Genius – trang web chuyên cung cấp lời bài hát – vừa tiếp tục đệ đơn kiện lên tòa án tại Brooklyn (New York, Mỹ), tố cáo Google đánh cắp nội dung trên trang web của hãng và hiển thị trong kết quả tìm kiếm.
Ngoài ra, Genius cũng cáo buộc “gã khổng lồ tìm kiếm” có hành vi chống lại sự cạnh tranh và yêu cầu được bồi thường thiệt hại 50 triệu USD.
Về phía Google, hãng phủ nhận cáo buộc này, đồng thời cho biết phần lời bài hát hiển thị trên nền tảng Google Tìm kiếm được cung cấp bởi một số đối tác nhằm đáp ứng những nhu cầu truy vấn nhất định của người dùng.
Đầu tháng 6, đại diện Genius đưa ra một số bằng chứng cho thấy lời bài hát trên nền tảng web của họ bị Google sao chép. Hiện tại những nội dung đã bị gỡ khỏi nền tảng của Google. Trong đơn kiện nộp lên tòa án tại Brooklyn (New York, Mỹ), Genius cáo buộc Google và LyricFind vi phạm điều khoản dịch vụ của hãng.
Genius cho rằng hành động của Google không chỉ vi phạm điều khoản sử dụng dịch vụ, mà còn thu lợi nhuận từ “10 năm nghiên cứu và hàng chục triệu USD chi phí Genius bỏ ra để xây dựng doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu”. Đây được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài những thiệt hại về tiền bạc, Genius còn muốn LyricFind vĩnh viễn bị cấm chiếm dụng nội dung từ trang web của họ, gồm cả việc cấp phép cho các bên thứ ba, điển hình như Google.
Dịch vụ cung cấp lời bài hát cho biết Google đã sao chép nội dung của họ trong nhiều năm. Tháng 6/2019, hãng đã chuyển cho The Wall Street Journal bức thư từng gửi Google hồi tháng 4 để cảnh báo “gã khổng lồ công nghệ” về việc vi phạm các điều khoản dịch vụ của trang web, đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng lời bài hát khi chưa được phép đã vi phạm luật chống độc quyền.
Genius cũng đưa ra nhiều bằng chứng để chứng minh Google sử dụng tài nguyên của họ để hiển thị trên công cụ Google Search. “Gã khổng lồ tìm kiếm” phản hồi rằng hãng được cấp phép hiển thị lời bài hát từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có LyricFind.
Đại diện Google cho biết: “Chúng tôi đang xem xét nghiêm túc về chất lượng dữ liệu và quyền sở hữu nội dung, đồng thời cũng yêu cầu đối tác phải có trách nhiệm với thỏa thuận”.
Trong đơn kiện Genius không khiếu nại bản quyền vì hãng không sở hữu lời bài hát. Cả Genius và Google đều có giấy phép từ các nhà xuất bản âm nhạc để xuất bản những nội dung này, điều đó khiến cho Genius gặp nhiều bất lợi.
Vấn đề cốt lõi của vụ kiện chủ yếu tập trung vào việc Google và đối tác làm thế nào để có được lời bài hát. Phán quyết gần đây của tòa án cho rằng việc rà soát dữ liệu từ những trang web công khai không phải việc làm bất hợp pháp, tuy nhiên các trang web thường ra quy định cấm đánh cắp nội dung trên nền tảng của họ. Trong trường hợp này, nếu cả hai bên đều có giấy phép phát hành thì Google có thể không vi phạm luật pháp khi hiển thị lời bài hát lên công cụ tìm kiếm.
John Bergmayer, Giám đốc pháp lý của tổ chức vận động người tiêu dùng Public Knowledge, cho rằng lập luận của Genius không chặt chẽ. Tuy nhiên, ông nghĩ Google vẫn có lý do để lo lắng vì thời gian gần đây hãng đang bị nhiều tổ chức và cơ quan lập pháp nghi ngờ có hành vi độc quyền.