Google đang thay đổi giao diện lập trình ứng dụng (API) Camera trên Android 11, ngăn smartphone sử dụng thuật toán thay đổi đường nét khuôn mặt, màu sắc hoặc làm mịn da trước và trong lúc chụp ảnh.
Một số loại điện thoại trên thị trường hiện nay được tích hợp sẵn tính năng làm mịn và sáng da, ngay cả khi tắt “chế độ làm đẹp” trên máy. Trước đây Google hầu như không có động thái nào ngăn chặn các nhà sản xuất smartphone tích hợp thêm vào thiết bị các tính năng xử lý hình ảnh, giúp khuôn mặt trông “ảo diệu” hơn bình thường. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Mishaal Rahman, Tổng biên tập XDA Developers, bộ xử lý hình ảnh camera của mọi thiết bị được Google cấp phép chạy Android 11 đều không được phép thay đổi diện mạo khuôn mặt trước hoặc trong khi chụp ảnh. Thay đổi trên API camera buộc quá trình chỉnh sửa hình ảnh (đường nét, màu sắc, độ mịn) phải xảy ra sau khi chụp ảnh xong.
After editing @MaxWinebach's review of the Vivo X50 Pro, I realized I didn't mention an interesting change in Google's Android 11 Compatibility Definition Document.
Google is proposing a new line in Section 7.5.4 – Camera API Behavior.https://t.co/vWp8zgqRJ5
— Mishaal Rahman (@MishaalRahman) July 16, 2020
Theo bản cập nhật, Google yêu cầu các thiết bị Android mới “PHẢI đảm bảo diện mạo khuôn mặt KHÔNG bị thay đổi hình dạng, màu da và độ mịn”. Thay đổi sẽ được cập nhật ngay trên các dòng điện thoại thông minh có “chế độ làm đẹp” được bật mặc định. Những thiết bị sản xuất bởi Huawei, vivo, OPPO… cần điều chỉnh lại trước khi khởi chạy hệ điều hành mới nhất của Google. Trong trường hợp Huawei, nếu hãng phát hành điện thoại không truy cập vào các dịch vụ của Google thì không cần chú ý quy tắc này.
Nguyên nhân dẫn đến thay đổi trên có thể do tình trạng trí tuệ nhân tạo và công nghệ học máy học đang phát triển không ngừng. Nếu bộ xử lý hình ảnh của Android có khả năng thay đổi diện mạo của một người một cách nhanh chóng, và điện thoại mặc định cho ra những bức ảnh khác quá nhiều so với đời thực thì sẽ rất nguy hiểm dưới góc độ an ninh mạng. Nhiều người sẽ sử dụng công nghệ này tung tin giả, thao túng dư luận vì mục đích riêng. Hiện nay, một số ứng dụng hoán đổi khuôn mặt trên thị trường đang kéo theo nhiều mối lo ngại về tin tức giả mạo và tính xác thực.
Tháng 11/2015, Reuters cấm các nhiếp ảnh gia gửi ảnh RAW để đảm bảo tính chân thực của báo chí ở mức cơ bản nhất. Hãng tin cho rằng nếu muốn chắc chắn những thông tin ghi lại giống với trải nghiệm thực, hình ảnh cần phải được phát hành đúng nguyên bản. Nhìn chung, thay đổi của Google trên Android 11 nhận được nhiều đánh giá tích cực, nhưng sẽ mất khá nhiều thời gian các thương hiện smartphone điều chỉnh và thiết lập quy trình cài đặt.