Hôm qua 9/7, Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh phối hợp cùng Google tổ chức buổi đào tạo kỹ năng kỹ thuật số và quảng bá tiếp thị số cho các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp du lịch và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhằm tạo sự hiện diện của doanh nghiệp trên môi trường số, mở rộng những cơ hội tiếp cận và thu hút khách hàng từ mạng Internet, thúc đẩy du lịch nội địa trong giai đoạn bình thường mới sau thời gian giãn cách do đại dịch COVID-19.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Quảng bá bằng kỹ năng số là một xu hướng tất yếu trong thời đại hiện nay, nhất là qua đại dịch COVID-19 vừa rồi, cho thấy sự cần thiết và hiệu quả của kỹ năng số trong quảng bá du lịch. Những nhà làm quản lý du lịch hay các nhà kinh doanh du lịch cần thay đổi tư duy, cách thức trong việc tiếp cận với đối tượng khách hàng, tăng tính hiệu quả trong truyền thông quảng bá du lịch.”
Xu hướng du lịch và hành vi người dùng thay đổi vì dịch COVID-19
Trong nửa đầu 2020, ngành du lịch lữ hành và dịch vụ đang trải qua một trong những thời điểm khó khăn nhất do chịu ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu COVID-19. Thời gian giãn cách xã hội, cách ly tại nhà cũng thay đổi hành vi tìm kiếm và tiếp nhận thông tin của người dùng khi bước sang giai đoạn bình thường mới. Được định giá ở mức 446 tỷ USD vào năm 2019 trong nghiên cứu của Phocuswright, thị trường du lịch khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) dẫn đầu bảng so với Bắc Mỹ và châu Âu, và dự báo sẽ phát triển hơn nữa vào năm 2020.
Tất cả dự báo lạc quan về ngành công nghiệp không khói đã bị thay đổi hoàn toàn bởi đại dịch COVID-19, giãn cách xã hội, và tạm dừng du lịch không cần thiết trên khắp thế giới. Từ các hãng hàng không cho đến công ty du lịch và lữ hành, cùng chuỗi doanh nghiệp dịch vụ liên quan đều ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, khảo sát mới nhất từ Google cho thấy người tiêu dùng ở một số thị trường ở khu vực APAC có biểu hiện muốn du lịch nội địa trong thời gian tới. Một tín hiệu lạc quan cho thị trường du lịch nội địa tại Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Cụ thể tại Indonesia, Philippines và Việt Nam có hơn 25% người phản hồi cho biết có kế hoạch du lịch nội địa trong ba tháng tới, so với con số dưới 14% của các quốc gia như Úc và Nhật. Tương tự với khả năng muốn du lịch quốc tế trong 6 tháng tới của người Indonesia, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam cao gấp 1,5 lần so với người Úc, Singapore và Nhật Bản.
Đáng chú ý, khảo sát từ Global Web Index cho thấy 45% những người dùng trên thế giới có kế hoạch du lịch bị trì hoãn bởi dịch COVID-19 đang dự định cho một kỳ nghỉ hay du lịch sau khi đại dịch kết thúc.
Những từ khóa tìm kiếm bởi người dùng trên Google Tìm kiếm cho thấy tín hiệu lạc quan cho ngành du lịch tại Việt Nam sau khi ngừng giãn cách xã hội cách ly tại nhà vào cuối tháng 4, và trong tháng 6, lượng tìm kiếm về du lịch gấp đôi so với tháng 3, dù vẫn còn thấp hơn 20% so với tháng 6 năm 2019.
Theo những dữ liệu trên, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch và lữ hành cần nắm bắt hành vi của khách hàng trong giai đoạn bình thường mới, cần thay đổi tư duy lẫn cách thức tiếp cận du khách để tối ưu hiệu quả. Từ bối cảnh trên, và cũng nhân dịp kỷ niệm Ngày Du lịch Việt Nam hôm nay, 9/7/2020, Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh và Google hợp tác tổ chức buổi đào tạo “Quảng bá du lịch sáng tạo với kỹ năng số”
Thu hút khách hàng bằng truyền thông tiếp thị số
Các diễn giả là những chuyên viên đào tạo trong lĩnh vực quảng bá tiếp thị số thuộc chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 đã cung cấp chi tiết về cách thức tạo ra sự hiện diện của doanh nghiệp trên môi trường Internet thông qua công cụ miễn phí Google Doanh nghiệp của Tôi (GMB), và khai thác quảng bá qua mạng video phổ biến nhất thế giới YouTube là phương thức tiếp cận hàng tỷ người dùng. Người tham dự được hướng dẫn đăng ký và thiết lập thông tin doanh nghiệp của mình với GMB, giúp khách hàng dễ tìm thấy nội dung cần thiết hay chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp đang cung cấp. Ngoài ra GMB còn giúp thiết kế và tạo website miễn phí cho các doanh nghiệp. Sau khi tạo điểm ‘check-in’ cho doanh nghiệp trên bản đồ Internet, cách quảng bá hình ảnh dịch vụ qua những video clip ấn tượng là nội dung đào tạo kế tiếp.
