Sao la trở thành loài động vật quý hiếm đầu tiên của Việt Nam được Google số hóa với mô hình AR 3D trên Google Tìm Kiếm

Nhân ngày Quốc tế Sao la, Google phối hợp cùng WWF-Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, khởi động chiến dịch “Giữ Lại Dấu Chân Sao La” nhằm bảo tồn loài động vật quý hiếm này thông qua việc nâng cao nhận thức và kêu gọi công chúng hành động.

Đặc biệt, Google ra mắt mô hình Thực tế tăng cường (AR) 3D của Sao la trên Google Tìm kiếm để người dùng trên khắp thế giới có thể ngắm nhìn cận cảnh và chi tiết sinh vật tuyệt vời này ngay trên các thiết bị điện tử thông minh. Đây là lần đầu tiên Google số hóa một loài động vật hoang dã quý hiếm bậc nhất của Việt Nam dưới hình thức AR 3D.

Google phối hợp cùng WWF-Việt Nam thực hiện chiến dịch bảo tồn sao la

Gặp gỡ Sao La

Sinh sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Lào, Sao la là một biểu tượng của đa dạng sinh học không những của Việt Nam mà còn cho cả khu vực châu Á. Việc phát hiện ra loài này vào năm 1992 tại Vườn Quốc gia Vũ Quang đã làm chấn động cả giới bảo tồn trên toàn thế giới bởi trong vòng 100 năm trước đó, chỉ có năm loài thú lớn được phát hiện. Sống sót qua vô vàn mối đe dọa từ thời cổ đại, thế nhưng giờ đây, Sao la đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng với ít hơn vài chục cá thể trong tự nhiên. Việc bảo tồn Sao la đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Với việc ra mắt chiến dịch cũng như mô hình AR 3D của Sao la, Google và WWF-Việt Nam hy vọng sẽ mang Sao la tới gần công chúng hơn, khiến họ hiểu hơn về mối liên hệ giữa hành vi tiêu dùng và lối sống của mình ảnh hưởng như thế nào tới thiên nhiên, tới các loài động vật hoang dã như sao la. Để từ đó, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức có thể tự đưa ra những giải pháp, hành động cụ thể nhằm đảo ngược tiến trình mất mát thiên nhiên, hồi sinh Sao la và các loài khác.

“Giữ lại dấu chân Sao la” được chia thành hai giai đoạn, bắt đầu từ tháng 7. Giai đoạn “Theo dấu chân Sao la” sẽ mang tới công chúng nhiều thông tin thú vị xung quanh Sao la, giải mã những hiểu lầm thường gặp về chúng. Giai đoạn hai, thông qua nhiều hoạt động tương tác trực tuyến, công chúng sẽ hiểu hơn về mối liên kết giữa hành vi tiêu dùng hàng ngày của mình ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp thế nào tới Sao la, tới các loài động vật hoang dã và thiên nhiên. Từ đó, mỗi người có thể có những thay đổi hoặc điều chỉnh hàng ngày để góp phần cứu Sao la, bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Chiến dịch cũng nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng, như nhà báo Lê Hồng Lâm, ca sĩ Mỹ Linh, nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An, diễn viên Bảo Thanh, Châu Bùi, Khánh Vy, HH H’Hen Niê, HH Khánh Vân, Á Hậu Bùi Phương Nga [….] cùng các nhà sáng tạo YouTube khác, để góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp đến đông đảo công chúng tại Việt Nam.

Bà Trâm Nguyễn – Giám Đốc Quốc Gia Google châu Á Thái Bình Dương, phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia nói, “Với việc số hóa hình ảnh Sao la bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR) và đưa mô hình này lên Google Tìm Kiếm, công chúng sẽ có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu loài sinh vật quý hiếm của Việt Nam này một cách chân thực nhất. Google hi vọng mang công nghệ góp phần vào công tác bảo tồn thông qua việc số hóa thông tin, hình ảnh và chia sẻ rộng rãi đến công chúng Việt Nam cũng như thế giới và đây cũng chính là mục tiêu của dự án mà chúng tôi muốn truyền tải. “

Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Điều hành, WWF-Việt Nam chia sẻ, “Khi lần đầu tiên nhìn thấy Sao la qua mô phỏng AR của Google, tôi thực sự xúc động bởi sự sống động và chân thực của hình ảnh này mang lại. Hầu như khó phân biệt được với Sao la ngoài thực tế mà tôi từng gặp. Hy vọng mô hình sẽ giúp đông đảo công chúng hiểu hơn về loài này cũng như cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của nó. WWF-Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Google trong việc dùng thế mạnh của mình để hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Chúng tôi cũng vui mừng khi cùng Google hợp tác thực hiện nhiều hoạt động nâng cao nhận thức và kêu gọi các bên hành động bảo tồn Sao la, biểu tượng đa dạng sinh học của nước nhà.”


Mời anh chị em gửi ý kiến ở phần bình luận nhé.

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo