt là thích Games of Thrones. Chưa hết, Johnson còn có quãng thời gian 20 năm chơi guitar, lại thích thiên văn học và triết học.
Johnson vẫn còn liên lạc với mẹ là Karen Gallienne khi ngồi tù. Gallienne sống cách nhà tù 2 tiếng lái xe tại miền quê yên tĩnh Dayton và thường xuyên đi thăm nuôi con mình. Vào năm 2015, Johnson bị kết án 15 năm nhưng vẫn thường xuyên gọi về nhà, hắn hay gọi mẹ một cách trìu mến là “woman”.
Lại nói tới Johnson và Spriggs, cả hai đều đã có kinh nghiệm về kỹ thuật máy tính khi cùng nhau học ở Lebanon. Spriggs khi đó được học một khóa C và C++, đồng thời còn học cách tạo cơ sở dữ liệu và sau đó còn làm nhập liệu cho một khách hàng của nhà tù là AFL-CIO. Với những kỹ năng khác do Spriggs tự mày mò học hỏi, hắn đã tự viết một chương trình để dọn dẹp các file âm thanh bị hư và sau đó còn làm cả một hệ thống tìm kiếm bằng hình ảnh cho văn phòng cảnh sát Georgia.
Các thành viên của nhóm sáng kiến tái chế tại nhà tù Marion, Stan Transkiy (thứ hai từ trái qua) và Adam Johnston (ngoài cùng bên phải)
Spriggs cho biết Johnston đã học Visual Basic – một thứ dễ bắt đầu, và sau đó cả 2 cùng nhau hoàn thiện những kỹ năng máy tính của họ. Spriggs sau đó đã trở thành quản trị máy chủ và mạng thông qua một chương trình của nhà tù, đồng thời còn ráp máy tính mới cho bộ phận IT và đây chính là cơ hội để hắn có thể bí mật giấu phần cứng để phục vụ mục đích khác.
Nguồn tin từ một tù nhân khác cho biết hai người này còn có cả một mảng kinh doanh khác là lén ghi đĩa game hoặc phim khiêu dâm để bán (Spriggs phủ nhận thông tin này, còn Johnsons thì không hồi đáp). Khi không làm việc có liên quan tới máy tính thì hai người này thường cùng nấu ăn và tập gym với nhau. Spriggs cho biết: “cả 2 chúng tôi đều tìm cách học mọi thứ có thể để sau này được về nhà thì sẽ rất có ích.”
Về phía các nhà chức trách, họ vẫn chưa thật sự hiểu rõ về khả năng tiếp cận công nghệ của các tù nhân, tuy nhiên các nhà tù vẫn đang thử nghiệm đưa chương trình giảng dạy về máy tính vào và tất nhiên là giới hạn việc truy cập internet. Nhưng với sự phát triển của công nghệ trong những năm gần đây thì quy định có phần thoáng hơn, các nhà quản lý trại giam nhận thấy rằng máy tính chính là một công cụ quan trọng trong giáo dục, và nó ngày càng trở nên cần thiết cho các tù nhân, giúp họ có thêm hy vọng quay trở lại xã hội một cách đàng hoàng hơn. Dù vậy, các mối quan ngại về an ninh vẫn còn tồn tại.
Tuy nhiên, với vỏ bọc là một chương trình xanh hóa nhà tù từ việc tái chế rác thải, bộ ba nhân vật chính của chúng ta lại có công trong việc đánh bóng tên tuổi nhà tù Marion. Lúc bấy giờ, Transkiy đảm nhận việc tái chế, Johnston làm thủ quỹ còn Spriggs thì làm IT.
Thậm chí một cựu nhân viên xã hội, cai ngục còn ca ngợi việc làm của nhóm này trên chương trình TEDx, nói họ đã đến Marion để làm nó hiện đại hơn: “Những người quản lý không đồng ý, anh ấy lý luận, họ có thể đã bắn anh ấy. Tuy nhiên cuối cùng nhà tù đã hoàn thành 509.000 giờ dịch vụ cộng đồng trong một năm.”
