Theo báo cáo từ trang DigiTimes, Foxconn đang lên kế hoạch thay thế toàn bộ công nhân lắp ráp iPhone bằng robot để tăng hiệu suất làm việc và giảm chi phí trả cho công nhân. Trong tương lai Apple có thể sẽ bán iPhone với mức giá tốt hơn nhờ sự thay đổi này.
Theo Dai Jia-peng, giám đốc bộ phận tự động hóa của Foxconn cho biết, công ty chia kế hoạch thành ba giai đoạn để tự động hóa hoàn toàn dây chuyền bằng việc dùng các phần mềm chuyên dụng và các đơn vị robot (được gọi là Foxbot). Trong giai đoạn đầu tiên, Foxconn sẽ thay thế các công nhân thực hiện các công việc có tính nguy hiểm hoặc liên quan đến những việc lặp đi lặp lại mà người lao động cảm thấy nhàm chán.
Giai đoạn thứ hai liên quan đến việc cải thiện hiệu quả bằng cách tinh giản dây chuyền sản xuất để giảm số lượng robot dư thừa không cần sử dụng. Giai đoạn cuối cùng sẽ tự động hoá toàn bộ nhà máy, chỉ giữ lại một số lượng ít người lao động đảm nhiệm cho các quá trình sản xuất, hậu cần, kiểm tra và theo dõi dây chuyền.
Foxconn đã từng bước tự động hóa dây chuyền của mình từ nhiều năm trước. Năm ngoái họ đã đặt mục tiêu tự động hóa 30% dây chuyền tại các nhà máy ở Trung Quốc vào năm 2020. Hiện nay, công ty có thể sản xuất khoảng 10.000 Foxbots một năm, tất cả đều có thể được sử dụng để thay thế người lao động. Trong tháng ba, Foxconn cho biết họ đã tự động hóa 60.000 việc làm tại một trong những nhà máy của mình.
Về lâu dài, giá thành của robot sẽ rẻ hơn so với sức lao động của con người. Tuy nhiên, việc đầu tư ban đầu có thể tốn kém.
Nó cũng khó khăn và tốn thời gian để lập trình cho các robot thực hiện nhiều nhiệm vụ, hoặc để tái lập trình một robot để thực hiện nhiệm vụ khác thay thế cho chức năng ban đầu của nó. Đó là lý do tại sao, tại các thị trường lao động như Trung Quốc giá nhân công hiện tại lại rẻ hơn chi phí đầu tư robot khá nhiều. Mặc dù vậy Foxconn hiểu nó sẽ phải chuyển sang tự động hóa để phù hợp với xu thế tương lai.
Vấn đề phức tạp, kiềm nén sự thay đổi là do chính phủ Trung Quốc khuyến khích sử dụng người lao động trong cả nước. Các địa phương như: Thành Đô, Thâm Quyến, và Trịnh Châu, chính quyền địa phương đã giảm hàng tỷ USD tiền thuế và các chi phí khác, tăng cường các hợp đồng năng lượng và cơ sở hạ tầng công cộng để giúp Foxconn mở rộng. Như năm ngoái, Foxconn sử dụng 1,2 triệu lao động, làm cho nó trở thành một trong những công ty có nhân công nhiều nhất thế giới. Bên cạnh đó các dịch vụ vệ tinh cũng phát triển tạo ra việc làm cho rất nhiều người.
Trong một báo cáo chuyên sâu được đăng vào hôm qua, tờ New York Times đã mô tả chi tiết những khuyến khích chính quyền dành cho nhà máy ở Trịnh Châu. Đây là nhà máy lớn nhất và có khả năng sản xuất 500.000 chiếc iPhone mỗi ngày, được dân địa phương gọi là thành phố của iPhone. Theo Jia-peng của Foxconn , nhà máy Trịnh Châu có một số dây chuyền sản xuất đã ở giai đoạn tự động hóa thứ hai và sẽ hoàn toàn tự động trong một vài năm tới. Vì vậy, trong tương lai Foxconn có thể đánh đổi giữa chính sách ưu tiên phát triển của chính quyền và việc tự động hóa đồng thời cũng có thể phải giải quyết bài toán khó khăn về công việc của những công nhân bị sa thải.
Bên cạnh những rắc rối phát sinh của việc tự động hóa, nó cũng đem lại cho Foxconn nhiều lợi ích. Foxconn đã bị nhiều cáo buộc bởi các điều kiện lao động dưới mức cho phép và một tỷ lệ cao người lao động tự sát. Trong thực tế Foxconn đã phải cài đặt lưới chống tự tử tại nhà máy ở Trung Quốc và có các biện pháp để tự bảo vệ mình chống lại vụ kiện của nhân viên.
Bằng cách thay thế con người với robot, Foxconn sẽ làm giảm các vấn đề xuất phát từ việc đối xử với người lao động như không cần phải cải thiện điều kiện sống và làm việc hoặc tăng lương. Nhưng khi làm như vậy, Foxconn sẽ dẫn đến hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu những công nhân thất nghiệp và đó là bài toán khó cho chính quyền Trung Quốc phải giải quyết.
Theo: theverge