Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược mới được ký kết, thời gian tới, FPT và Siemens sẽ cùng hợp tác đào tạo khoảng 1.000 nhân lực tại Việt Nam liên quan đến MindSphere – nền tảng IoT mở dựa trên điện toán đám mây cho các ngành công nghiệp.
Hôm nay, ngày 7/7/2017, FPT đã công bố thông tin về 2 thỏa thuận hợp tác tập đoàn này vừa ký kết với 2 doanh nghiệp Đức.
FPT cho biết, ngày 6/7/2017, tại Berlin, Đức, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Đức, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, FPT đã ký kết 2 thỏa thuận hợp tác chiến lược với tập đoàn công nghiệp Siemens và BPCE International, công ty con của Ngân hàng BPCE.
Cụ thể, FPT ký kết thỏa thuận hợp tác với Siemens về việc khai thác MindSphere. Là nền tảng IoT mở dựa trên công nghệ điện toán đám mây chuyên biệt cho các ngành công nghiệp, MindSphere được Siemens công bố triển khai vào tháng 7/2016, qua đó kết nối cơ sở hạ tầng vật lý với hạ tầng trên mây. MindSphere cho phép khai thác dữ liệu lớn từ hàng tỷ thiết bị thông minh. Hệ thống này giúp các tổ chức, doanh nghiệp hiểu biết sâu sắc hơn về tình hình hoạt động, qua đó có thể đưa ra các giải pháp tối ưu hóa kết quả kinh doanh và tiết kiệm hàng chục tỷ USD từ việc khắc phục sớm các sự cố.
Trong thỏa thuận hợp tác chiến lược mới ký kết giữa FPT và Siemens, đối với việc khai thác MindSphere, hai doanh nghiệp cam kết sẽ cùng hợp tác đào tạo khoảng 1.000 nhân lực tại Việt Nam liên quan đến MindSphere; cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số dựa trên nền tảng MindSphere cho tất cả các lĩnh vực tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu.
Bên cạnh đó, FPT và Siemens sẽ cùng hợp tác để phát triển toàn bộ nền tảng MindSphere. Cụ thể, FPT sẽ là đối tác của Siemens trong về tư vấn, phát triển ứng dụng, tích hợp hệ thống, phát triển công nghệ và kết nối thiết bị.
Là tập đoàn công nghiệp số 1 châu Âu, với doanh số 2016 là 79,6 tỷ Euro, Siemens là một tên tuổi lớn trong các ngành năng lượng, y tế, phần mềm… Siemens hiện có hơn 350.000 nhân viên tại hơn 200 văn phòng trên toàn cầu. Cùng với General Electric, Siemens là một trong hai tập đoàn công nghiệp đa ngành có ảnh hưởng lớn nhất thế giới hiện nay.
Còn với thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa FPT và BPCE International, hai bên sẽ cùng hợp tác phát triển các giải pháp liên quan đến lĩnh vực ngân hàng số.
BPCE International đã hoạt động tại Việt Nam từ thập niên 1990 của thế kỷ trước và hiện đang mong muốn hợp tác với các đối tác Việt Nam nhằm triển khai thí điểm mô hình ngân hàng công nghệ 4.0. Việc thực hiện thí điểm thành công mô hình này tại Việt Nam sẽ là tiền đề quan trọng để BPCE International triển khai rộng rãi trên toàn thế giới.
Trước đó, bên lề buổi gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với gần 30 doanh nghiệp hàng đầu của Đức, nhiều doanh nghiệp như Siemens, BMW, Deutsche Bank, Talanx, Schaeffler, Airbus Defense & Space, Philips Lighting, ngân hàng BPCE International đã bày tỏ mối quan tâm tìm hiểu cơ hội hợp tác với FPT trong lĩnh vực điện số hóa, CNTT, ủy thác dịch vụ phần mềm….
Ông Cedrik Neike, Ủy viên HĐQT tập đoàn Siemens cho biết: “Siemens đang hợp tác với FPT về công nghiệp 4.0 và muốn tham gia vào ngành công nghiệp năng lượng xanh, y tế ….và sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam để đảm bảo cơ hội được đào tạo cho giới trẻ Việt Nam”.
Ông Karsten Vierke, Tổng Giám đốc Philips Lighting DACH đánh giá cao sự hợp tác với FPT trong lĩnh vực hệ thống chiếu sáng thông minh, IoT và xây dựng đô thị thông minh. Ông Karsten cũng khẳng định tích cực tìm các cơ hội hợp tác đầu tư cùng FPT, áp dụng công nghệ thông minh nhằm giảm chi phí điện lực đến 65%.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT: “Việc đồng hành cùng các tập đoàn công nghệ lớn là một bước đi quan trọng để FPT nhanh chóng xây dựng năng lực và cung cấp các dịch vụ, giải pháp công nghệ hiệu quả thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các khách hàng tại Việt Nam và trên toàn cầu. Hiện chúng tôi đang là đối tác về công nghệ Cloud, IoT của các tập đoàn lớn như General Electric, Amazon Web Services…”.
Ngoài Siemens, các tập đoàn lớn khác cũng đang tập trung đầu tư phát triển các nền tảng công nghệ cho các ngành công nghiệp như General Electric (GE) với nền tảng GE Predix, Amazon với nền tảng Amazon Web Services (AWS), Microsoft với nền tảng Microsoft Azure…
Trong giai đoạn 2017 – 2019, FPT đặt ra mục tiêu chiến lược là “Cùng tiên phong trong cuộc cách mạng số”. Theo đó, FPT sẽ đồng hành cùng với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đẩy mạnh nghiên cứu phát triển để từng bước làm chủ các công nghệ lõi của cuộc cách mạng số, tìm kiếm mô hình hình doanh mới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam và trên toàn cầu.
Với định hướng đồng hàng cùng các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đẩy mạnh nghiên cứu phát triển thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam và trên toàn cầu, FPT đã trở thành đối về công nghệ Cloud của AWS, đối tác khu vực của GE về nền tảng Predix.
FPT cũng đang nỗ lực chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho cuộc cách mạng số thông qua việc đào tạo, thi các chứng chỉ công nghệ quốc tế. Hiện FPT có trên 200 kỹ sư, chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án liên quan đến công nghệ IoT cho khách hàng tại Nhật Bản, Mỹ….và có trên 300 kỹ sư CNTT có chứng chỉ của AWS và GE.
Tại châu Âu, FPT hiện có văn phòng tại Đức, Pháp và Slovakia với tổng nhân sự FPT gần 300 người. Mục tiêu tăng trưởng năm 2017 của FPT tại châu Âu là 28%, tương đương trên 35 triệu USD. Trong năm 2016, thị trường châu Âu chiếm khoảng 11% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT, tương đương khoảng 670 tỷ đồng.