Facebook vừa ra mắt tính năng Community Actions tại Mỹ nhằm kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng để thay đổi chính sách quản lý của chính quyền.
Facebook vừa ra mắt tính năng mới có tên Hoạt động Cộng đồng (Community Actions) tại Mỹ, cho phép người dùng đưa ra các yêu cầu thay đổi về chính trị. Mạng xã hội này có khả năng sẽ vướng phải hàng loạt rắc rối với tính năng mới, bởi Community Actions có thể tạo ra sự đoàn kết giữa những người dùng, yêu cầu sự thay đổi về chính sách từ những quan chức và cơ quan chính phủ tại địa phương, sau đó nhân rộng ra quốc gia.
Mặt khác, hoạt động Cộng đồng cũng có thể bị lạm dụng cho mục đích bắt nạt, quấy nhiễu, hoặc cung cấp cho các nhóm lợi ích một nơi để gây áp lực cho các chính trị gia và quan chức với chương trình nghị sự của họ.
Mỗi tính năng thường được thiết kế đều nhằm mục đích tích cực tuy nhiên đôi khi cũng có xu hướng bị biến chất, mất cân bằng và dẫn đến thông tin sai lệch. Mỗi thành viên của Facebook đều có khả năng trở thành mục tiêu để lợi dụng, điều này vẽ nên một viễn cảnh hết sức tồi tệ cho xã hội.
Bạn có thể tưởng tượng những hành vi như “Đàn áp nhóm thiểu số” là xúc phạm hoặc nguy hiểm nhưng một số người lại coi đó là hợp pháp. Câu hỏi đặt ra là liệu Facebook có đưa ra trước những chính sách kiểm duyệt phù hợp để bảo vệ người dùng hay không. Bởi vì mỗi tính năng mới mà mạng xã hội này trình làng sẽ kéo theo hàng loạt trách nhiệm và thách thức cho họ.
Hoạt động Cộng đồng bắt đầu được tung ra tại Mỹ sau vài tuần thử nghiệm ở một số thị trường. Với tính năng này, người dùng có thể thêm tiêu đề, hình ảnh, mô tả vào kiến nghị của họ và gắn thẻ quan chức hoặc cơ quan chính phủ có liên quan.
Mục tiêu là làm cho thông tin này lan truyền và được mọi người nhấn nút “Support” (Ủng hộ). Mỗi ý kiến đưa ra sẽ có nơi thảo luận riêng, mọi người có thể để lại nhận xét, chọn người gây quỹ, tổ chức các sự kiện hoặc kêu gọi chiến dịch trên Facebook. News Feed sẽ hiển thị có bao nhiêu người ủng hộ hoạt động đó, tuy nhiên người dùng sẽ chỉ có thể thấy tên của bạn bè, một trang hoặc nhân vật công khai.
Facebook có ý định phát triển Community Actions để thúc đẩy hành động của chính phủ hiệu quả hơn và dần dần thay thế những kiến nghị của Change.org. Một cú click “support” trực tiếp từ News Feed sẽ giảm thiểu xích mích khi bất đồng quan điểm nhưng lại có thể thu hút nhiều tổ chức và cá nhân tìm cách tăng tối đa quy mô của kiến nghị.
Một số ví dụ về Community Actions như: hoạt động phi lợi nhuận do Colorado Rising phát động kêu gọi thống đốc ra lệnh cấm khoan dầu khí, công dân yêu cầu thị trưởng Florida và quan chức nhà nước xây dựng một trung tâm nghệ thuật biểu diễn, Hiệp hội khu phố Philadelphia yêu cầu thành phố chuyển thư viện qua bên kia đường… Hoặc cũng có thể hoạt động cộng đồng lớn đầu tiên sẽ là: người dùng mạng xã hội yêu cầu Thượng nghị sĩ đóng cửa Facebook và hạ bệ Mark Zuckerberg.