Trong quá trình hoạt động, nhà tù Marion có hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận bên ngoài, bao gồm cả RET3 để dùng các tù nhân tháo dỡ máy tính cũ, sắp xếp lại và gởi trả. Các tù nhân trong chương trình này được huấn luyện để tìm ra các linh kiện máy tính còn tốt, có thể tận dụng để tái sử dụng tại nhà tù.
Và mọi chuyện bắt đầu phức tạp thêm từ đây, khi nó tạo cơ hội cho những linh kiện bị đánh cắp cho mục đích xấu. Spriggs và Transkiy kể lại rằng những chiếc thẻ SD có chứa nội dung khiêu dâm bằng cách nào đó đã được thu lấy, lén trao đổi với nhau trong tù để xem trên các máy Nintendo Wii. Những tù nhân nào có USB cũng có thể dùng để đi thuê chép phim khiêu dâm hoặc phim mới ra để về xem.
Kỳ thực, sự tồn tại của cả một nền kinh tế kín bên trong nhà tù không phải là hiếm, nhưng tại Marion thì “chợ đen” này đặc biệt và sôi động hơn hẳn. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, các điều tra viên đã sớm phát hiện ra những chiếc máy tính giấu trên trần nhà do kích thước của chúng lớn hơn nhiều so với USB, đĩa CD hoặc thẻ nhớ.
Thị trường chợ đen sôi động của Marion vẫn hoạt động êm xuôi cho tới ngày 3/7/2015, khi hệ thống an ninh mạng vừa cài đặt gởi một thông báo cho nhóm hỗ trợ rằng có một máy tính đã đăng nhập bằng tài khoản “canterburyrl” quá số lần quy định. Đây là tên đăng nhập của Randy Canterbury, một nhân viên tại RET3.
Vài ngày sau, tình trạng này lại trở nên nghiêm trọng hơn, các nhân viên IT nhận được 7 cảnh báo hack tài khoản canterburyrl và 59 cảnh báo có sự xuất hiện của proxy. Tiến hành điều tra, các nhân viên nhận thấy có người dùng nào đó đã dành ra hàng giờ đồng hồ để lướt qua những trang web nguy hiểm, thí dụ như các trang chia sẻ tập tinh và tất cả đều cố tránh bị phát hiện bằng cách dùng proxy.
Đội IT vẫn không xác định được vị trí chính xác của các người dùng này. Canterbury thì từ chối bình luận vào câu chuyện này, nhưng rõ ràng ông không đi làm vào ngày đầu tiên có cảnh báo. Cảm thấy có điều không ổn, vượt quá tầm kiểm soát của cả đội ngũ IT địa phương, họ đã nhờ tới sự giúp đỡ từ xa của đội IT cấp liên bang. Cuối cùng, họ phát hiện ra một chiếc máy tính mà trong tên gọi có các ký tự “lab9”.
Có được thông tin này, nhân viên IT tại nhà tù Marion là Gene Brady đã biết phải làm gì. Ông cho biết: “Chỉ có một nơi ở chỗ tôi làm việc mà máy tính được đặt tên theo kiểu đó. Nó chính là phòng máy tính của nhân viên trên tầng 3. Nhưng ở đó chỉ có 6 máy tính, không phải là 9 như cách đặt tên của chiếc máy bí ẩn đó.” Lầu 3 hay P3 là một khu vực khá nổi tiếng tại nhà tù Marion, đôi khi còn được gọi là “tháp ngà voi”, có thể do đây là nơi khá biệt lập và được dùng để đào tạo.
Dù đã có được manh mối trong tay nhưng Brady vẫn không truy ra được chính xác vị trí của máy tính phạm tội. Cuối cùng, nhóm IT liên bang chọn cách tiếp cận là xác định cổng và switch cắm vào máy tính. Để tìm ra được máy tính vi phạm, Brady đã phải thực hiện một công việc đơn giản là: lần theo dây dẫn.