Dữ liệu của kênh YouTube Oops Banana với 4,5 triệu người theo dõi được ‘đại sứ du lịch trực tuyến’ Phạm Văn Dũ chia sẻ cho thấy nhu cầu tìm hiểu thông tin về các điểm đến theo hình thức xem nội dung video đã trở nên rất phổ biến. Khán giả đa phần là những người trẻ ưa chuộng những nội dung du lịch tự túc gần gũi với sở thích cũng như trào lưu trải nghiệm mới, và video đánh giá trải nghiệm có tác động lớn đến quyết định đi du lịch của mình.
Đây là những ‘cú chạm’ quan trọng đầu tiên vào hành trình du lịch của một khách hàng tiềm năng ngay từ khi họ chưa có ý định du lịch cho đến bắt đầu tìm thông tin liên quan các địa điểm phù hợp trên Google Tìm kiếm. Gợi mở, đón đầu và cung cấp những gì khách hàng cần.
Khách mời đặc biệt của chương trình là Trần Đặng Đăng Khoa, chàng trai 8X đã chu du khắp mọi miền đất nước, và hành trình 80.000 km qua 65 nước trên thế giới trong 1.111 ngày bằng xe máy hai bánh. Những trải nghiệm thực tế của Trần Đặng Đăng Khoa được chia sẻ tại sự kiện đã giúp cho các doanh nghiệp tham dự có cái nhìn tổng quan về cách làm của các doanh nghiệp du lịch ở những nước phát triển và cả các quốc gia trong khu vực, thu hút khách hàng mới, đặc biệt là nhóm người trẻ với trào lưu du lịch tự túc. Không chỉ vậy, cách mà các quốc gia phát triển du lịch tạo ra những danh sách ‘phải trải nghiệm’ các hoạt động vui chơi, ẩm thực đặc sắc, khám phá trải nghiệm, tham quan di tích hay thưởng thức nét văn hóa độc đáo luôn làm du khách háo hức và trở thành kênh quảng bá lan tỏa.
Phần tọa đàm cùng cả hai ‘đại sứ du lịch trực tuyến’ Phạm Văn Dũ và Trần Đặng Đăng Khoa chia sẻ những thông tin hữu ích giúp doanh nghiệp thêm ý tưởng, đổi mới tư duy và phương cách tiếp cận, quảng bá du lịch để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, điểm nhấn đặc sắc. Kết hợp với quảng bá với người nổi tiếng hay có sức hút với cộng đồng cũng mang lại nhiều lợi điểm, phù hợp với thói quen xem nội dung du lịch trên YouTube hiện nay của người dùng. Các doanh nghiệp cần nắm bắt thường xuyên xu hướng và hành vi của người tiêu dùng trong giai đoạn mới, vốn tiếp nhận thông tin chủ yếu từ môi trường Internet và trên thiết bị di động.
Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền Thông và Quan Hệ Công Chúng phụ trách Việt Nam của Google Châu Á Thái Bình Dương cho biết “Ngoài sự kiện hợp tác cùng Sở Du Lịch TP HCM ngày hôm nay và chuỗi Google webinar hơn 10 chuyên đề đào tạo kỹ thuật số miễn phí mở rộng cho tất cả doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc, trong thời gian tới chúng tôi sẽ có thêm nhiều hoạt động hợp tác thiết thực với Tổng Cục Du Lịch Việt Nam nhằm nối tiếp và tạo ra nhiều hoạt động sáng tạo trong quảng bá du lịch Việt Nam. Đây là cam kết lâu dài, đã được chúng tôi triển khai từ năm 2019 trước dịch COVID và nay sẽ được đầu tư đẩy mạnh hơn nữa.”
Ngoài buổi đào tạo trên, một chuỗi các buổi Webinar (đào tạo trực tuyến cùng Google) dành riêng cho các đơn vị, doanh nghiệp và nhân viên làm trong ngành du lịch thuộc chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 sẽ còn tiếp tục được thực hiện Những buổi webinar đào tạo miễn phí về kiến thức kỹ thuật số, kỹ năng mềm, kỹ năng kinh doanh, gợi ý tìm ra hướng đi mới cho doanh nghiệp du lịch, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và những bí quyết để chinh phục trạng thái “Bình Thường Mới.”