Thông báo này được đưa ra vài tuần sau khi Grab công bố kế hoạch trị giá 2 tỷ ở Indonesia. Đây là một phần trong mục tiêu phát triển của công ty dịch vụ gọi xe này tại thị trường Việt Nam – một trong những quốc gia đang phát triển nhanh nhất châu Á.
Grab là công ty start-up với mức vốn huy động hàng tỷ USD, đang định hướng từ nhà khai thác ứng dụng gọi xe trở thành nhà cung cấp đa dịch vụ như thanh toán, giao đồ ăn, hậu cần và đặt phòng khách sạn ở Đông Nam Á. Ứng dụng Grab được cài đặt trên hơn 160 triệu thiết bị di động tại 8 nước. Đại diện công ty cho biết 2 tỷ USD đầu tư vào Indonesia nhằm xây dựng một mạng lưới giao thông thế hệ tiếp theo và thay đổi cách cung cấp những dịch vụ quan trọng, trong đó có chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể của khoản đầu tư vào Việt Nam chưa được công bố.
“Chúng tôi rất hào hứng với thị trường Việt Nam. Ở đây có những đặc điểm rất giống với Indonesia. Nhiều khách hàng trung lưu và trẻ tuổi ở nước này đang dùng ứng dụng và web để truy cập dịch vụ. Tôi mong muốn được đầu tư thêm vài trăm triệu USD nữa để phát triển kinh doanh tại thị trường này”, Ming Maa – Chủ tịch của Grab trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
Việt Nam xếp thứ ba hoặc thứ tư trong số những thị trường hàng đầu của Grab. Năm 2018, Grab hợp tác với công ty công nghệ tài chính Moca Việt Nam cho ra mắt dịch vụ ví tiền điện tử. Cũng trong năm ngoái, hãng đã thành lập liên doanh với Credit Saison – công ty thẻ tín dụng Nhật Bản để cung cấp các khoản vay, phân tích tín dụng cho người tiêu dùng và doanh nhân nhỏ trên khắp Đông Nam Á.
Theo công ty phân tích dữ liệu App Annie, Grab đang là ứng dụng gọi xe được tải nhiều nhất từ tháng 1 đến tháng 7 ở thị trường Việt Nam, theo sau đó là Go-Jek của Indonesia và Be của Việt Nam.
Singapore là thị trường lớn thứ hai của Grab với hơn 4,5 triệu tài xế. Công ty đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu lên 2 tỷ USD trong năm nay. Maa cho biết tổng khối lượng hàng hoá tổng hợp (GMV) trong dịch vụ phân phối thực phẩm đã tăng 300% trong nửa đầu 2019. GrabFood là dịch vụ mà Grab đang tập trung mở rộng, hiện chiếm 20% tổng số GMV của công ty.
Phần nổi của tảng băng chìm
Sau khi tung ra một loạt các dịch vụ phổ biến hàng ngày với nhiều mức giá khác nhau, Maa tự tin rằng Grab sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay. Grab đang là công ty start-up lớn nhất Đông Nam Á với mức định giá ước tính khoảng 14 tỷ USD. Hiện tại, công ty đang cược vào hoạt động thanh toán của chính mình để thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ tài chính.
Maa cho biết việc phát triển ví điện tử lớn nhất trên toàn khu vực đã mang đến cho Grab cái nhìn rõ nét về dữ liệu khách hàng và tài xế trong mạng lưới của mình. Công ty đang sử dụng những hiểu biết đó tạo ra các sản phẩm tài chính cụ thể như bảo hiểm, tín dụng và các dịch vụ quản lý tài sản.
Sự quan tâm của Grab tới tương lai của lĩnh vực tài chính số cho thấy các công ty phi ngân hàng ở châu Á đang dần hình thành và sắp tới sẽ trở thành đối thủ tiềm năng của ngân hàng truyền thống. Những doanh nghiệp này có lợi thế hơn ở lượng cơ sở dữ liệu công nghệ và khách hàng tiềm năng sẵn có, từ đó có thể triển khai các dịch vụ ngân hàng cho khách bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ.
Theo nghiên cứu chung của Google và Temasek Holdings, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á dự kiến sẽ vượt 240 tỷ USD vào năm 2025, nhiều hơn 20% so với ước tính trước – vì ngày càng có nhiều người dùng sử dụng điện thoại để truy cập mạng.
