Công ty đối tác được giao nhiệm vụ nghe, chuyển đổi những đoạn ghi âm thu thập trái phép từ người dùng Messenger thành văn bản, sau đó phân tích, đánh giá ứng dụng và trí tuệ nhân tạo của Facebook. Các chuyên gia bảo mật cho biết đây không phải lần đầu tiên mạng xã hội này bị cáo buộc nghe lén người dùng.

Facebook thừa nhận thuê bên thứ ba nghe lén người dùng Messenger

Theo Bloomberg, các công ty đối tác sẽ không biết những đoạn ghi âm có nguồn gốc từ đâu và được thu thập như thế nào. Họ chỉ có nhiệm vụ chuyển những tập tin âm thanh này thành văn bản. Một số nhân viên nói rằng đôi khi họ nghe được những đoạn hội thoại chứa nội dung riêng tư và nhạy cảm.

Facebook thừa nhận thu thập những đoạn ghi âm này từ người dùng và nói đã dừng hoạt động này từ tuần trước – sau khi Google và Apple bị dính cáo buộc nghe lén thông tin khách hàng.

Facebook đã lấy những đoạn ghi âm từ những người dùng chọn tính năng ‘chuyển giọng nói thành văn bản’ trong ứng dụng Facebook Mesenger. Nhiệm vụ của công ty đối tác là kiểm tra xem trí tuệ nhân tạo của Facebook có hiển thị chính xác lời nói của người dùng hay không.

Gần đây, các hãng công nghệ lớn như Amazon và Apple đều bị cáo buộc nghe lén người dùng khi chưa được phép và sử dụng những tập tin đó để nghiên cứu và đánh giá ứng dụng. Theo các nhà phê bình, hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của khách hàng.

Tháng Tư vừa qua, Amazon bị tố cáo thuê nhiều đối tác bên ngoài nghe và phân tích các đoạn hội thoại hằng ngày của người dùng để cải thiện và nâng cấp ứng dụng. Những tập tin âm thanh này được thu thập “lén lút” trong lúc người dùng sử dụng loa Alexa. Sau đó không lâu, Google và Apple cũng bị phát hiện làm điều tương tự trên các trợ lý ảo của mình.

Facebook vừa phải nộp phạt 5 tỷ USD với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FCC) vì rò rỉ dữ liệu người dùng. Trước đây hãng luôn phủ nhận mọi nghi vấn liên quan đến vi phạm bảo mật. CEO Mark Zuckerberg đã bác bỏ cáo buộc này trong lời khai của Quốc hội.

Công ty khẳng định chỉ truy cập vào microphone của người dùng nếu được cho phép và chỉ sử dụng tính năng này khi cần ghi âm tin nhắn bằng giọng nói.

Facebook chưa từng thông báo sẽ cho phép bên thứ ba nghe và phân tích âm thanh thu thập từ người dùng. Điều này khiến nhiều công ty đối tác cảm thấy công việc họ đang làm là trái đạo đức.

Ví dụ, TaskUs là một trong những doanh nghiệp đối tác của Facebook có trụ sở tại Santa Monica (California, Mỹ). Nhân viên của công ty không được phép tiết lộ đang làm việc cho ai, họ chỉ gọi khách hàng bằng tên mã “Prism”. Ngoài ra, Taskup còn chịu trách nhiệm xem xét nội dung vi phạm chính sách của Facebook. Một số nhóm trong công ty chuyên sàng lọc quảng quảng cáo tranh cử, chính trị cho mạng xã hội này.

Trong chính sách sử dụng dữ liệu của Facebook cập nhật năm ngoái không đề cập đến dữ liệu âm thanh. Tuy nhiên, một phần trong đó cho thấy Facebook có thể thu thập nội dung, thông tin liên lạc và những dữ liệu khác “nếu người dùng cho phép” khi nhắn tin và thực hiện cuộc gọi.

Facebook từng tuyên bố tự xử lý nội dung và thông tin liên lạc của người dùng và hoàn toàn không đề cập đến các đối tác chịu trách nhiệm phân tích dữ liệu cho công ty. Trong danh sách đối tác bên thứ ba được chia sẻ thông tin, “gã khổng lồ mạng xã hội” hoàn toàn không nhắc đến nhóm nhân viên chuyển âm thanh thành văn bản, chỉ đề cập tới các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc phân tích cách sử dụng sản phẩm.

Những nhân viên phân tích âm thanh có vai trò quan trọng trong việc đánh giá khả năng nghe và nhận dạng ngôn ngữ của trí tuệ nhân tạo. Máy móc đang trở nên tốt hơn nhưng các nhiệm vụ trọng tâm vẫn đòi hỏi trí tuệ của con người.

Thực tế, Facebook có rất nhiều công ty đối tác chuyên thực hiện nhiệm vụ này trên toàn cầu. Mặt khác, quy mô của mạng xã hội này đã cho thấy lượng thông tin của người dùng bị rò rỉ không hề nhỏ.

Theo Bloomberg

Góc quảng cáo