Kết quả điều tra của Ủy ban Nội vụ Anh cho thấy, việc phát hiện ra những nội dung cực đoan trên các nền tảng như Google, Facebook, Twitter dễ đến mức “gây sốc”.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung cực đoan như những video tuyển thành viên của các nhóm thánh chiến lưu lại rất lâu dù đã được báo cáo.
Từ đó, Ủy ban Nội vụ đề xuất rằng, các mạng xã hội phải bị phạt khi không thể phát hiện ra và gỡ bỏ những nội dung cực đoan, bất hợp pháp. Ngoài ra, họ cũng có thể phải trả phí để cảnh sát thực hiện công việc đó.
Đề xuất trên được đưa ra chỉ vài tuần sau khi chính phủ Đức tuyên bố sẽ phạt tới 50 triệu euro đối với những mạng xã hội để tin giả mạo hay thông tin cực đoan lan truyền.
Trong buổi điều trần công khai hồi tháng Ba vừa qua, nhiều thành viên của Ủy ban Nội vụ Anh đã tỏ ra bất bình khi Google, Twitter và Facebook từ chối tiết lộ số người được thuê để bảo vệ người dùng hay số tiền họ đã chi để đảm bảo an toàn trên các nền tảng của họ.
Các nghị sĩ Anh cho rằng, việc giữ bí mật về những thông tin trên là lố bịch. Theo họ, các mạng xã hội buộc phải báo cáo về việc bảo vệ người dùng, việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn ba tháng một lần.
Nghị sĩ Yvette Cooper, người đứng đầu Ủy ban Nội vụ Anh cho rằng, việc các công ty trên không thể ngăn chặn được thông tin nguy hiểm và bất hợp pháp là một “sự ô nhục”. Bà nói: “Chúng tôi liên tục yêu cầu họ xây dựng hệ thống tốt hơn để loại bỏ các thông tin bất hợp pháp như tuyển dụng khủng bố hoặc lạm dụng trẻ em. Tuy nhiên, họ liên tục không tuân thủ”.
Theo bà Cooper, các trang mạng xã hội đã không làm gì ngăn chặn những thông tin giả mạo, cực đoan để bảo vệ người dùng.
Bà nói: “Đây là những công ty lớn nhất, giàu có nhất và thông minh nhất trên thế giới. Dịch vụ của họ đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân. Việc kiểm soát thông tin giả mạo và cực đoan không hề nằm ngoài khả năng nhưng họ vẫn không làm”.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nội vụ Anh cũng chỉ trích việc các mạng xã hội thất bại trong việc gỡ bỏ những nội dung vi phạm bản quyền.
Khi được hỏi về những chỉ trích trên, YouTube (thuộc Google) khẳng định họ đang giải quyết những vấn đề đó một cách rất nghiêm túc. YouTube tuyên bố: “Gần đây chúng tôi đã thắt chặt các chính sách quảng cáo và kiểm soát, cập nhật các thuật toán và mở rộng mối quan hệ với các tổ chức có chuyên môn trong lĩnh vực này”.
Nguồn: Infonet