Thông báo an toàn (Safety Check) vốn là tính năng Facebook dành riêng cho các thảm họa nhân đạo như động đất, núi lửa, sóng thần, song vụ khủng bố tại Paris đã tạo ra một tiền lệ mới.
Sau hậu quả của cuộc tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) vào thứ 6 ngày 13 vừa rồi, nhiều người thân của những người sống trong thành phố nơi xảy ra sự việc này nhận được thông báo từ Facebook để xác nhận sự an toàn của người thân nơi đây.
Công cụ mới này của Facebook có tên Safety Check – Paris Terror Attack. Khi bạn xác nhận người thân đã an toàn qua công cụ này thì mọi người có liên kết với Facebook cũng sẽ dễ dàng biết được.
Tuy nhiên, ngay sau cuộc tấn công hôm đó, một cuộc tấn công đánh bom tự sát kép khác tại Beirut (Li Băng) cũng đã khiến 40 người thiệt mạng nhưng Facebook không hề tạo thêm một công cụ đánh dấu an toàn nào dành cho khu vực này. Điều này khiến cho nhiều người nghĩ rằng Facebook đã thiên vị phương Tây, coi trọng đời sống của người dân châu Âu hơn và điều đó không công bằng với những người dân của các quốc gia khác cũng có điều đau buồn xảy ra.
Theo The Verge, sau khi ghi nhận nhiều lời chỉ trích cũng như đóng góp của người dùng, phó chủ tịch phát triển của Facebook – ông Alex Schultz đã lên tiếng trên trang blog của mình, trong đó ông Schultz đã lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Facebook triển khai công cụ Kiểm tra an toàn đối với một sự việc không phải là thảm họa thiên nhiên, công cụ mà lẽ ra đã phải được xuất hiện từ năm ngoái.
“Phải có một thứ đầu tiên cho cố gắng tạo ra những điều mới mẻ, ngay cả trong những khoảnh khắc nhạy cảm và phức tạp như thế này. Với chúng tôi lúc này, nó chính là Paris”.
Giống như một thảm họa tự nhiên, ông lưu ý, trong các cuộc tấn công “Facebook đã trở thành một nơi mà mọi người đã chia sẻ thông tin và kiểm tra tình trạng an toàn của những người thân yêu của họ”.
Như vậy, kể từ giờ, Facebook đã thiết lập một tiền lệ cho việc sử dụng công cụ Safety Check đối với các hoạt động khủng bố và các sự kiện mang tính bạo lực khác. Sẽ cần phải xác định là khi nào và ở đâu để sử dụng tính năng này.
Từ ý kiến của ông Schultz, không dễ để công cụ này xác định được tình trạng của sự kiện khi kích hoạt nó ở Beirut – nơi giống như những thành phố khác ở Li Băng các sự việc với khuynh hướng bạo lực, đau thương như vậy thường xuyên xảy ra.
Tương tự, với các khủng hoảng khác đang diễn ra như chiến tranh, dịch bệnh… tính năng Safety Check này cũng không hữu dụng cho mọi người bởi vì nó không xác định được sự kiện khi nào bắt đầu, khi nào kết thúc và phạm vi của sự việc. Công cụ này không thể cho mọi người biết được người thân của mình đã thật sự “an toàn” hay chưa.
Schultz cũng viết rằng “Chúng tôi muốn công cụ này luôn sẵn sàng bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu mà nó có thể giúp đỡ… Chúng tôi sẽ học được rất nhiều từ thông tin phản hồi về sự ra mắt này”.
Giám đốc điều hành Facebook – ông Mark Zuckerberg cũng đã đưa ra lời phát ngôn sau khi lắng nghe nhiều phản hồi từ công cụ mới này: “Có rất nhiều sự việc xung đột quan trọng khác trên thế giới cần phải được chú ý. Chúng tôi quan tâm đến tất cả mọi người như nhau và chúng tôi sẽ làm việc hết mình để giúp đỡ những người gặp phải hoàn cảnh đau thương hết mức có thể”.
Theo VnReview