Vào ngày hôm qua 18/11, Grab đã tổ chức một sự kiện trực tuyến với tên Tech Brief đến với giới truyền thông khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, Grab đang bổ sung các tính năng an toàn và bảo mật mới vào nền tảng siêu ứng dụng của mình, bao gồm xác minh không cần cử chỉ, phát hiện sự cố và các tính năng kết thúc chuyến xe bất thường.
Ông Wui Ngiap Foo – Trưởng bộ phận liêm chính của Grab tại sự kiện Tech Brief, cho biết hãng dự định giới thiệu các tính năng an toàn và bảo mật mới. Theo đó, một hành trình với Grab sẽ có ba bước, đó là: trước, trong và sau chuyến đi, và Grab đã phát triển các giải pháp an toàn cho từng bước:
Với trước chuyến đi, Grab phát triển xác thực khuôn mặt dựa trên AI cho các đối tác tài xế. Các đối tác tài xế sẽ chụp ảnh selfie theo thời gian thực trước khi họ có thể trực tuyến và nhận việc. Ảnh selfie sẽ được so sánh với ảnh đăng ký trong cơ sở dữ liệu của Grab. Ngoài ra còn có tính năng xác thực cho hành khách trước chuyến đi “để bảo vệ đối tác tài xế của Grab”. Ảnh tự chụp của hành khách sẽ được lưu trữ an toàn và không chia sẻ với bất kỳ ai, kể cả tài xế. Grab cho biết sắp tới sẽ có các tính năng xác minh không cần cử chỉ và lọc GrabChat trước chuyến đi. Bộ lọc GrabChat nhằm duy trì một môi trường trò chuyện an toàn cho cả hành khách và đối tác lái xe.
Trong chuyến đi, Grab sẽ đưa vào các tính năng phát hiện va chạm, kết thúc chuyến đi bất thường và thông báo đối tác tài xế trên chuyến đi của nền tảng này. Grab đưa tính năng bảo vệ PII bao gồm phát hiện đối tác tài xế chụp ảnh màn hình, ẩn thông tin chi tiết chuyến đi sau khi hoàn thành, cung cấp giao thức thoại VOIP và che số để tài xế và hành khách liên lạc với nhau mà không bị lộ số điện thoại.
Đối với sau chuyến đi, Grab sẽ sớm đưa tính năng phân tích hành vi bằng cách gửi báo cáo an toàn cho người lái với điểm số an toàn để nâng cao nhận thức về hành vi lái xe không an toàn, qua đó khuyến khích tài xế áp dụng hành vi lái xe an toàn hơn. Những người lái xe có thành tích an toàn không tốt sẽ phải trải qua các khóa đào tạo hoặc bị loại khỏi nền tảng.
Báo cáo của Cybersource cho biết 1,6% doanh thu thương mại điện tử mỗi năm bị mất do các trường hợp gian lận, lừa đảo. Điều này không chỉ dẫn đến các thiệt hại về mặt tiền bạc, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dùng vào thị trường kinh tế số.
Báo cáo e-Conomy của Google, Temasek và Bain & Company chỉ ra rằng có tới 40 triệu người dùng mới tiếp cận đến internet trong năm 2020. Những người mới tiếp cận đến nền kinh tế internet có thể là đối tượng mục tiêu của kẻ lừa đảo.
Grab đưa ra những giải pháp giải quyết việc lừa đảo người dùng. Những kẻ lừa đảo đang tận dụng các chiến dịch truyền thông xã hội và các trang web tinh vi để lừa người dùng giao nộp mật khẩu OTP. Grab sẽ sớm có các chiến dịch và hoạt động tiếp cận để cảnh báo người dùng về các mưu đồ lừa đảo và các cách tăng cường bảo mật cho tài khoản, phương thức thanh toán an toàn và xác thực nâng cao… Hãng có kế hoạch sử dụng AI để phát hiện các tài khoản gian lận. Hãng cũng đang thử nghiệm tính năng yêu cầu người dùng smartphone quét mã QR trên PC để hoàn tất các giao dịch. Đây là một lớp bảo mật bổ sung để đảm bảo rằng các giao dịch đang được thực hiện bởi người dùng thực.