Theo Reuters
Cập nhật: hôm nay 28/8, Grab Holdings Inc. (Grab) đã công bố sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics với mục tiêu tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, tạo ra hàng triệu cơ hội tăng thêm thu nhập và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.
Grab cũng sẽ ưu tiên triển khai các lĩnh vực phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư nhằm ủng hộ tiến trình thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường của Chính phủ tới năm 2020 và sau đó.
Theo Grab, Khoản đầu tư 500 triệu USD sẽ được sử dụng để triển khai các dịch vụ mới tại Việt Nam và mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các giải pháp mới về công nghệ di động, công nghệ tài chính và logistics. Khoản đầu tư này một lần nữa thể hiện cam kết lâu dài của Grab trong việc mang đến những lợi ích kinh tế và xã hội lớn hơn cho Việt Nam thông qua ứng dụng công nghệ.
Grab cũng công bố lộ trình triển khai sứ mệnh Công nghệ vì cộng đồng (Tech For Good), với các mục tiêu phù hợp với những ưu tiên chính sách của “Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020” của Chính phủ. Ba lĩnh vực chính sẽ được chú trọng là:
- Góp phần giảm nghèo cho các cộng đồng dân cư: Grab đặt mục tiêu mở rộng các lợi ích to lớn của nền kinh tế số tới khắp 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và giúp hàng triệu người Việt Nam có thêm thu nhập khi các đối tác tài xế, đối tác giao nhận và đối tác kinh doanh có thể trở thành những doanh nghiệp siêu nhỏ hợp tác trên nền tảng Grab. Grab cũng đặt mục tiêu hợp tác với các tổ chức tài chính để cung cấp dịch vụ tài chính cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giúp họ tiếp cận với các sản phẩm tín dụng và bảo hiểm để phát triển và đảm bảo sinh kế của mình. Các hoạt động này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người hiện đang không có việc làm, nghèo và cận nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, đồng thời tạo cơ hội cho họ có được mức thu nhập cao hơn và đạt được doanh thu cao hơn. Grab kỳ vọng các hoạt động này sẽ đóng góp tích cực vào mục tiêu quốc gia về việc giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống thấp dưới mức 4%.
- Góp phần xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng để đầu tư đổi mới công nghệ cho đến năm 2020, bao gồm mục tiêu có 1 triệu nhân lực thành thạo công nghệ số vào năm 2020. Với mong muốn đóng góp vào mục tiêu này, Grab sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ kỹ sư tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Việt Nam, đồng thời đầu tư vào các tài năng công nghệ Việt Nam để giải quyết những thách thức lớn nhất ở Đông Nam Á thông qua trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), máy học (machine learning) và hơn thế nữa. Grab cũng sẽ khuyến khích tinh thần khởi nghiệp công nghệ và hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam thông qua chương trình Grab Ventures. Điều này cũng phù hợp với Chiến lược tạo ra 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030 của Chính phủ. Ngoài ra, Grab cũng sẽ góp phần nâng cao hiểu biết cho người dân về tài chính và kỹ thuật số, qua đó đóng góp một phần vào mục tiêu quốc gia là có được 65-70% dân số hiểu biết về hai lĩnh vực này.
- Góp phần tạo ra một môi trường bền vững cho tương lai: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ tập trung cải cách khung pháp lý để khuyến khích các công nghệ và mô hình kinh doanh mới, và sản phẩm/dịch vụ thân thiện với môi trường. Grab cam kết hướng tới một tương lai di chuyển chia sẻ, liền mạch và thông minh cho Việt Nam, bao gồm các giải pháp bổ trợ cho hệ thống giao thông công cộng hiện có và thay đổi thói quen người dân từ sở hữu phương tiện cá nhân sang sử dụng phương thức di chuyển chung như GrabBus, một dịch vụ di chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của đông đảo người dân. Grab cũng đặt mục tiêu hợp tác với chính quyền thành phố và các cơ quan hoạch định chính sách để tận dụng dữ liệu, từ đó giúp quy hoạch đô thị tốt hơn và giảm thiểu các khó khăn như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Grab cũng sẽ đặt tính bền vững vào trung tâm hoạt động kinh doanh của mình, ví dụ như hướng đến mục tiêu giảm chất thải nhựa cho dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood.