Nếu vụ kiện thành công, Google có khả năng sẽ phải bồi thường số tiền lên đến 3,8 tỉ USD cho toàn bộ nhân viên của hãng.
Mới đây John Doe – một nhân viên quản lý sản phẩm của Google đã nộp đơn kiện hãng này lên Tòa Thượng Thẩm tại San Francisco thuộc bang California – Mỹ. Lý do của vụ kiện là vì hãng này đã triển khai “một chương trình gián điệp” nội bộ đối với nhân viên trong công ty.
Đây là một chương trình bất hợp pháp với các điều khoản buộc 65.000 lao động của hãng phải tuân thủ và thực hiện “những chính sách, thỏa thuận bí mật và bất hợp pháp”. Các chính sách này nhằm ngăn chặn sự rò rỉ những thông tin có khả năng gây hại đến ban điều hành của Google.
Thậm chí Google đưa ra những quy định có thể coi là “kỳ quặc” như yêu cầu nhân viên của mình không được viết tiểu thuyết nếu chưa được công ty cho phép, hay thậm chí là không được huýt sáo.
Ngoài ra Google còn buộc các nhân viên không được rò rỉ những thông tin liên quan đến hãng với các nhà tuyển dụng của công ty khác. Tất nhiên là cả việc thông báo những vấn đề sai trái của Google đến báo chí, luật sư và Chính phủ. Google lập luận rằng tất cả những gì liên quan đến hãng là bí mật.
Bên cạnh đó, đơn kiện còn đề cập đến chương trình “Stopleaks”. Đây là chương trình có nội dung khuyến khích các nhân viên khai báo các hành vi đáng ngờ của đồng nghiệp, bao gồm cả việc đặt các câu hỏi quá chi tiết về các dự án mà họ không tham gia.
Đơn kiện còn cho biết 1 trong số 2 nhà đồng sáng lập Google là Larry Page hay Sergey (không ghi cụ thể là người nào) đã tuyên bố trước toàn thể công ty rằng nhân viên nào để lộ thông tin bí mật sẽ bị đuổi ngay lập tức.
Nếu Google bị buộc tội vi phạm luật lao động California, công ty có thể bị phạt lên đến 100 USD cho mỗi trong số 12 cáo buộc vi phạm, nhân với hơn 61.000 nhân viên tại công ty. Nhưng điều này sẽ tăng cao hơn gấp đôi nếu công ty có hành vi vi phạm ở mức cao hơn nữa.
Mức thanh toán tối đa mà Google có thể chịu nộp phạt lên đến 3,8 tỷ USD, trong đó mỗi nhân viên sẽ nhận được khoảng 14.600 USD. Hiện Google chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về vụ kiện trên.