Một tù nhân được gọi để giúp nhóm điều tra cho biết: “Chúng tôi đã kéo cáp và bắt đầu lần theo từng sợi cáp trên trần nhà. Trung tâm mạng là nơi chằng chịt dây dẫn, đủ màu xanh, cam, xanh lá, và tổ chức không theo bất cứ quy luật nào.” Kết quả cũng dần lộ diện, Brady đã lần ra được một sợi dây dẫn tới trần của một phòng thay đồ trong khu tập luyện. Tới nơi, ông bắt thang và lật một mảnh trần ra. Bên trong, đập vào mắt ông đầu tiên là một chiếc thùng máy Dell, sau đó là nhiều thứ khác.
Ngay lập tức, Brady báo động tới các nhân viên khác và một viên sĩ quan đã chui vào không gian chật hẹp đó, chụp ảnh lại những bằng chứng vừa phát hiện. Tiếp theo, một vài tù nhân được yêu cầu leo lên khuâng máy cùng các thiết bị xuống và đưa đi. Tuy nhiên. Brady sau này nói ông không ngờ rằng hành động này lại làm cho quá trình điều tra bị gián đoạn.
Những ngày sau đó, các nhân viên cứ liên tục điều tra từ những bằng chứng tìm được. Một nhân viên IT đã phát hiện ra những miếng decal dán trên chiếc thùng máy tính. Một cái là của trường học địa phương, một cái khác là từ một công ty cũng đang hoạt động tại đây.
Tới ngày 17/8 thì Stephen Gray, cố vấn trưởng của nhà tù mới được báo cáo phát hiện này. Gray đã viết một báo cáo gởi lên cơ quan điều tra liên bang và khi đọc nó, Randall J. Meyer, giám đốc cơ quan điều tra đã phải thốt lên: “Đùa hả?”
Trong quá trình làm việc, Meyer không còn xa lạ gì với nhà tù Marion. Hồi năm 2014, nhà tù này xảy ra một vụ gian lận tài chính khá kỳ lạ và có ai đó đã đánh cắp danh tính của các tù nhân.
Lúc này, một nhóm pháp chứng đã được điều tới để nghiên cứu phần cứng tại nhà tù. Qua điều tra, họ xác định rằng đây là một vụ lớn với mạng lưới xâm nhập rộng, phức tạp. Những ngày sau đó, các điều tra viên còn phát hiện ra hàng trăm ổ cứng tại nhà tù Marion. Và cho tới thời điểm này, các điều tra viên khác đã dành ra vài tuần để thẩm vấn bất kỳ người nào tại nhà tù có thể liên quan tới những chiếc máy tính. Họ tra hỏi về nguồn gốc của nó và tìm hiểu xem ai đã giấu chúng trên trần nhà.
Dù vậy, quá trình điều tra đã có một kẽ hở khi đã để cho Transkiy và Johnston cùng ở chung một căn phòng giam, tạo điều kiện cho họ thông cung với nhau. Bởi thế, ngay cả khi chuyển các tù nhân sang nhà giam mới thì câu trả lời của họ vẫn có thể được phối hợp với nhau. Có lúc, các điều tra viên phải khóa một số khu vực trong nhà tù nếu tình nghi có bằng chứng, đồng thời yêu cầu các quản giáo không được vào. Và một nhân viên nhà tù đã bước vào đó bằng mọi giá, quản giáo thì bảo là họ cần một vài tài liệu.
Một trong những chiếc máy tính lậu được phát hiện trên trần nhà
Và nhóm pháp chứng đã phát hiện ra một bằng chứng quan trọng nhất: Những chiếc máy tính trên trần nhà có chứa mọi thứ mà một hacker đầy tham vọng có thể cần, bao gồm cả công cụ mã hóa, trình duyệt Tor, các công cụ gởi mail và bẻ mật khẩu. Quan trọng hơn hết, trong đó có cả một phần mềm nhắn tin từ máy tính tới tin nhắn điện thoại.
