Trong giai đoạn Châu Á Thái Bình Dương chống dịch COVID-19, các nhà bán lẻ đã đóng một vai trò rất quan trọng, họ vừa đương đầu với một môi trường kinh doanh khó khăn vừa phục vụ khách hàng và cộng đồng của mình, cung cấp các nhu yếu phẩm và dịch vụ cần thiết cũng như hỗ trợ công ăn việc làm.
Khi nhiều doanh nghiệp trong khu vực chuyển sang thương mại điện tử nhiều hơn, Google đã tập trung vào việc hỗ trợ họ bằng mọi cách có thể, bao gồm cả việc giúp các nhà bán lẻ niêm yết sản phẩm của họ trực tuyến miễn phí. Hãng đã thực hiện việc này ở Ấn Độ và Indonesia từ năm 2019 và hiện đang mở rộng hỗ trợ tương tự trên toàn khu vực rộng lớn hơn: giúp các nhà bán lẻ ở Châu Á Thái Bình Dương miễn phí niêm yết sản phẩm của họ trên thẻ Google Mua sắm (Google Shopping).
Đối với các nhà bán lẻ, thay đổi này đồng nghĩa miễn phí giới thiệu hàng hóa đến nhiều triệu người truy cập Google mỗi ngày cho nhu cầu mua sắm của họ, bất kể việc nhà bán lẻ đó có quảng cáo trên Google hay không. Đối với người mua sắm, điều đó có nghĩa là có nhiều sản phẩm hơn từ nhiều cửa hàng hơn, có thể khám phá được thông qua thẻ (Tab) Google Mua sắm. Đối với các nhà quảng cáo, các chiến dịch có phí giờ đây có thể được tăng cường với các danh sách miễn phí.
Google thực hiện thay đổi này tại Hoa Kỳ vào đầu năm nay, với kết quả khả quan đối với các nhà bán lẻ rao hàng và quảng cáo miễn phí, với số lượt xem hàng trung bình tăng gấp đôi và lượt truy cập nhiều hơn 50%, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ có mức tăng trưởng lớn nhất.
Google Shopping là gì?
Google Shopping (Google mua sắm) là một hình thức quảng cáo trực tuyến của Google đã khá phổ biến trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ. Giống như gian hàng trực tuyến được hiển thị trực quan tại vị trí hot nhất trên trang kết quả tìm kiếm, Google Shopping cho phép hiển thị thông tin cụ thể của sản phẩm (hình ảnh, giá bán, địa chỉ website) một cách nổi bật, trực quan khi người dùng tìm kiếm từ khóa liên quan.
Cơ chế hoạt động của Google Shopping là dịch vụ này sử dụng những dữ liệu sản phẩm mà bạn cung cấp về hình ảnh, giá, mô tả để hiển thị sát nhất với các truy vấn từ người dùng.
Bối cảnh thị trường bán lẻ tại Châu Á đang thay đổi
Miễn phí rao hàng dành cho các nhà bán lẻ Châu Á Thái Bình Dương xuất hiện vào thời điểm có sự thay đổi lớn trong cách mọi người mua sắm và bán hàng trên toàn khu vực. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, thương mại điện tử vẫn đang phát triển nhanh chóng, như Đông Nam Á là một ví dụ khi nền kinh tế Internet trong khu vực đã đạt 100 tỷ USD vào năm 2019, trên đà đạt mức dự báo 300 tỷ đôla vào năm 2025.
Dịch COVID-19 đã thúc đẩy những xu hướng này. Theo phân tích của Google, 53% người mua sắm trực tuyến ở Châu Á Thái Bình Dương nói rằng họ sẽ chọn mua hàng trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch, trong khi gần 40% những người không mua sắm trực tuyến trước đó nói rằng họ có ý định tiếp tục mua hàng trực tuyến. Cứ ba người thì có một đã mua hàng từ một thương hiệu mà họ không mua sắm trước đó.
Để giúp các nhà bán lẻ thích ứng với những thay đổi này, Google sẽ tổ chức đào tạo kỹ năng thông qua chương trình Grow with Google (Phát triển cùng Google), đồng thời chia sẻ nghiên cứu và thông tin chi tiết để cung cấp thông tin cho các quyết định kinh doanh của họ. Hãng đã ra mắt cuốn cẩm nang bán lẻ và chuỗi hội thảo trực tuyến (webinar) để giúp các nhà bán lẻ quản lý ‘mặt tiền cửa hàng kỹ thuật số’ tốt hơn. Google đang hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác của mình để giúp các nhà kinh doanh quản lý sản phẩm và kiểm kê hàng hóa. Việc này bao gồm các đối tác toàn cầu như Shopify và các đối tác trong khu vực, bao gồm Haravan ở Việt Nam, Shopline ở Đài Loan và Hồng Kông, và LnwShop ở Thái Lan.
Người dùng hiện tại của Merchant Center và Quảng cáo mua sắm có thể tận dụng ngay chức năng miễn phí rao hàng. Đối với những người dùng mới của Merchant Center, Google sẽ tiếp tục làm việc để hợp lý hóa quy trình sử dụng trong những tuần và tháng tới.
Google mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nhà bán lẻ trên khắp Châu Á Thái Bình Dương, giúp người mua sắm tìm thấy sản phẩm họ cần dễ dàng hơn, góp phần vào sự phục hồi từ COVID-19 và chuẩn bị cho sự thay đổi lâu dài hơn trong thương mại khu vực.