Sự ra mắt này sẽ kéo theo nhiều tính năng khác của Facebook dành cho công dân như Tòa thị chính và Thông tin Ứng cử viên để đánh giá chính trị gia, Hỗ trợ Cộng đồng để tìm kiếm sự trợ giúp sau thảm họa và Today In để thông báo tin tức địa phương. Một đại diện của Facebook, người đã cho cái nhìn đầu tiên về Community Actions, tuyên bố:
“Xây dựng cộng đồng thông tin và tham gia dân sự là sứ mệnh của chúng tôi. Mỗi ngày, mọi người gặp nhau trên mạng xã hội để nêu những vấn đề mà họ quan tâm và liên hệ với các quan chức được bầu cử, ra mắt một người gây quỹ hoặc bắt đầu tạo một nhóm. Thông qua đó, chúng tôi được thấy mọi người ủng hộ điều gì hoặc nhận được kết quả ra sao về những vấn đề quan trọng. Community Action là một cách khác để mọi người ủng hộ những thay đổi trong cộng đồng và hợp tác với quan chức, cơ quan chính phủ hoặc bàn bạc về những giải pháp được đặt ra.”
Thông qua Community Action, vấn đề sẽ được Facebook vẽ ra và người dùng có thể lựa chọn, ủng hộ những điều phù hợp. Mạng xã hội đang sử dụng kết hợp: gắn cờ người dùng, phát hiện thuật toán chủ động và dùng con người để quản lý tính năng này.
Nếu mặt trái vấn đề là một số người dùng có thể bị lạm dụng và quấy rối, thì mặt phải là biểu hiện cho sự tự do. Nếu Facebook cho phép những hành động cộng đồng gây tranh cãi vẫn tồn tại thì sẽ bị xem là đồng lõa, và ngược lại có thể bị chỉ trích nếu kiểm duyệt gỡ hoạt động này xuống. Giống như nhiều tin tức giả và các chủ đề mang tính xu hướng, tính năng này có thể khiến mạng xã hội phải đau đầu xử lý hàng đống rắc rối.
Facebook đang cố gắng ưu tiên Hoạt động địa phương vì thành viên trong cộng đồng có chỗ ở rõ ràng, cho phép hiển thị khu vực đang sinh sống và chính quyền sở tại sẽ biết họ là công dân thực chứ không phải một kẻ lừa đảo hay lạm dụng. Đó là lý do tại sao Facebook sẽ không cho phép Tổng thống Donald Trump hoặc Phó Tổng thống Mike Pence được gắn thẻ trong Hoạt động Cộng đồng. Nhưng người dùng có thể tự do gắn thẻ tất cả mọi đại diện tiểu bang với các kiến nghị của mình.
Một vấn đề khác là làm thế nào mọi người có thể phản đối lại một Hoạt động Cộng đồng nào đó? Chỉ những người hỗ trợ của Facebook mới có thể can thiệp vào nguồn cấp dữ liệu thảo luận. Việc này có thể khiến cho những kẻ xấu lợi dụng “support” hoạt động gây rắc rối cho cộng đồng. Facebook nói rằng người dùng sẽ phải chia sẻ Hành động cộng đồng đó với nguồn cấp dữ liệu riêng và chờ đợi phản hồi.
Người phát ngôn của hãng cho biết các thử nghiệm ban đầu chưa có nhiều rắc rối, hiện công ty cố gắng cân bằng giữa sự an toàn và hiệu quả. Mạng xã hội cũng hứa sẽ xem xét lại cách phát triển để đối phó với các hành vi mới phát sinh. Vấn đề là tính năng này sẽ mở lối cho những kẻ kích động gây rối và chuyên tìm cách chia rẽ xã hội.
Facebook sẽ phải nhận trách nhiệm cam go trong việc hướng dẫn người dùng sử dụng sản phẩm một cách đúng đắn, theo hướng công bằng và hiểu rõ ý nghĩa hành động của mình. Nếu thành công thì đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để công dân cùng nhau có được sự đồng thuận của chính phủ.
Theo: TechCrunch