Từ các tin nhắn này, nhóm điều tra đã đọc được những cuộc nói chuyện giữa Adam Johnston và Karen Gallienne. (bạn còn nhớ 2 mẹ con này không nhỉ?) Trong một tin nhắn, Gallienne đã gởi cho Johnston một địa chỉ, sau đó Johnston nói rằng “có vẻ gần nhà mẹ đấy.” Đồng thời, nhóm pháp chứng còn phát hiện ra những ứng dụng có chưa thông tin thẻ tín dụng ngân hàng dưới tên gọi Kyle Patrick, một tù nhân có tên trong danh sách của bang Ohio.
Từ đây, nhóm điều tra chuyển hướng sang bản ghi âm những cuộc gọi từ Johnston tới Gallienne. Kết hợp kết quả điều tra này tới những nội dung của máy tính, họ đã vẽ nên một bức tranh của vụ án. Trong một cuộc điện thoại, Gallienne nói rằng bà đã nhận được một lá thư từ chối thẻ tín dụng từ Chase do người nộp đơn không có lịch sử tín dụng.
Khi đó, Johnston đáp lại rằng: “Được rồi, con biết rồi. Con đang tìm cách. Chậm mà chắc.” Sau đó, một chiếc thẻ dưới tên gọi Kyle Patrick đã xuất hiện và Gallienne đã đọc lại những con số cho con của bà.
Đưa thủ phạm ra ánh sáng
Vào một ngày mát trời của tháng 11, bốn tháng kể từ khi phát hiện ra những chiếc máy tính, nhóm điều tra đã tìm tới nhà Gallienne. Các nhân viên tuần tra đường cao tốc liên bang đã lục soát căn nhà, tịch thu các món đồ điện tử và phát hiện ra một thẻ tín dụng đứng tên Kyle Patrick.
Sau đó, họ ngồi xuống nói chuyện với Gallienne và em trai của Johnston là Jason. Một viên cảnh sát bắt đầu dẫn dắt các câu hỏi nhưng chưa vội nói nhiều về Johnston. Viên cảnh sát này nói với Gallienne rằng: “Rõ ràng, qua quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện rằng các người đã tham gia, giúp đỡ quá trình phạm tội trộm cắp của anh ta. Các người có nhận ra điều đó không?”
Tất nhiên là người mẹ đã phủ nhận, nói Johnston chỉ gởi có một chiếc thẻ tín dụng để “cố giúp” cho người mẹ. Đồng thời theo bà thì hắn đã “bán những món đồ tại đó vì hắn có các thiết bị, đàn guitars,… vậy thôi.” Theo bà thì thẻ này chỉ là một cách mà Johnston gởi số tiền bán đồ về cho bà. Viên cảnh sát đáp lại rằng “nghe có vẻ tốt đẹp nhỉ. Vậy còn tên Kyle Patrick trên chiếc thẻ thì sao? Tại sao anh ấy lại không lấy tên bà?”
“Vì nó nói lấy tên tôi sẽ có chuyện xấu.”
“Tại sao lại vậy?”
Gallienne ngập ngừng một chút. Bà giải thích Johnston không nói chi tiết, chỉ thừa nhận rằng đã cho hắn tên và địa chỉ của một người hàng xóm (không hề tham gia gì trong vụ án này, chỉ là nơi nhận thư) Khi chiếc thẻ về tới nơi, bà đã lấy nó thông qua người hàng xóm.
Bà kể rằng Johnston đã bảo “đừng lo về nó”. Và bà khai tiếp rằng: “Đó là tất cả những gì nó nói. Tôi phải làm gì khi nó nhắn cho tôi? Chỉ nói là dừng nhắn mẹ nữa hả? Ý tôi là, đó vẫn là con trai tôi.”
