Cảm biến tiệm cận, tuy rằng là một thành phần nhỏ, không có quá nhiều chức năng và tình năng, nhưng nó lại giúp mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất với chiếc điện thoại của mình.

Cảm biến tiệm cận là gì?

Đối với những chiếc máy sử dụng bàn phím vật lý, việc người dùng áp máy lên tai nghe điện thoại không có quá nhiều ảnh hưởng đến màn hình điện thoại. Nhưng khi chuyển sang smartphone, mọi tương tác đều được đưa lên màn hình cảm ứng, việc mặt của người dùng tiếp xúc trực tiếp với màn hình sẽ khiến các phím điều khiển đang hiển thị sẽ vô ý bị chạm vào. Chẳng ai muốn sau kết thúc cuộc gọi và phát hiện ra điện thoai của mình vô tình thực hiện nhiều thao tác không được kiểm soát.

Để giải quyết bài toán khó này, các nhà sản xuất bắt đầu tích hợp cảm biến tiệm cận vào smartphone. Cảm biến này khi hoạt động sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Khi có vật thể che trước cảm biến, hệ thống sẽ tạm thời tắt màn hình cho đến khi không còn vật cản nữa mới mở lại màn hình.

Có thể giả lập cảm biến tiệm cận, nhưng…

Để chứng tỏ sự tiên phong, nhà sản xuất smartphone đến từ Trung Quốc – Xiaomi đã có một sự lựa chọn khó hiểu. Hãng từ bỏ sử dụng cảm biến tiệm cận vật lý và chuyển sang sử dụng cảm biến tiệm cận giả lập của Elliptic Labs. Đây không phải là một điều gì quá mới lạ, trước đây Xiaomi đã từng khiến hàng triệu người dùng Mi Mix 2 khổ sở vì cảm biến tiệm cận ảo này.

Giả lập cảm biến tiệm cận trên Xiaomi liệu có tốt?

AI là một từ khóa trending, Elliptic Labs với những lời quảng cáo có cánh như sử dụng công nghệ AI để học và tăng cường khả năng nhận biết khi nào người dùng áp lên tai nghe điện thoại, rồi điện thoại sẽ có thiết kế đẹp hơn, viền màn hình mỏng hơn do không cần chừa chỗ cho cảm biến vật lý nữa.

Cảm biến tiệm cận ảo của Elliptic Labs hoạt động trên cơ chế kết hợp loa và micro thay vì sử dụng một cảm biến hồng ngoại như cách truyền thống. Ưu điểm của giải pháp này là phần màn hình có thể được đẩy ra sát viền hơn, nhà sản xuất đỡ được chi phí do không cần trang bị thêm phần cứng cảm biến tiệm cận nữa. Nhược điểm của phương thức giả lập này lại chính do cơ chế hoạt động của nó gây ra.

Khi máy được đặt những môi trường có tiếng ồn quá lớn như đường phố, cảm biến thường xuyên xảy ra tình trạng không hoạt động. Lúc này, có lẽ những tạp âm bên ngoài khiến cho micro không còn nhận ra được những âm thanh được từ loa thoại, để thực hiện công việc của mình là tắt màn hình.

Việc máy tự nhận cuộc gọi, tự hủy cuộc gọi đến hay phải làm vài thao tác chuyển về ứng dụng Điện thoại để tắt cuộc gọi, nó đã trở thành bình thường trong gần 1 tháng tôi sử dụng Redmi Note 11. Tôi nhận ra vấn đề cảm biến tiệm cận này sau 3 ngày sử dụng, nhưng với mong muốn AI sẽ học được thói quen sử dụng của mình (như lời quảng cáo) và cải thiện tốt hơn. Tôi chịu đựng thêm khoảng 3 tuần và nó chỉ… tệ hơn.

Không rõ là trên dòng sản phẩm Mi 12 cao cấp sắp ra mắt, Xiaomi có tiếp tục dũng cảm sử dụng cảm biến tiệm cận ảo này như đã từng làm trên Mi 10T, Mi 10T Pro, Mi 11 series hay không?

Một số hãng khác, họ cũng áp dụng cảm biến tiệm cận ảo này trên vài mẫu máy tầm thấp, nhưng họ không hề đưa nó lên những dòng máy cao cấp nhất. Vì có lẽ họ biết cảm biến tiệm cận ảo này chưa hoàn chỉnh và sẽ ảnh hưởng rất xấu đến trải nghiệm người dùng trên các mẫu máy flagship.

Góc quảng cáo