Báo cáo của Freedom House cho biết chính phủ các nước trên thế giới năm thứ 8 liên tiếp đang thắt chặt tự do Internet.

Tự do Internet toàn cầu tiếp tục giảm

Chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số đang trên đà phát triển, theo một báo cáo mới từ một nhóm giám sát các quyền tự do Internet. Freedom House, một nhóm hoạt động có tư duy dân chủ, cho biết rằng chính phủ đang tìm cách kiểm soát chặt hơn dữ liệu của người dùng cũng như sử dụng các luật thường được nhắm đến “tin giả” vào mục đích dập tắt các ý kiến trái chiều. Năm nay đánh dấu năm thứ tám liên tiếp Freedom House quan sát quyền tự do Internet trên toàn thế giới bị thu hẹp hơn.

Mike Abramowitz, chủ tịch của Freedom House, trong một cuộc phỏng vấn cho biết: “Trong báo cáo này, chúng tôi chỉ ra rất rõ rằng Internet từng là một công cụ giải phóng suy nghĩ của con người, lại ngày càng bị lạm dụng để phá vỡ nền dân chủ thay vì chống lại sự độc tài. Tuyên truyền những thông tin áp đặt suy nghĩ và không chính xác đang ngày càng đầu độc lĩnh vực kỹ thuật số, và các nhà độc tài và dân túy đang sử dụng cuộc chiến chống lại tin giả như một lý do để giam giữ các nhà báo nổi tiếng và các nhà phê bình truyền thông xã hội, thường thông qua các bộ luật có tính chất hình sự hóa tội tuyên truyền thông tin sai lệch”.

Tại Mỹ, quyền tự do Internet đã bị cắt giảm vào năm 2018 do Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communication Committee – FCC) bãi bỏ các quy tắc trung lập của mạng Internet (Net Neutrality Rules). Tình hình tại các quốc gia khác còn đáng buồn hơn: 17 trong số 65 nước được khảo sát đã áp dụng luật hạn chế phương tiện truyền thông trực tuyến.

Trong số đó, 13 công dân bị truy tố vì cáo buộc lan truyền thông tin sai lệch. Nhiều nước khác đang chấp nhận chương trình đào tạo công nghệ từ Trung Quốc, quốc gia mà Freedom House cho là đang nhăm nhe “xuất khẩu” một hệ thống kiểm duyệt và giám sát trên toàn thế giới.

Tất nhiên, có sự đánh đổi giữa tự do và bảo mật. Bản báo cáo này rất quan trọng đối với Sri Lanka và Ấn Độ, những nơi định kỳ phải đóng cửa hoặc hạn chế truy cập Internet để đối phó với sự bùng nổ của xung đột sắc tộc và tôn giáo. Cả hai quốc gia đều thường xuyên có công dân bị giết chết bởi những đám đông bị thao túng bởi thông tin sai lệch, được lan truyền qua phương tiện truyền thông xã hội.

Adrian Shahbaz, giám đốc nghiên cứu về công nghệ và dân chủ cho biết: “Cắt bỏ dịch vụ Internet là một hình thức phản ứng hà khắc, đặc biệt vào lúc người dân có thể cần kết nối mạng nhiều nhất, mặc dù là để xóa bỏ tin đồn, liên lạc với những người thân yêu, hoặc tránh những khu vực nguy hiểm.

Mặc dù thông tin có nội dung sai lệch là một vấn đề nghiêm trọng, một số chính phủ đang ngày càng lạm dụng ‘tin tức giả’ như một cái cớ để củng cố quyền kiểm soát thông tin của họ và dập tắt những ý kiến trái chiều”.

Theo: The Verge

Góc quảng cáo