Thay vì hỗ trợ người dùng chơi những tựa game thực tế tăng cường cùng bạn bè, Facebook dự định để người dùng đóng vai trò là một phần của quảng cáo trên điện thoại.
Thực tế tăng cường (Augmented reality – AR) là công nghệ chúng ta được nghe nhiều trong thời gian gần đây. Nếu như công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality – VR) yêu cầu phải đeo thiết bị vào đầu, thì thực tế tăng cường giới thiệu thông tin thông qua camera của thiết bị. Công nghệ AR có thể được dùng bằng nhiều cách khác nhau, nhưng tựu chung thiết bị cần có cấu hình mạnh để hiển thị một cách chân thật nhất trên màn hình.
Apple đã dành nhiều thời gian giới thiệu và trình diễn công nghệ AR tại hội nghị dành cho các nhà phát triển Apple WWDC 2018. Giờ đây mạng xã hội nổi tiếng Facebook cũng bắt đầu quan tâm đến công nghệ này.
Theo đó, các nhà quảng cáo đã được thông báo tính năng mới cách đây vài ngày. Facebook hy vọng các thương hiệu sẽ áp dụng cũng như thể hiện sự sáng tạo từ công nghệ AR nhằm tăng doanh số bán hàng nhân mùa lễ hội mua sắm cuối năm. Công nghệ dùng camera trước của điện thoại hoặc máy tính bảng hiện chỉ dành cho người dùng Facebook trên di động.
Thương hiệu đầu tiên dùng công nghệ thực tế tăng cường chính là Michael Kors. Mẩu quảng cáo xuất hiện trên bảng tin (News Feed) Facebook và cho phép người dùng “thử” kính mát. Ngoài ra, nhãn hàng mỹ phẩm Sephora giúp người dùng thử những màu son môi khác nhau thông qua hiển thị từ màn hình điện thoại. Nếu thích, người dùng còn có thể chụp hình mình thử sản phẩm rồi chia sẻ với bạn bè. Khi đã ưng ý, sẽ có một nút bấm đưa người dùng đến thẳng cửa hàng online để đặt hàng.
Xa hơn nữa, Facebook dự định không chỉ đưa thực tế tăng cường trên chính người dùng mà còn cho những thứ xung quanh, ví dụ như đồ nội thất. Với camera sau của thiết bị, người dùng có thể tận dụng tính năng AR để xem liệu chiếc ghế sofa này có vừa với phòng mình hay không.
Với AR, Facebook có vẻ kỳ vọng cộng đồng sẽ bớt phản ứng vì những mẩu quảng cáo xuất hiện ngày càng dày đặc. Thay vào đó sẽ thích thú với việc tận dụng công nghệ để có thể đưa ra quyết định mua hàng, đồng thời cũng giúp các nhà bán hàng hài lòng hơn với nền tảng của mình.