Các điều tra viên đẩy mạnh nhịp độ, họ hỏi: “Điều tồi tệ nhất đã đưa bà vào rắc rối là gì?”
Gallienne đáp lại: “Không có gì cả. Tôi chưa bao giờ vướng vào rắc rối.”
“Không có vé phạt quá tốc độ?”
“Không từ khi tôi 16 tuổi.”
“Bà có biết cái gì là đánh cắp danh tính và gian lận?”
“Có, tôi biết”
“Đặc biệt là khi nó có liên quan tới các tổ chức tài chính?”
“Có tôi biết chứ. Tôi chắc là nó sẽ tệ lắm.”
“Và nó tệ cỡ nào. Bà có nghĩ nó tới mức tội phạm không?”
“Có lẽ.”
“OK. Anh ấy đã làm điều đó với bà đó.”
“Tôi biết.”
“Bà có nghĩ bà có thể phải ngồi tù 18 tháng?”
“Tôi hả, không đâu.”
“Bà bao nhiêu tuổi rồi?”
“54”
Vị cảnh sát đáp, “Kỳ thực bà khó lòng mà ngồi tù 18 tháng ở tuổi 54. Bà không nghĩ vậy sao?”
Sau khi làm việc với người mẹ xong, các điều tra viên bắt đầu chuyển sang phỏng vấn Johnston, vốn bấy giờ đã được chuyển sang Trung tâm giáo dưỡng Grafton – cũng thuộc hệ thống nhà tù bang Ohio. Tuy nhiên, hắn nói chuyện một cách miễn cưỡng và trước khi khai báo, hắn yêu cầu phải “có sự bảo đảm” cho mẹ hắn. Tất nhiên các điều tra viên nói họ không thể làm thế được, hắn hỏi tiếp rằng vậy tại sao hắn phải hợp tác.
Điều tra viên dùng chiến thuật, nói Johnston đã phản bội lòng tin của mẹ hắn: “Bà ấy không tin điều đó. Bà ấy cứ luôn miệng nói ‘Nó không bao giờ đưa tôi vào con đường nguy hiểm.’ Tôi thì bảo rằng ‘Hãy ngồi xuống đây Karen. Nghe nè, đáng tiếc là anh ấy đã làm điều đó. Anh ấy không quan tâm đủ tới việc đưa bà vào con đường nguy hiểm.
Còn em của anh, người mà anh lúc nào cũng chửi qua điện thoại, thứ mà anh chỉ coi là đồ rác rưởi, thì vẫn đang ngồi bất động đấy, nhưng ít nhất là có đủ ý thức để không đưa mẹ anh vào những thứ nguy hiểm.”
Có mặt tại buổi thẩm vấn, một nhân viên IT liên bang còn nói thêm rằng, rõ ràng Johnston đang đưa Gallienne tới cái đích tội phạm: “Nó giống như rán cá vậy ah. Nếu anh ăn nhiều quá rồi thì anh sẽ không ăn những con cá khác được nữa.” Cuối cùng thì Johnston cũng chịu nhượng bộ và khai nhận, tuy nhiên lời thú tội vẫn chưa hoàn chỉnh.
Các điều tra viên hỏi tiếp rằng liệu hắn ta phạm tội một mình hay có đồng bọn nào khác nữa không, hắn hỏi lại rằng có thông tin, lời khai hoặc chứng cứ gì của những nghi phạm khác hay không. Giấu đầu nhưng lòi đuôi từ đây. Và tất nhiên, các điều tra viên trả lời không, chỉ nói rằng mới tìm được chứng cứ và thông tin từ những chiếc máy tính trên trần nhà.
Từ lời khai của Johnston, người ta nhận thấy những âm mưu tinh ranh trong quá trình phạm tội của nhóm. Spriggs đã ráp một số máy tính từ những linh kiện của RET3 với danh nghĩa là xài trong nhà tù, nhưng sau đó lại chuyển sang cho Johnston.
