Vào tháng 11/2016, Mỹ hứng chịu một vụ tấn công tập thể do Abdul Razak Ali Artan thực hiện. Kẻ sát nhân bị cảnh sát bắn hạ và họ tìm thấy một chiếc iPhone 5s trong số đồ đạc y mang theo. Đặc vụ của FBI đã sử dụng vân tay của Abdul (đã chết) để mở khoá chiếc điện thoại với hy vọng mở ra manh mối để điều tra.
Thông tin trên được chuyên viên pháp lý Moledor của FBI chia sẻ trên tạp chí Forbes, là trường hợp cảnh sát sử dụng vân tay tội phạm đã chết để mở khoá công nghệ Touch ID của Apple đầu tiên được ghi nhận. Tuy nhiên, các nhà điều tra đã không làm được điều họ muốn bởi Touch ID chỉ hoạt động khi sinh trắc vẫn còn sống.
FBI sau đó đã phải gửi máy sang phòng thí nghiệm chuyên trách để trích xuất dữ liệu từ chiếc điện thoại, từ đó phát hiện ra rằng kẻ thực hiện vụ tấn công là người theo tư tưởng khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Bất chấp những phản ánh trái chiều về hành động trên vi phạm tới vấn đề quyền riêng tư, vụ việc đã mở đầu cho các trường hợp xử lý tương tự về sau. Bà Marina Medvin, người đứng đầu hãng luật Medvin Law cho biết khi một người chết đi, họ không còn quyền riêng tư, không còn khả năng đứng trước toà để đòi quyền lợi của mình.
Chuyên viên Moledor thất bại trong việc sử dụng vân tay từ cái xác của Abdul Razak nhưng các trường hợp về sau này lại thành công. Forbes dẫn lời một số nguồn tin riêng từ các cuộc điều tra của cảnh sát địa phương cũng như liên bang tại New York, Ohio (Mỹ) cho hay việc sử dụng vân tay người đã chết để vượt qua máy quét của iPhone khá khổ biến, được sử dụng trong nhiều vụ khác nhau bởi điện thoại của nạn nhân có thể chứa đầu mối để phá án.
Tuy nhiên, đối với Face ID trên iPhone X và các mẫu iPhone ra mắt năm nay, công việc này sẽ khó khăn hơn nhiều bởi công nghệ bảo mật này còn mới và có tính an toàn cao hơn.