Mới đây, Google đã thực sự gây ra một “cơn chấn động cực lớn” trong giới công nghệ và tài chính với việc công bố kế hoạch cải tổ của mình.
Trong những tháng sắp tới, chúng ta sẽ dần quen thuộc với cái tên công ty mẹ Alphabet, mà “Google” sẽ chỉ là một phần trong đó, bao gồm những mảng kinh doanh cốt lõi như Search, Youtube, Android… và được điều hành bởi CEO Sundar Pichai.
Google giờ đây sẽ là một phần của Alphabet
Từ IBM, GE đến Microsoft, dường như các công ty công nghệ luôn phải tiến hành những thay đổi để vượt qua sự tự mãn của bản thân và ngăn chặn quá trình lụi tàn. Giờ đây, Google đang tỏ ra họ rất quyết tâm với Alphabet.
Nếu chỉ nhìn vào bề ngoài, nhiều người sẽ có cảm giác sự thay đổi duy nhất chỉ là cái tên. Các mảng kinh doanh cốt lõi vẫn nhắm đến mục tiêu thu hút lợi nhuận từ quảng cáo, và một phần số tiền thu về sẽ được đổ vào các dự án mà nếu xui xẻo, chúng sẽ không bao giờ mang về lợi nhuận. Nhưng thực tế lại phức tạp hơn rất nhiều. Sự phân chia mới giữa Google và Alphabet có thể khiến một “đế chế công nghệ” thực sự bị chia thành 2 phần riêng biệt và ngày càng tách xa nhau.
Vậy vì sao Google phải làm vậy?
Việc thành lập Alphabet rõ ràng là một động thái để Google xoa dịu các nhà đầu tư. Nhiều cổ đông của Google đã tỏ ra không hài lòng khi một phần số lợi nhuận của công ty lại được dùng để đầu tư cho những dự án R&D (Nghiên cứu và Phát triển) có vẻ xa vời như xe tự lái, hệ thống quản lý đô thị hay ngôi nhà thông minh… Giờ đây, những dự án này sẽ được xem như một bộ phận riêng biệt với báo cáo tài chính riêng, hoàn toàn độc lập với những mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận chủ yếu của công ty.
Điều này sẽ gây ra 2 hệ quả chủ yếu. Thứ nhất, Google sẽ dễ dàng huy động vốn hơn cho những mảng kinh doanh cốt lõi của mình. Những nhà đầu tư sẽ cảm thấy thích thú khi bảng báo cáo tài chính của Google không còn có những khoản chi những dự án đầy tham vọng nhưng có vẻ xa vời với thực tế. Thực tế, giá cổ phiếu của Google đã tăng vọt gần 5% chỉ vài giờ sau khi thông báo về kế hoạch cải tổ được đưa ra.
Tuy nhiên, nó cũng sẽ khiến cho những người chịu trách nhiệm quản lý các dự án Calico, Nest, Fiber, Google Ventures, Google Capital… (từng được gộp chung dưới cái tên Google X) sẽ phải “tự thân vận động” nhiều hơn, đặc biệt là trong việc tìm kiếm nguồn vốn. Việc tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng) cho các dự án này có thể thu hút được nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, nhưng điều đó cũng không đảm bảo rằng số tiền thu về có thể đủ trang trải cho các hoạt động, đặc biệt là khi rất nhiều dự án sẽ kéo dài nhiều năm với một thời điểm kết thúc chưa xác định. Hơn nữa, với việc không còn được che chở dưới một cái tên chung Google X, mỗi dự án R&D của Google sẽ càng nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý của các nhà đầu tư, khiến mỗi dấu hiệu tích cực (hay tiêu cực) của nó đều có thể có tác động cực kỳ to lớn.
Phòng thí nghiệm bí mật Google X sẽ không còn là nơi che chở cho các dự án R&D của Google
Một sự đánh cược?
Bản thân cái tên Alphabet là một sự chơi chữ giữa Alpha (lợi nhuận đầu tư trên chuẩn) và bet (đánh cược). Có lẽ Google đang đánh cược chính những dự án R&D của mình vào một ván bài mà họ không nắm chắc phần thắng. Tuy nhiên, đây là cuộc chơi mà khi đã bắt đầu, không một ai có quyền quay lại.
Xóa bỏ Google X và tạo ra Alphabet, kết quả cuối cùng sẽ là gì, chỉ có tương lai mới có thể cho Google và chúng ta lời giải đáp.
Mạc Vũ
Tham khảo: The Verge