Khi Canterbury rời khỏi khu vực P3 mà không bị giám sát, Johnston đã đưa những chiếc máy tính này vào, mang chúng trên trần nhà, kết nối mạng và truy cập từ xa. Johnston khai đã lén nhìn mật khẩu của Canterbury khi ông này đăng nhập vào làm việc. Tất nhiên việc lấy mật khẩu bằng cách nhìn lén này phải được làm từ từ, mỗi lần một ít ký tự.
Sau khi đã có được quyền truy cập, lại có sẵn máy tính để điều khiển từ xa, Johnston có thể truy cập vào mạng nội bộ của nhân viên nhà tù từ văn phòng gần đó, vốn đã được cấp quyền cho hắn ra vào làm việc. Johnston khai đã đánh cắp thông tin cá nhân của một tù nhân khác từ hệ thống nội bộ gọi là DOTS. Tất nhiên, các thông tin này đã được mã hóa để giấu đi, nhưng đối với Johnston, đơn giản là chỉ cần code trên trang đó là được.
Sơ đồ các khu vực của nhà tù Marion
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào Johnston chuyển máy tính từ RET3 tới khu P3?
“Bằng một chiếc xe đẩy”. Hắn khai với các điều tra viên.
Một trong những xảo thuật của Johnston chủ yếu dựa vào chiếc xe đẩy vệ sinh có thể đi nhiều nơi, từ khu vực tái chế tới các khu vực khác. Để tới được P3, hắn phải đi qua một “crash gate” – cánh cổng có máy dò kim loại. Johnston khai rằng hắn đã nhét những phụ kiện máy tính vào trong hộp lẫn với các sản phẩm vệ sinh và “trông cũng khá hợp lệ” nên đã được khoát tay cho qua. Johnston nói Transkiy hoàn toàn không nhận ra điều này.
Vậy còn Spriggs thì có liên quan gì tới vụ án này?
Spriggs phủ nhận sự liên quan tới vụ này. Tuy nhiên, trong báo cáo cuối cùng của cơ quan điều tra thì Spriggs là một đồng lõa, còn khi được phỏng vấn thì Spriggs lại bảo rằng chỉ liên quan tới việc ráp máy tính, còn để sử dụng làm gì thì không biết được.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là một phần trong kế hoạch. Johnston còn khai rằng đã dùng các phần mềm phục hồi mật khẩu để đánh cắp quyền truy cập vào mạng nội bộ, sau đó thậm chí còn tự in các tấm thẻ ra vào khu vực cấm, cho phép hắn được đi khắp mọi nơi trong nhà tù. Tuy nhiên, Johnston khai chỉ dùng nó để đẩy nhanh quá trình hợp thức hóa công việc.
Sau này, khi điều tra sâu hơn về các ổ cứng, USB và thẻ nhớ thu được, một trong số đó có chứa phim khiêu dâm và đang được giữ bởi một tù nhân khác, Johnston khai do chính hắn đã tải về. Johnston cho biết nếu chưa bị bắt thì hắn còn có kế hoạch làm giả cả những tờ khai thuế để kiếm tiền. Tuy nhiên, hắn thừa nhận do không có kiến thức chuyên môn nên không thực hiện được mưu đồ.
Một trong số các điều tra viên đã nói với Johnston rằng: “Ông thật sự thông minh. Ông thông minh. Tôi biết ông rất thông minh.”
Và Johnston đáp rằng: “Nếu tôi thông minh thì đã không phải ngồi đây nói chuyện với các ông rồi.”
Kết thúc vụ án
Tới tháng 8 vừa rồi, mấy anh bên Theverge đã đến văn phòng của tổng thanh tra Meyer. Kéo mấy anh bên Theverge ra sát cửa sổ, Meyer bảo rằng công việc của ông về cơ bản là sự giám sát của Chính phủ theo đúng nghĩa đen: “Tôi vẫn còn ngạc nhiên. Đây là một vụ rất đặc biệt” Meyer đặt câu hỏi rằng liệu các tù nhân chung thân có nên được truyền tiếp cận tới các chương trình tái hòa nhập cộng đồng hay không. Nếu họ không có đóng góp gì cho nền kinh tế bên ngoài thì phải làm sao?
