Facebook từng cho phép quảng cáo có nội dung đấu giá một cô gái để cưới, và một doanh nhân tại đất nước Nam Sudan đã mua cô về làm vợ.
Sự việc xảy ra vào tháng trước, khi nền tảng mạng xã hội đông người dùng nhất xuất hiện quảng cáo đấu giá một cô gái khoảng 17 tuổi để cưới. Theo Reuters chỉ ít ngày sau đó, cô đã được ‘mua’ và làm vợ của một doanh nhân giàu có.
Vụ việc chỉ là một ví dụ điển hình cho việc Faebook bị lạm dụng ở các nước đang phát triển trong những năm gần đây. Tại Myanmar, hơn 700.000 thành viên của cộng đồng người Hồi giáo Rohingya buộc phải rời khỏi đất nước vì bạo lực sắc tộc gây ra dựa trên các bài viết phân biệt chủng tộc lan truyền trên Facebook. Hàng ngàn người đã bị giết.
Tại Libya, các thế lực thù địch sử dụng Facebook để lan truyền tin giả và thông điệp gây hiềm khích để kích động bạo lực.
Bài viết quảng cáo cô gái 17 tuổi được công khai vào ngày 25/10 sau đó xóa vào 9/11. Theo người phát ngôn của Tổ chức về quyền trẻ em Plan Intertational, đa số dân tại nước Nam Sudan đều nhận biết được tình huống này từ trước.
Giải thích cho việc phải mất hai tuần để xóa bài viết, đại diện Facebook cho biết: “Bất kỳ hình thức buôn bán người nào ,dù là bài đăng, trang, quảng cáo hay nhóm đều bị cấm trên Facebook. Chúng tôi đã xóa bài viết và vô hiệu hóa vĩnh viễn tài khoản đăng tải. Chúng tôi luôn cải thiện các phương thức xác định nội dung vi phạm để nâng cao an toàn, với đội ngũ về bảo mật lên đến 30.000 người và luôn tập trung vào công nghệ”.
Tại Nam Sudan, cưới trẻ vị thành niên là bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc này vẫn tiếp diễn dù chính phủ và các nhóm vận động vẫn luôn ngăn chặn. Người dùng tại đất nước này đã lạm dụng Facebook để thực hiện việc mua bán bất hợp pháp, dẫn đến việc cô gái được mua với một mức giá cao. Nhiều nhà hoạt động lo sợ rằng mức giá cao sẽ làm tăng thêm sự quan tâm đến việc buôn bán phụ nữ để kết hôn trên nền tảng trong tương lai.
Người phát ngôn của tổ chức Plan International nói thêm, đây là vụ việc rất nguy hiểm và “chúng tôi không muốn hành vi tương tự xảy ra hay trở thành phong trào phổ biến”.
Theo The Verge