Xem nhanh
Nối bước các dịch vụ quảng cáo khác, Google vừa âm thâm thay đổi chính sách và cho phép các website theo dõi bằng định danh người dùng. Quyết định của Google đánh dấu việc tất cả các dịch vụ quảng cáo đều đã thực hiện theo dõi bằng định danh.
Vốn có khẩu hiệu “Don’t be evil”. Người sáng lập Google Sergey Brin đã tuyên bố tính riêng tư là ưu tiên hàng đầu của Google khi tạo ra một sản phẩm quảng cáo mới. Tuyên bố này được đưa ra vào năm 2007 khi Google mua lại mạng quảng cáo DoubleClick.
Chính sách theo dõi đã thay đổi
Google đã thực hiện tốt tuyên bố của mình suốt 1 thập kỷ. Cơ sở dữ liệu theo dõi khổng lồ của DoubleClick được giữ độc lập hoàn toàn với thông tin định danh người dùng từ các dịch vụ khác của Google. Hay nói cách khác, các quảng cáo của DoubleClick có thể track người dùng nhưng không xác định được danh tính của họ.
Mọi chuyện đã thay đổi vào mùa hè năm nay. Theo đó Google đã âm thầm gạch bỏ dòng khẳng định sẽ không kết hợp thông tin theo dõi từ DoubleClick với thông tin người dùng từ các dịch vụ Google khác, trừ khi người dùng chọn. Thay vào đó, Google khẳng định có thể kết hợp các thông tin này lại trong quá trình theo dõi (tracking).
Tuy nhiên, thay đổi này chỉ được kích hoạt mặc định cho các tài khoản Google mới. Đối với người dùng hiện hữu, các thay đổi mới sẽ hỏi ý kiến người dùng trước khi kích hoạt. Kết quả của thay đổi này là các quảng cáo của DoubleClick sẽ có thể được tinh chỉnh để dựa vào tên và các thông tin khác mà Google biết về bạn.
Ở chiều ngược lại, nhờ các thông tin theo dõi thu thập từ DoubleClick, Google có thể vẽ lên bức chân dung người dùng theo đúng tên của người đó, bao gồm tất cả gì họ viết trong email, mọi website họ ghé thăm và các từ khóa tìm kiếm họ sử dụng.
Thời thế buộc Google phải thay đổi
Bước đi này là thay đổi mang tính bước ngoặt đối với Google, cũng như đặt dấu chấm hết cho tính nặc danh của dữ liệu tracking. Trong những năm gần đây, Facebook và nhiều công ty buôn bán dữ liệu khác đã thúc đẩy việc kết hợp dữ liệu người dùng với định danh.
Google là nhân tố chống lại xu thế này. Quyết định mới của Google qua đó cho thấy họ đã thất bại với chính bản thân mình.
Paul Ohm, giám đốc trung tâm về tính riêng tư và công nghệ, khoa luật đại học Georgetown cho biết, việc dữ liệu DoubleClick không được liên kết với dữ liệu định danh là bức tường lớn cuối cùng. Bức tường đó vừa sụp đổ sau quyết định này của Google.
Người phát ngôn của Google, Andrea Faville tuyên bố thay đổi về chính sách riêng tư của Google để phản ánh làn sóng phổ cập smartphone. Nghĩa là việc kết nối dữ liệu tracking với dữ liệu định danh là để phản ánh cách người dùng sử dụng Google trên nhiều thiết bị cùng lúc. Faville cũng cho biết, các thay đổi này là hoàn toàn tôn trọng quyết định người dùng; nếu họ không đồng ý, trải nghiệm Google của họ vẫn sẽ như cũ.
Người dùng hiện hữu của Google sẽ được lấy ý kiến về việc tham gia tính năng tracking mới. Việc này cũng đem lại nhiều lợi ích, như giúp bạn có thể kiểm soát cách quảng cáo hoạt động xuyên suốt các thiết bị.
Loại quảng cáo mà bạn thấy khi duyệt web cũng có thể được tùy chỉnh. Đây là một thay đổi khá hay so với việc quảng cáo chỉ hiện theo thói quen duyệt web của bạn trên từng thiết bị riêng biệt.
Theo dõi kết hợp định danh người dùng đã và đang gây nhiều tranh cãi
Tính riêng tư của người dùng từng tạo ra tranh cãi lớn vào năm 1999, khi DoubleClick mua lại một dịch vụ mua bán dữ liệu người dùng bao gồm tên, địa chỉ và các sở thích ngoài đời thực của người dùng.
Bước đi này từng có thể giúp DoubleClick định danh được người dùng. Tuy nhiên, các cuộc thanh tra của ủy ban thương mại liên bang đã buộc DoubleClick phải bán lỗ dịch vụ mua bán này.
Đáp lại tranh cãi này, một tổ chức các mạng lưới quảng cáo được lập ra để đưa ra các chuẩn mực đạo đức vào năm 2000. Ngành công nghiệp quảng cáo trực tuyến đã đồng ý sẽ thông báo cho người dùng về việc dữ liệu của họ đang được thu thập và cho họ quyền ngăn chặn nó. Các dịch vụ quảng cáo trực tuyến sau đó đều giữ tính nặc danh của dữ liệu tracking.
Google đã thay đổi chính sách riêng tư vào năm 2012, cho phép các dịch vụ của hãng trao đổi thông tin với nhau. Bạn có thể nhận thấy điều này khi nhận thông tin vé máy bay từ đại lý bán vé, Google sẽ tự động thêm thông tin này vào lịch làm việc của bạn và hiển thị thông tin chuyến bay trên các kết quả tìm kiếm liên quan. Tuy nhiên, dữ liệu của DoubleClick vẫn được tách biệt.
Sự thống trị của mạng xã hội là nguyên nhân
Facebook và Twitter từ lâu đã có thể dò tìm sở thích lướt web của người dùng đã đăng nhập khi họ bấm vào nút chia sẻ trên các website. Hai năm trước, Facebook thậm chí đã tuyên bố họ sẽ theo dõi người dùng cùng với định danh xuyên suốt các website mà họ truy cập. Các thanh công cụ Like và Share sẽ theo dấu người dùng ngay cả khi người dùng không click vào chúng.
Tóm lại, sự thay đổi về cách theo dõi này của các công ty quảng cáo đã phần nào đụng chạm đến tính riêng tư của người dùng. TechSign.in từng có bài viết khuyến cáo người dùng về việc tracking qua thanh công cụ của Facebook. Có lẽ đã đến lúc bạn nên sớm biết cách hạn chế các dịch vụ cố gắng soi mói vào sở thích khi lên mạng của mình.
TechSign.in sẽ hướng dẫn bạn tránh sự soi mói từ Google và Facebook ở bài hướng dẫn kế tiếp.
(Theo ProPublica)