Vụ việc của Johnston không chỉ có liên quan tới nhóm 3 người mà còn ảnh hưởng tới rất nhiều nhân viên, quản lý và cả uy tín của khu vực. Ngay cả trước khi báo cáo đầu tiên của các điều tra viên được tiết lộ thì nhiều nhân viên có tham gia đã nghỉ hưu hoặc xin từ chức. Có quản giáo đã rời khỏi nhà tù để chuyển sang một chương trình dành cho người khuyết tật.
Canterbury giờ đây đã chuyển sang một chương trình tái chế cấp hạt tại Ohio. Về phía các bị cáo có liên quan trực tiếp thì sau báo cáo, rất có thể Johnston và có lẽ là Gallienne cũng sẽ đứng trước nguy cơ phạm tội hình sự. Tuy nhiên, Meyer cho rằng có thể đánh giá tùy trường hợp những người liên quan mà có mức hình phạt phù hợp, thí dụ như đối với người quản giáo thì có thể đánh giá dựa trên mức độ xao nhãng công việc.
Còn Johnston, Spriggs và Transkiy thì đã được chuyển tới các nhà tù khác. Đối với Transkiy, việc phải rời khỏi chương trình tái chế của ông tại Marion là mất mát không hề nhỏ. Transkiy khi xưa bị kết tội do giết chết chủ công ty máy tính mà ông đang làm việc, và đây cũng là một trong những vụ án đặc biệt tại thời điểm đó. Tuy nhiên, sau khi ngồi tù 10 năm thì mức độ nguy hiểm của Transkiy được hạ xuống và được đưa tới Marion. Transkiy viết: “Khi tôi tới MCI, rất ít công việc có ý nghĩa dành cho những người nhiều thời gian.” Bởi thế khi tới, Transkiy đã dành ra 6 tháng để thăm dò khắp nhà tù để khởi động chương trình tái chế – điều mà sau đó làm ông cực kỳ tự hào.
Transkiy nói ông không biết gì về những chiếc máy tính trên trần nhà, mặc dù trước đó ông cũng nghi ngờ thứ gì đó đang diễn ra. Tuy nhiên, theo các nhà điều tra thì Transkiy đã từng sử dụng máy tính của Canterbury và rõ ràng là đã phạm quy. Tuy nhiên theo Transkiy thì ông dùng rất ít và khi đó đều có sự giám sát.
Trước khi chương trình tại Marion khởi động, hệ thống của nhà tù không hề có thứ gì giống như vậy, Transkiy khẳng định: “Trước đó, không hề có quy định hoặc quá trình để điều chỉnh tất cả những nhu cầu của chúng tôi, cũng như chỉ ra toàn bộ những vấn đề, các mối quan tâm. Những gì mà tôi muốn nói chính là chương trình Nhà tù xanh MCI của tôi chỉ đơn giản là phát triển quá nhanh, nảy sinh ra nhiều vấn đề mà hệ thống an ninh cũng chưa thể đáp ứng.”
Và đây có lẽ chỉ là một kết cục đáng buồn đối với một trong những sáng kiến mang tính tiên phong, cho thấy cần phải có sự đồng bộ trong quá trình phát triển không chỉ của nhà tù mà nhiều lĩnh vực khác. Trên thực tế, sau này Johnsons cũng viết thư xin lỗi Transkiy, nói rằng: “Tôi xin lỗi, một ngày nào đó tôi sẽ bù đắp cho anh.” Và dù sao đi nữa thì đối với Transkiy, chương trình tại nhà tù Marion vẫn là niềm tự hào của ông.