Theo Nikkei, Google sẽ chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam trước cuối năm nay và bắt đầu xây dựng chuỗi cung ứng giá rẻ tại Đông Nam Á. Đây được xem là bàn đạp để “gã khổng lồ công nghệ” vươn lên giành thị phần trên thị trường smartphone vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Gần đây, Google đã bắt đầu đàm phán với đối tác để tiến hành chuyển đổi nhà máy Nokia cũ ở tỉnh Bắc Ninh (Việt Nam) thành nơi sản xuất điện thoại Pixel. Đây cũng là tỉnh Samsung chọn phát triển chuỗi cung ứng smartphone của mình nhiều năm trước. Nhờ ưu điểm này Google sẽ có lợi thế về lực lượng lao động có kinh nghiệm.
Việc triển khai cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã phần nào cho thấy những áp lực về chi phí của doanh nghiệp khi lương nhân công ở Trung Quốc tăng giá. Ngoài ra, Google còn phải chịu mức thuế cao do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Theo Nikkei, “gã khổng lồ tìm kiếm” đang có kế hoạch chuyển toàn bộ quy trình sản xuất phần cứng cho thị trường Mỹ ra khỏi Trung Quốc, gồm điện thoại Pixel và loa thông minh Google Home.
Dây chuyền sản xuất ở Việt Nam là một phần quan trọng trong nỗ lực tăng trưởng mảng smartphone của Google. Hiện tại Pixel chỉ là một thương hiệu nhỏ trong ngành công nghiệp smartphone – thậm chí không thuộc top 10 trên toàn cầu – nhưng lại đang phát triển nhanh chóng. Google đặt mục tiêu năm nay sẽ xuất xưởng khoảng 8-10 triệu chiếc điện thoại thông minh, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ đôi Pixel 3A và Pixel 3A XL giá rẻ phát hành hồi tháng 4 đã giúp hãng vươn lên giành thị phần, trở thành thương hiệu di động lớn thứ 5 tại Mỹ trong quý 2/2019, bất chấp sự suy thoái của ngành công nghiệp smartphone.
Nỗ lực của Google sẽ gây áp lực lên những nhà sản xuất điện thoại hạng 2 như LG Electronics và Sony. Các thương hiệu này đã bị sụt giảm doanh số năm thứ 3 liên tiếp và đang đứng trước khó khăn chung của toàn ngành. Google hy vọng việc mở rộng dây chuyền sang Việt Nam sẽ giúp hãng đảm bảo tiến độ sản xuất Pixel.
Theo công ty nghiên cứu IDC, năm 2018 Google bán ra khoảng 4,7 triệu chiếc smartphone, chỉ chiếm 0,3% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, Pixel 3A đã mang về một số thành công nhất định vì giá rẻ và nhiều tính năng nổi trội, chỉ trong nửa đầu năm nay hãng đã bán ra 4,1 triệu máy.
Cũng theo IDC, 70% doanh số smartphone của Google năm 2018 là ở Mỹ, Anh và Nhật Bản, trong đó Mỹ là thị trường chủ yếu. Ngoài ra, nước này cũng là nơi tiêu thụ 64% lượng loa thông minh của Google. Nikkei cho biết, “gã khổng lồ công nghệ” sẽ chuyển quy trình sản xuất Pixel 3A sang Việt Nam trước cuối năm nay. Dây chuyền loa thông minh của công ty sẽ chuyển phần lớn sang Thái Lan. Tuy nhiên quá trình phát triển sản phẩm mới và sản xuất phần cứng ban đầu vẫn sẽ ở Trung Quốc.
Google không phải là công ty đầu tiên chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan. Trước đó, khi quan hệ Bắc Kinh – Washington leo thang, HP và Dell đã chuyển hoạt động sản xuất máy chủ ra khỏi nước này, đồng thời đưa một số quy trình sản xuất laptop sang Đài Loan và những nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Philippines.
Apple cũng đang bắt đầu nghiên cứu phương án đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên quá trình này sẽ mất nhiều thời gian và gặp một số khó khăn nhất định vì Táo Khuyết phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc với hơn 90% phần cứng được sản xuất tại nước này.
Theo Nikkei